TP Hồ Chí Minh họp HĐND bất thường tăng thu nhập cho cán bộ, công chức từ ngày 1/4/2018
- Tây Y
- 14:09 - 17/03/2018
Tạo cơ chế đặc thù cho TP.HCM là quyết sách quốc gia đột phá
Tại kỳ họp thứ 7 (kỳ họp bất thường) HĐND TPHCM khóa IX, các Đại biểu HĐND TPHCM đã biểu quyết thông qua nghị quyết về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ không chuyên trách ở cấp phường - xã - thị trấn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Tạo cơ chế đặc thù cho TP.HCM là quyết sách quốc gia đột phá
Tại kỳ họp, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng, kì họp này được tiến hành trong những ngày đầu năm 2018, là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và đây cũng là năm đầu tiên thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt có tính thời cơ, cách mạng; đồng thời là trách nhiệm rất nặng nề của thành phố trong tổ chức thực hiện thí điểm với thời gian chỉ có 5 năm 2018 - 2022 nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển của thành phố. Vì vậy, thành phố phải có kế hoạch cụ thể để thực hiện, phải có tầm nhìn và giải pháp đủ mạnh để tạo đột phá.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại kỳ họp
“Việc thực hiện phải đạt hiệu quả, nếu thí điểm thành công, không chỉ tạo động lực cho phát triển thành phố mà còn đóng góp lớn hơn, nhiều hơn cho cả nước và vì cả nước cả về nguồn lực, kinh nghiệm thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện về cơ chế, chính sách, nhất là vấn đề phân cấp, ủy quyền, tăng tính tự chủ về tài chính, tăng thẩm quyền cho chính quyền các cấp ở địa phương trong một số lĩnh vực”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.
Tăng lương theo năng lực của từng người chứ không cào bằng
Theo nghị quyết số 54 của Quốc hội, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm được điều chỉnh theo lộ trình: năm 2018 tăng tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ (tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ là tiền lương đã bao gồm tăng lương theo lộ trình của Chính phủ).
Tại kỳ họp, Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng cho biết: Thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, UBND thành phố tính toán, ngân sách TP HCM cần hơn 2.340 tỷ đồng để chi cho hơn 11.600 công chức; gần 122.160 viên chức và 6.440 cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn. Kế đến năm 2019 sẽ tăng thu nhập tối đa 1,2 lần và năm 2020 tăng tối đa 1,8 lần.
Đối với người làm việc theo hợp đồng (quy định tại Nghị định 68/2000) cũng được chia sẻ thu nhập tăng thêm theo hiệu quả công việc. Chi trả thu nhập tăng thêm từ nguồn cải cách tiền lương, gồm: kinh phí cải cách tiền lương của các năm trước sử dụng chưa hết chuyển sang; 50% từ tăng thu ngân sách địa phương; nguồn tiết kiệm… bà Phan Thị Thắng cho biết thêm.
Bổ sung thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, mức tăng tùy theo hệ số lương, mức lương của từng người chứ không cào bằng. Ngoài ra, thu nhập tăng thêm chỉ được thực hiện đối với những cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Thủ trưởng từng sở ngành, đơn vị phải chịu trách nhiệm trong việc đánh giá cán bộ.
Kể từ ngày 1/4, sẽ tăng thu nhập cho cán bộ, công chức
Về vấn đề này, ông Trương Văn Lắm - Giám đốc Sở Nội vụ TP - khẳng định việc TP chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức phải giải quyết được mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý của TP. Ông Lắm cũng cho biết tới đây, Sở Nội vụ TP sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc này.
"Trên thực tế có nhiều cơ quan có cách đánh giá cán bộ, công chức khá sát sườn, được sự đồng thuận của người lao động. Chúng tôi sẽ ghi nhận, học tập cách làm tốt để hướng dẫn triển khai cho các đơn vị khác" - ông Lắm nói.
Cải cách hành chính: chưa bao giờ hài lòng
Tại kỳ họp, nhiều đại biểu đặt dấu hỏi về những con số rất đẹp trong báo cáo của UBND TP: tỉ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với việc giải quyết thủ tục hành chính năm 2017 đạt trên 80%, tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đối với tổng số thủ tục hành chính được giải quyết của TP đạt trên 95%.
Trả lời vấn đề nay, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, chính quyền TP chưa bao giờ hài lòng với kết quả đạt được về cải cách hành chính. Tuy nhiên, ông cho biết năm 2017 là năm cải cách hành chính đạt kết quả tốt nhất trong 5 năm gần đây.
Kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX
Cuối phiên thảo luận, HĐND TP đã biểu quyết thông qua nghị quyết về cải cách hành chính, đặt ra chỉ tiêu tỉ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80% vào năm 2020.
Phấn đấu đến năm 2020, tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn của từng lĩnh vực đều đạt trên 90%; có 30% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức độ 4; tỉ lệ cấp đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt hơn 50%; tỉ lệ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng đạt trên 10%.