CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:30

TP. Hồ Chí Minh: Tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cộng đồng dân cư

 - Ảnh 1

Lớp tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cho giáo viên mầm non, tình nguyện viên tại quận 7, TP.HCM.


 - Ảnh 2

Lớp tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cộng đồng dân cư tại quận Thủ Đức.

Tại các buổi tập huấn, chuyên viên Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu và phòng chống thảm hoạ TP. HCM sẽ hướng dẫn kỹ năng sơ cứu bị điện giật ngưng tim, ngưng thở, sơ cứu bỏng, sơ cứu gãy xương cẳng tay, sơ cứu dị vật đường thở.

 - Ảnh 3

Băng bó vết thương bị phần mềm.


Ông Phạm Bá Chương, chuyên viên Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu và phòng chống thảm hoạ TP. HCM, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Thủ Đức cho biết: “Sơ cấp cứu có tầm quan trọng đối với nạn nhân vì sơ cứu ban đầu sẽ quyết định sự sống chết người bị nạn. Bệnh nhân sẽ sống sót nếu sơ cứu kịp thời và đúng cách, hoặc ít ra cũng để lại di chứng nhẹ nhất có thể. Sơ cứu kịp thời sẽ làm cho các chức năng sống bảo tồn, các chức năng sinh hoạt sẽ được phục hồi”.

 - Ảnh 4

Kỹ năng di chuyển nạn nhân bị gãy xương bằng cáng.


Trước đó, ngày 7/7, Hội Chữ thập đỏ quận 7 đã phối hợp cùng Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu và phòng chống thảm hoạ TP. HCM tổ chức buổi huấn luyện sơ cấp cứu dành cho các giáo viên, cán bộ trường mầm non trên địa bàn quận.

 - Ảnh 5

Một trong các kỹ năng di chuyển nạn nhân ra khỏi đám cháy.


Sơ cứu muộn hoặc không đúng cách sẽ làm cho cơ hội sống sót của nạn nhân không còn hoặc để lại di chứng tàn tật vĩnh viễn. Nạn nhân không được sơ cấp cứu sớm sẽ dẫn đến ngừng thở, rồi ngừng tim. Nếu có hiện tượng ngừng tim xảy ra mà không được ép tim kịp thời thì sau 5 phút sẽ làm tổn thương não nặng. Não sẽ tổn thương không hồi phục nếu sau 10 phút không có máu nuôi dưỡng do hậu quả của ngừng tim. Trong các trường hợp này, nạn nhân nếu được cứu sống thì cũng sẽ sống đời sống thực vật, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, thời gian là tối quan trọng trong sơ cấp cứu. Thời gian là mạng sống của nạn nhân”, ông Lê Tự Quốc Hiếu - chuyên viên Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu và phòng chống thảm hoạ TP. HCM cho biết thêm.

Được biết, thời gian qua, Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu và phòng chống thảm hoạ TP.HCM thường xuyên kết hợp với Hội chữ thập đỏ các quận để mở lớp tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu rộng khắp cho người dân.

Các quy trình sơ cấp cứu: Xử trí theo quy trình ABCDE dưới đây

Đường thở (A - Airway)

Trong xử trí đường thở, trước hết cần nhận biết nếu bệnh nhân tỉnh, còn tiếp xúc được hay không? Nếu có tắc nghẽn cần thực hiện ngay lập tức các động tác sau:

  • Nghiêng người ghé sát miệng nạn nhân để xem còn thở hay không.
  • Mở miệng nạn nhân kiểm tra xem có đờm dãi, dị vật hay không.
  • Nếu có nhiều đờm dãi thì phải dùng ngón tay móc lấy sạch dị vật đờm dãi.

 - Ảnh 6

Hô hấp nhân tạo

Nếu nạn nhân còn khó thở thì phải ngửa đầu ra sau và đẩy hàm dưới nâng cằm lên để giữ cho đường thở được thẳng trục, giúp đường thở thông thoáng hơn.

Hô hấp (B - Breathing)

Nếu thấy nạn nhân thở ngáp hoặc ngừng thở, tím tái thì phải tiến hành ngay hô hấp nhân tạo bằng cách thổi hơi vào miệng hoặc mũi của nạn nhân. Nếu nạn nhân có tổn thương ngực hở rộng, chảy nhiều máu cần đặt ngay miếng gạc lớn hoặc lấy quần áo sạch đặt lên vết thương và băng kín, mục đích cầm máu và hạn chế khí tràn vào khoang ngực (vì khí vào càng làm nạn nhân khó thở hơn). Tuyệt đối không lấy bỏ dị vật đang cắm trên ngực vì có nguy cơ sẽ gây chảy máu ồ ạt, làm nạn nhân có thể tử vong nhanh chóng.

 - Ảnh 7


Tuần hoàn (C - Circulation)

Đánh giá tuần hoàn dựa vào bắt mạch ngoại vi ở cổ tay, vùng cổ hay bẹn. Nếu khó bắt hoặc không bắt được thì nạn nhân trong tình trạng sốc nặng, có thể sắp ngừng tim. Các biện pháp cầm máu như băng ép hoặc ép chặt vào chỗ đang chảy máu bằng quần áo hoặc băng gạc sạch vô khuẩn càng tốt, giữ nguyên cho đến khi nhân viên y tế đến, tuyệt đối không bỏ tay đang giữ ép ra hoặc bỏ gạc đang giữ để thay gạc mới sẽ làm cho máu chảy càng mạnh hơn và khó cầm. Ngoài ra cần nâng cao chi chảy máu so với mức tim và giữ nguyên sẽ có tác dụng làm cho máu dồn về tim, não. Chỉ đặt garo nếu chi đã cắt cụt và còn đang tiếp tục chảy máu.

 - Ảnh 8

Trường hợp nạn nhân ngừng tim, cần tiến hành hồi sức tim phổi bằng ép tim ngoài lồng ngực. Ép tim ngoài lồng ngực với tần số 100 - 120 lần/phút. Sau khi ép tim 30 lần cần thổi ngạt cho nạn nhân 2 lần. Tiến hành 2 người là tốt nhất, một người ép tim, một người thổi ngạt và có thể thay phiên nhau.

Thần kinh (D - Disability)

Cần đánh giá nhanh tổn thương hệ thần kinh qua cách đánh giá nhanh nạn nhân tỉnh, có thể giao tiếp được bình thường hay không, có trả lời đúng câu hỏi hay không, có co tay co chân khi véo đau hay không. Nếu nạn nhân không đáp ứng bằng hỏi hoặc kích thích đau, khi đó nạn nhân đã hôn mê, cần vận chuyển ngay nạn nhân đến cơ sở y tế.

Bộc lộ toàn thân (E - Exposure)

Một nguyên tắc trong khám và đánh giá sơ bộ tổn thương trong cấp cứu ban đầu là phải cởi bỏ toàn bộ quần áo nạn nhân để đánh giá các tổn thương khác để xử trí. Nếu nạn nhân nghi ngờ có tổn thương cột sống cổ hoặc thắt lưng nên lưu ý bất động trong quá trình kiểm tra. Khi cởi bỏ quần áo, chú ý vì làm hạ thân nhiệt - nhất là mùa đông nên phải làm nhanh sau đó che phủ ngay cho nạn nhân. Phụ nữ cần lưu ý xem có thai hay không. Bất động trên ván cứng hoặc nền cứng, tránh di chuyển lệch, xoay trở nạn nhân gây biến chứng nếu có tổn thương cột sống.

HẢI LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh