TP.HCM áp dụng Bộ tiêu chí mới đánh giá an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong hoạt động giao thông vận tải
- Y học 360
- 09:11 - 18/02/2022
Với Bộ tiêu chí này, các cơ sở, đơn vị được phép hoạt động khi tất cả các tiêu chí thành phần đều đạt theo từng lĩnh vực và không được phép hoạt động khi có ít nhất 01 tiêu chí không đạt.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạt động trong ngành GTVT khi hoạt động trên địa bàn TP.HCM phải tự cập nhật, đánh giá và đáp ứng theo Bộ tiêu chí này.
Theo đó, đối với vận tải hàng hóa (đường bộ và đường thủy nội địa) có 03 tiêu chí thành phần, bao gồm: Người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ đi cùng trên phương tiện phải tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc người đã khỏi bệnh COVID-19; Tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 sàng lọc định kỳ cho người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ đi cùng trên phương tiện theo hướng dẫn của ngành Y tế; Thực hiện đầy đủ nguyên tắc 5K.
Đối với hoạt động vận tải hành khách (đường bộ và đường thủy nội địa): Ngoài 03 tiêu chí như vận tải hàng hóa nêu trên, các phương tiện phải trang bị dung dịch rửa tay (có ít nhất 70% nồng độ cồn); Vận chuyển tối đa không quá 50% sức chứa của phương tiện tại cùng thời điểm (Ngoại trừ: (1) Phương tiện vận chuyển công nhân sử dụng cố định phương tiện hàng ngày và đảm bảo tất cả người trên phương tiện đã tiêm đủ ỉiều vắc xin phòng COVID-19 theo quy định; (2) Xe ôtô khách đã thiết kế vị trí ngồi (hoặc nằm) trên xe riêng biệt có giãn cách người với người trên xe; (3) Xe taxi, xe hợp đồng và du lịch dưới 9 chỗ); Vận chuyển không đáp ứng yêu cầu về giãn cách người trên phương tiện tại từng thời điểm cấp độ dịch được công bố.
Bên cạnh đó, có vách ngăn giữa người điều khiển phương tiện và hành khách (đổi với xe taxi, xe hợp đồng và xe du lịch dưới 9 chỗ khi Thành phố công bố cấp độ 3 và 4).
Đối với hoạt động tại bến xe, bến phà, bến thủy nội địa vận chuyển hành khách, bến khách ngang sông: Người lao động đáp ứng điều kiện đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc người đã khỏi bệnh COVID-19; tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ cho người lao động theo hướng dẫn của ngành Y tế; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K, bố trí dung dịch rửa tay có ít nhất 70% nồng độ cồn hoặc vòi nước có xà phòng cho hành khách vệ sinh; thành lập Tổ công tác phòng chống COVID-19 tại đơn vị; có sơ đồ hướng dẫn và tổ chức thực hiện lối ra, vào riêng biệt, di chuyển một chiều.
Đối với hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên: Người lao động đáp úng điều kiện đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc người đã khỏi bệnh COVID-19. Học viên đã tiêm vaccine phòng COVID-19 ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm hoặc người đã khỏi bệnh COVID-19; tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ cho người lao động theo hướng dẫn của ngành y tế; thực hiện nguyên tắc 5K; Trong phòng học, phòng thi bố trí không quá 50% học viên tham gia cùng một thời điểm khi TP đạt cấp độ dịch cấp 2, tương ứng 25% khi TP đạt cấp độ dịch cấp 3 và tạm dừng công tác đào tạo, sát hạch khi TP ở cấp độ 4 về dịch bệnh; trang bị dung dịch rửa tay có ít nhất 70% nồng độ cồn tại phòng học, phòng thi, phương tiện và nơi làm việc.
Đối với hoạt động xây dựng công trình giao thông (bao gồm công tác bảo trì): thực hiện đúng quy định của Bộ GTVT về thi công các dự án, công trình đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiêm soát hiệu quả dịch COVID-19; thực hiện nguyên tắc 5K; người lao động trên công trường phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc người đã khỏi bệnh COVID-19; tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Đối với hoạt động tải cảng biển, cảng thủy nội địa: thực hiện theo quy định của Bộ GTVT về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của lĩnh vực (đường thủy nội địa, hàng hải); quản lý, kiểm tra giám sát thuyền viên, hành khách, tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng, phương tiện thủy nội địa đến, đi và hoạt động tại khu vực cửa khẩu cảng biển TPHCM theo quy định của UBND TP.
Đối với hoạt động tại Ga đường sắt Sài Gòn: thực hiện theo quy định của Bộ GTVT, Bộ Y tế và UBND TP về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; xây dựng phương án, kế hoạch đón trả khách ra vào ga đường săt đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Đối với hoạt động tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất: thực hiện theo quy định của Bộ GTVT, Bộ Y tế và UBND TP về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức điểm xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 đối với hành khách thông qua cảng; có phương án xử lý đối với các trường hợp nghi ngờ và bổ trí khu vực cách ly tạm thời theo quy định.