THỨ NĂM, NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 2024 10:14

TP.HCM: Cuộc chiến quỹ bảo trì chung cư bao giờ chấm dứt

Hiện nay trên địa bàn TP.HCM có khoảng 100 chung cư xảy ra tranh chấp thì có gần một nửa trong số đó tranh chấp liên quan đến việc bàn giao, quản lý 2% quỹ bảo trì chung cư giữa cư dân và chủ đầu tư.

Khiếu kiện đến bao giờ?

Theo quy định hiện nay, người mua nhà trước khi nhận bàn giao nhà phải đóng quỹ bảo trì tương đương 2% giá trị căn hộ cho chủ đầu tư tạm quản lý. Khi ban quản trị chung cư được thành lập do người dân bầu ra, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao số tiền này. Tuy nhiên, tại nhiều chung cư do số tiền quá lớn nên đã xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân, thậm chí giữa cư dân với chính ban quản trị chung cư.

Tại chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú, TP.HCM), từ năm 2014 đến nay, người dân liên tục cầu cứu khắp nơi, trong đó có UBND TP.HCM đề nghị chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì nhưng đến nay hàng chục tỉ đồng vẫn bị chủ đầu tư chiếm dụng. Hiện 173 hộ dân tại đây đã biểu quyết 100% đề nghị UBND TP.HCM chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra khởi tố hình sự chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia, nếu không bàn giao 2% phí bảo trì nhà chung cư cho ban quản trị chung cư.

Chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú, TP.HCM) một trong những chung cư ở TP.HCm xảy ra tình trạng khiếu kiện liên quan phí bảo trì chung cư kéo dài.

Trao đổi với PV báo Dân Sinh, Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng ban quản trị chung cư Khang Gia Tân Hương, cho biết đến nay Ban quản trị chung cư đã 7 lần gửi đơn đề nghị đến UBND TP.HCM và phía chủ đầu tư yêu cầu được giải quyết, bàn giao quỹ bảo trì chung cư cho Ban quản trị nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết, dẫn đến khiếu kiện kéo dài dai dẳng nhiều năm qua. Cũng theo ông Hùng, từ khi UBND quận Tân Phú có quyết định thành lập ban quản trị chung cư, cấp con dấu riêng cho ban quản trị đến nay phía ban quản trị chưa nhận được buổi làm việc chính thức nào của chủ đầu tư về việc bàn giao phí bảo trì chung cư cũng như các vấn đề liên quan khác đến chung cư.

Cũng vậy thời gian qua, tại chung cư New Sài Gòn (xã Phước Kiển, H.Nhà Bè, TP.HCM) xảy ra cuộc chiến kéo dài giữa ban quản trị và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển nhà Hoàng Nguyên khi công ty này không chịu bàn giao quỹ bảo trì chung cư cho ban quản trị. Mới đây Sở Xây dựng TP.HCM đã phải đề xuất với UBND TP về việc ban hành quyết định xử phạt hành chính chủ đầu tư chung cư New Sài Gòn 125 triệu đồng vì chậm bàn giao phí bảo trì cho ban quản trị chung cư. Chung cư New Sài Gòn do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển nhà Hoàng Nguyên làm chủ đầu tư. Dù dự án đã đưa vào sử dụng năm 2009 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao đủ 2% quỹ bảo trì chung cư khoảng 31 tỉ đồng. Ngoài đề xuất phạt 125 triệu đồng đối với hành vi vi phạm chậm bàn giao và bàn giao không đầy đủ phí bảo trì phần sở hữu chung, Sở Xây dựng cũng đề xuất hình phạt bổ sung là buộc chủ đầu tư bàn giao ngay toàn bộ kinh phí bảo trì theo quy định cho ban quản trị nhà chung cư.

Đến khi nào mới chấm dứt tranh chấp?

Khiếu kiện kéo dài ở nhiều chung cư trên địa bàn TP.HCM về việc quản lý và bàn giao 2% quỹ bảo trì chung cư đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Ở một số chung cư trên địa bàn cuộc chiến quỹ bảo trì chung cư diễn ra gay gắt đến mức phía ban quản trị chung cư phải yêu cầu cơ quan công an vào cuộc.

Liên quan đến những bất cập trong việc bàn giao, quản lý phí bảo trì chung cư trên địa bàn TP.HCM hiện nay, ông Nguyễn Văn Đồi, Tổng Giám đốc SSG Group, cho biết cuộc chiến quỹ bảo trì chung cư giữa ban quản trị chung cư và chủ đầu tư xảy ra một phần cũng có lý do từ việc cấp con dấu và thành lập ban quản trị chung cư. Theo quy định thì Chính phủ giao Bộ Công an khắc con dấu, tuy nhiên lúc đến cơ quan công an hỏi thì họ lại bảo đang chờ thông tư hướng dẫn. Chính điều này đã khiến doanh nghiệp khó bàn giao phí bảo trì cho ban quản trị. Cũng vậy phí bảo trì tại nhiều chung cư rất lớn nên vẫn có một số ban quản trị chưa minh bạch trong việc thu chi khiến tiền của các cư dân đóng vào thất thoát. Có một số vấn đề ban quản trị chung cư vẫn không thể đảm đương nên để giải quyết hài hòa việc bàn giao quỹ bảo trì chung cư thì nên thành lập cơ quan để quản lý các ban quản trị chung cư.

Cuộc chiến giành quỹ bảo trì chung cư kéo dài chưa có kết quả.

Về giải pháp giải quyết các tranh chấp liên quan đến quỹ bảo trì chung cư Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện nay để quan lý tốt các vấn đề của chung cư hội nghị nhà chung cư có trách nhiệm xử lý. Mọi chi tiêu của ban quản trị phải thông qua sự đồng ý tại hội nghị nhà chung cư để giám sát quản lý. Đề án An ninh kinh tế trong lĩnh vực bất động sản mà Bộ Xây dựng đang hoàn thiện và dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 12 tới sẽ giải quyết triệt để cuộc chiến giành quỹ bảo trì giữa chủ đầu tư và ban quản trị chung cư.

Nhận định tình hình trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết trong  đầu năm 2018 tình hình tranh chấp tại các chưng cư, lĩnh vực xây dựng bất động sản ngày một  căng thẳng. HoREA cho biết tình trạng tranh chấp tại các chung cư tiếp tục diễn biến ngày càng gay gắt, phức tạp, cần được kiểm soát và xử lý hiệu quả, kịp thời. Theo HoREA, hầu hết các chung cư tại TP.HCM đều có những tranh chấp từ bé đến lớn. Điều này vẫn chưa thể kiểm soát được một cách triệt để. Các vấn đề nhức nhối nhất hiện nay là khoản phí bảo trì 2%, tiện ích chung và riêng, văn hóa ứng xử trong chung cư. Việc người dân đem đơn đi kiện, đi khiếu nại là thường xuyên. Các chủ đầu tư cần phải rõ ràng, cam kết và hoạt động đúng như hợp đồng đã đưa trước đó, bầu ban quản trị và hạch toán chi tiêu chi phí bảo trì rõ ràng để người dân có thể an tâm rằng tiền của mình đi về đúng chỗ.

Xuân Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh