TP. Hồ Chí Minh: Kỷ niệm 100 ngày sinh Giáo sư Nguyễn Thiện Thành
- Tây Y
- 00:28 - 06/10/2019
Giáo sư Nguyễn Thiện Thành đã trực tiếp tham gia những giai đoạn khốc liệt nhất của hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Ông là một trong những cán bộ chủ chốt được quân đội lựa chọn vào lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam bằng chuyến tàu không số trên "Con đường Hồ Chí Minh trên biển".
Khi đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, với bản lĩnh và nghị lực của người lính đã được tôi luyện qua nhiều chiến trường ác liệt, cùng với nền tảng kiến thức được đào tạo bài bản, chuyên sâu, trên cương vị Viện trưởng, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành đã đầu tư nhiều thời gian và tâm huyết để xây dựng Bệnh viện Thống Nhất ngày càng phát triển. Ông không những là người đầu tiên đặt nền móng cho việc hình thành và phát triển chuyên ngành Lão khoa, là người quản lý năng động, có tầm nhìn xa, trông rộng, có tâm huyết với nghề nghiệp mà còn là một nhà giáo mẫu mực hết lòng vì học trò, một nhà khoa học nghiêm túc với nhiều công trình được ứng dụng thiết thực và hiệu quả trong công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân.
Nhìn lại cả cuộc đời phục vụ quân đội và nhân dân, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành đã có nhiều cống hiến to lớn trong các lĩnh vực khoa học còn khá mới mẻ của nền y học Việt Nam. Một trong những sự kiện đáng ghi nhớ ở thời điểm khó khăn của thời kỳ kháng chiến là việc ông đã nghiên cứu và ứng dụng thành công phương pháp Philatov nổi tiếng, đã cứu sống, điều trị và nâng cao sức khỏe cho bệnh binh và cho nhân dân.
"Nói về Giáo sư Nguyễn Thiện Thành, giới khoa học luôn ghi nhớ ông đã nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất hai loại dược phẩm mới là Kaglutam và Spiruina (tảo xoắn xanh của Việt Nam) có tác dụng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi". Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất Lê Đình Thanh khẳng định.
Buổi lễ kỷ niệm có sự tham dự của bà Dương Thị Minh, phu nhân Giáo sư Nguyễn Thiện Thành và Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân (con trai của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành) cùng các thế hệ lãnh đạo của Bệnh viện Thống Nhất, lãnh đạo các đơn vị ông đã từng công tác, các thế hệ học trò, đồng nghiệp, những người đã từng làm việc và chiến đấu cùng ông...
Tại lễ kỷ niệm, đại diện gia đình, con trai Giáo sư Nguyễn Thiện Thành là ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, đã ôn lại cuộc đời của người cha đáng kính, đồng thời gửi lời cám ơn đến các cấp, các ngành, đồng đội, đồng nghiệp đã sát cánh, hỗ trợ cha mình trong cuộc đời và sự nghiệp, cưu mang ông trong những năm tháng cha mẹ vào Nam chiến đấu. "100 năm trước ba ra đời, chưa có má, chưa có chúng con. Hôm nay, ba đã đi xa, nhưng má và chúng con vẫn còn. Và đồng đội, đồng nghiệp, quê hương, Đảng, Nhà nước, quân đội vẫn nhớ tới ba. Chúng con xin hứa với ba sẽ sống xứng đáng với ba, chăm sóc má, góp phần gìn giữ truyền thống của gia đình". Ông Nguyễn Thiện Nhân nói trong xúc động.
Thay mặt chính quyền địa phương, là quê hương của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành, phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm nhấn mạnh: Giáo sư Nguyễn Thiện Thành luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho quê hương, góp phần bồi dưỡng cho nhiều thế hệ trẻ. Giáo sư Nguyễn Thiện Thành đã lập Quỹ học bổng do gia đình đóng góp và vận động các đơn vị cùng đóng góp, để cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo của tỉnh. Từ năm 2009 đến nay, Quỹ học bổng đã hỗ trợ 1.416 suất học bổng với số tiền trên 2 tỷ đồng, qua đó đã hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa cho các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi của địa phương.
"Đảng bộ và nhân dân tỉnh Trà Vinh luôn trân trọng và ghi nhớ công lao to lớn của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành đã dành cả cuộc đời phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Giáo sư là tấm gương tiêu biểu, là người con ưu tú của quê hương Trà Vinh để chúng tôi và các thế hệ trẻ noi theo"- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh khẳng định.
Giáo sư Nguyễn Thiện Thành sinh ra tại xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Người dân Nam Bộ thường gọi trìu mến là "bác sĩ Filatov" vì những cống hiến cho y học của ông. Ông từ trần ngày 8/10/2013.
Cuộc đời và sự nghiệp của ông là một quá trình phấn đấu liên tục, cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự phát triển của ngành y tế quân đội và y tế nhân dân. Giáo sư đã được Đảng, Nhà nước, quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, với 16 huân, huy chương, danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Ông được phong học hàm Giáo sư năm 1980, đợt phong học hàm đầu tiên của Nhà nước. Năm 1985, Giáo sư được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Năm 1989, ông tiếp tục được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân.