CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:15

TP HCM cưỡng chế 112 nhà xây trên đất công

Các ngả vào quanh khu vực vườn rau Lộc Hưng, đường Chấn Hưng (phường 6, quận Tân Bình) ngày 10/1 vẫn được lực lượng chức năng phong tỏa. Người đi đường được hướng dẫn di chuyển qua lối khác. Bên trong vườn rau, nhiều căn nhà bị tháo dỡ, vật liệu nằm ngổn ngang. Việc cưỡng chế của quận Tân Bình diễn ra trong hai ngày 4 và 8/1. Một số hộ dân không hợp tác với chính quyền.

Trong đơn tố cáo gửi trung ương, gần 90 hộ dân khẳng định đến sống tại khu vực vườn rau từ năm 1954. Từ đó đến nay họ canh tác, sử dụng khu đất và không xảy ra tranh chấp. Cư dân cũng thực hiện nghĩa vụ thuế bằng nhiều hình thức. Năm 1999, họ liên hệ UBND phường 6, UBND quận Tân Bình xin xác nhận quá trình sử dụng đất canh tác nhưng cơ quan chức năng không xác nhận. Những căn nhà, chòi họ xây lên liên tục bị cơ quan chức năng đến lập biên bản, tháo dỡ.

Khu vực vườn rau Lộc Hưng màu xanh. Ảnh: Google Map.

Lãnh đạo UBND quận Tân Bình cho biết khu đất rộng 4,8 ha này vốn thuộc Nha Viễn thông chính quyền Sài Gòn. Sau năm 1975, nhà nước giao Trung tâm Viễn thông 3 quản lý, làm đài phát tín. Đến năm 1991, khu đất được bàn giao cho Bưu điện TP HCM quản lý.

Dẫn chứng nhiều tài liệu, ông này khẳng định, năm 2008 UBND TP HCM ban hành quyết định thu hồi khu đất công trên, giao quận Tân Bình thực hiện dự án công trình công cộng và chung cư cao tầng phục vụ chương trình tái định cư. Sau đó, cơ quan chức năng điều chỉnh quy hoạch để xây trường mầm non, trường tiểu học và trường THCS; phần còn lại sẽ làm hạ tầng giao thông quanh khu vực cùng công viên cây xanh. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 117 tỷ đồng.

Tại khu vườn rau Lộc Hưng, qua các thời kỳ có tổng cộng 134 hộ đã đăng ký kê khai sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều hộ dân đã tự ý xây nhà ở, công trình không phép. Riêng năm 2018 phát sinh 42 trường hợp xây phòng trọ, nơi bán tạp hoá, rửa xe... nâng tổng số 112 căn vi phạm và đều bị lập biên bản. Quận cũng ban hành quyết định và kế hoạch cưỡng chế gửi đến các hộ dân, hoặc niêm yết tại khu vực.

"Quá trình thực hiện cưỡng chế lực lượng chức năng gặp phản ứng gay gắt của một số người. Họ bị đưa về công an phường lập biên bản và về ngay trong ngày. Với những hộ không kịp di dời đồ đạc, quận Tân Bình thuê xe chuyển giúp đến nơi họ cần", lãnh đạo quận Tân Bình nói và cho biết một số hộ không có chỗ ở tạm cũng được bố trí tìm nhà trọ, hỗ trợ chi phí 3 triệu đồng, trong ba tháng.

Quận Tân Bình khẳng định, động thái này nhằm lập lại trật tự xây dựng, tránh việc xây dựng nhà trái phép diễn ra rầm rộ ở khu vực; đồng thời hạn chế tình trạng mua bán nhà bằng giấy tay trong khi đây là đất công, đã có trong quy hoạch công khai.

Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho hay, năm 2017, quận Tân Bình đề nghị cưỡng chế công trình không phép trên đất lấn chiếm nhưng chưa thực hiện được. Đến năm 2018, tình trạng "nhảy dù" xây nhà không phép khá phức tạp nên quận xây dựng kế hoạch giải tỏa theo quy định của pháp luật. Ở lần đầu cưỡng chế, nhiều hộ dân tự giác di chuyển đồ đạc ra khỏi công trình. Hiện còn khoảng chục người ở đây gây rối, khi có hiện tượng là công an mời về làm việc.

"Có những sự việc rất bình thường, nhưng các đối tượng chống phá vẫn lợi dụng để kích động. Qua một số vụ việc năm 2018, thành phố rút ra kinh nghiệm là không đối đầu với người dân mà sẽ thông tin, tuyên truyền vận động để người dân hiểu", ông Nhân nói.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh