TP. Thanh Hóa tăng cường biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16
- Y học 360
- 18:36 - 10/09/2021
Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, TP. Thanh Hóa đã ban hành các quy định siết chặt hơn để người dân trên địa bàn nghiêm chỉnh chấp hành.
Cụ thể, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. Thanh Hóa yêu cầu, đối với các ban, sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh và các cơ quan hành chính sự nghiệp bố trí số người làm việc trực tiếp không quá 30%; các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng trên địa bàn không quá 50%. Các lực lượng phòng, chống dịch làm việc theo kế hoạch được phân công. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh (kể cả trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp): Các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu phải giảm số lượng người làm việc ở mức tối thiểu đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh; các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ không thiết yếu thì tạm dừng hoạt động.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. Thanh Hóa quy định rõ, các khung giờ qua các chốt kiểm soát không phải xuất trình giấy tờ chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan ban, sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh, thành phố, phường, xã; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng, dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động theo quy định. Cụ thể, các khung giờ quy định, từ 6h30 đến 7h; từ 11h30 đến 12h, từ 13h đến 13h30; từ 16h45 đến 17h45.
Các trường hợp chỉ được đi lại theo khung giờ quy định áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức người lao động làm việc ban, sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh và các cơ quan hành chính sự nghiệp. Đối với nhân viên, người lao động làm việc tại các nhà máy, cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu; sản xuất hàng hoá thiết yếu như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng, dầu, điện, nước, nhiên liệu. Cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động tại các cơ sở giáo dục, kho bạc, đăng kiểm.
Các trường hợp đi lại trong và ngoài khung giờ quy định gồm có bệnh nhân đi cấp cứu do các xe chuyên dụng của các bệnh viện, cơ sở y tế chuyên chở: Không phải xuất trình giấy tờ. Đối với người đi khám bệnh, chữa bệnh: Có giấy giới thiệu, giấy xác nhận của cơ quan y tế hoặc UBND các xã, phường, thị trấn nơi cư trú cấp. Lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, các lực lượng hỗ trợ: Có thẻ hoặc giấy xác nhận do cơ quan, đơn vị cấp. Phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí: Được Tiểu ban thông tin, tuyên truyền ứng dụng công nghệ thông tin - Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hoá cấp. Cán bộ, nhân viên, người lao động làm việc trong các ngành dịch vụ thiết yếu như: Bưu chính, viễn thông, điện lực, cấp nước, công nhân môi trường, nhân viên công ty dịch vụ bảo vệ, sửa chữa bảo hành thang máy, nhưng phải mặc trang phục của Công ty và có giấy đi đường do đơn vị cấp...
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. Thanh Hóa hướng dẫn cụ thể giấy đi đường phải đảm bảo nguyên tắc: "Một cung đường hai điểm đến"; nội dung giấy đi đường phải ghi rõ: Họ tên, địa chỉ nơi ở, nơi lưu trú, địa chỉ nơi làm việc... Mọi người khi ra khỏi nhà phải có giấy tờ tuỳ thân (một trong các loại: CMND, căn cước công dân, giấy khai sinh, thẻ công chức, viên chức.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. Thanh Hóa đề nghị các ban, sở ngành, đơn vị cấp tỉnh; yêu cầu các phòng, ban, đơn vị thành phố, UBND các phường, xã; các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nghiêm túc thực hiện.
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. Thanh Hóa, sau 7 ngày (từ 2/9 đến hết ngày 8/9/2021) thực hiện Quyết định số 3418/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn TP Thanh Hóa, lực lượng chức năng của thành phố đã xử phạt 1.106 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.