Top 10 sự kiên nổi bật thế giới 2019
- Tây Y
- 16:52 - 01/01/2020
1. Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Việt Nam
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Việt Nam diễn ra chính thức trong 2 ngày 27 và 28/2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội.
Đây là sự kiện nhận được rất nhiều sự chú ý của dư luận và truyền thông quốc tế, trước sự hy vọng hai bên lần đầu tiên sẽ đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, mở khả năng Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt, tạo cơ hội cho kinh tế Triều Tiên phát triển.
Tại cuộc họp, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận nhiều phương án để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa và các mô hình phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong một diễn biến bất ngờ, trái ngược với tình hình lạc quan trong cuộc đối thoại 1-1 và bữa tối chung vào 27/2 tại khách sạn Metropole giữa hai nhà lãnh đạo, Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Triều Tiên kết thúc sớm hơn dự kiến, các khâu chuẩn bị theo lịch trình như cùng ăn trưa làm việc, ký văn bản chung đều bị hủy bỏ.
Dù kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều không được như kỳ vọng, nhưng Việt Nam đã để lại dấu ấn đậm nét trong vai trò là cung cấp địa điểm cho Hội nghị thượng đỉnh lần này. Vì vậy, lời đầu tiên tại cuộc họp báo ngay sau Hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Donald Trump đã cảm ơn Việt Nam. Với công tác chuẩn bị chu đáo, trọng thị, hoàn thành trong thời gian ngắn kỷ lục cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2, Việt Nam đã để lại dấu ấn như một điểm đến hòa bình, an ninh và sẵn sàng góp sức cho những nỗ lực kiến tạo hòa bình. Việt Nam tiếp tục là biểu tượng cho những mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia, các dân tộc trên thế giới.
2. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc chính thức nổ ra từ ngày 22/3/2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ. Để đáp trả, ngày 2/4/2018, Trung Quốc đã áp đặt thuế đối với 128 sản phẩm của Mỹ... Từ đó đến nay, sự leo thang căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã vượt qua biên giới 2 nước, tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.
Cuộc chiến tăng nhiệt từ tháng 5/2019, khi Tổng thống Donald Trump nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh phá bỏ thỏa thuận đã cam kết. Sau các lần áp thuế, giá trị hàng hóa mà Mỹ và Trung Quốc áp lên nhau lần lượt là 550 tỷ USD và 185 tỷ USD. Trump còn mở ra một mặt trận mới về công nghệ khi tung ra các lệnh cấm nhằm vào tập đoàn Huawei.
Đến ngày13/12, cả hai bên tuyên bố đạt được thỏa thuận giai đoạn một nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài 18 tháng qua, khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc và các thị trường tài chính chao đảo. Theo đó, Mỹ sẽ không áp thuế 160 tỷ USD hàng Trung Quốc từ ngày 15/12 như dự định. Bắc Kinh cũng cam kết tăng mua nông sản Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán chiến tranh thương mại có thể kéo dài tới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, do hai bên còn nhiều nghi kỵ lẫn nhau.
3. Thảm họa máy bay Boeing 737 MAX
Boeing 737 MAXlà thế hệ mới nhất trong dòng 737 do nhà sản xuất máy bay Mỹ Boeing chế tạo. Năm 2011, Boeing ra mắt 737 MAX với các đơn đặt hàng gần 500 chiếc từ 5 hãng hàng không. Phiên bản này nhằm cạnh tranh với A320neo của đối thủ Airbus từ châu Âu. Dù ra đời muộn hơn 9 tháng, Boeing 737 MAX vẫn nhận được lượng đơn đặt hàng lớn và hiện lên tới hơn 5.000 chiếc.
Ngày 10/3, một chiếc Boeing 737 MAX của hãng hàng không Ethiopian Airlines gặp nạn vài phút sau khi cất cánh khiến 149 hành khách và 8 thành viên tổ bay đã thiệt mạng. Trước đó, 29/10/ 2018, chuyến bay JT610 của hãng hàng không quốc gia Indonesia Lion Air đã bị rơi sau khi cất cánh vài phút, giết chết 189 hành khách và phi hành đoàn. Tổng cộng 346 người đã thiệt mạng trong cả hai vụ tai nạn thảm khốc.
Thảm kịch khiến các cơ quan điều tra Mỹ và quốc tế vào cuộc quyết liệt, xác định Hệ thống Tăng cường Tính năng Điều khiển bay (MCAS) mới được Boeing lắp đặt trên dòng 737 MAX là nguyên nhân chính gây ra cả hai tai nạn. Vụ tai nạn khiến toàn bộ máy bay 737 MAX trên toàn thế giới bị cấm bay suốt hơn 9 tháng qua, đẩy Boeing vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử và chịu thiệt hại ít nhất 8 tỷ USD. Boeing hôm 15/12 buộc phải ngừng sản xuất dòng máy bay 737 Max.
4. Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran khiến căng thẳng vùng Vịnh lên cao
Ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo đó, Mỹ áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt Iran đối với hoạt động thương mại trong lĩnh vực ô tô, kim loại, hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và giao dịch ngân hàng.
Đây cũng là nguyên nhân chính khiến căng thẳng vùng vịnh ngày càng leo thang khiến Mỹ - Iran đứng bên bờ vực xung đột quân sự. Các vụ tấn công tàu dầu trên vùng Vịnh liên tiếp xảy ra khiến cho an ninh hàng hải bị đe dọa nghiêm trọng.
Trước tình thế này, Washington triển khai nhóm tàu sân bay Abraham Lincoln tới Vùng Vịnh vào tháng 5. Sự việc căng như dây đàn khi Tehran bắn hạ máy bay không người lái trị giá gần 200 triệu USD của hải quân Mỹ hồi giữa tháng 6. Sau đó Iran liên tiếp bắt giữu hàng loạt tàu chở dầu trên eo biển Hormuz.
Vụ việc khởi nguồn từ vụ Hải quân Hoàng gia Anh ngày 4/7 bắt tàu chở dầu Grace 1 của Iran gần Gibraltar vì nghi tàu này chở dầu tới Syria. Sau đó ngày 13/7, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắt tàu Riah treo cờ Panama trên eo biển Hormuz. Một tuần sau, Iran bắt thêm tàu dầu Stena Impero của Anh. Các tàu sau đó được Iran và vùng lãnh thổ Gibraltar của Anh trả tự do, tuy nhiên căng thẳng đến nay vẫn chưa thể chấm dứt.
5. Biểu tình phản đối dự luật dẫn độ khiến Hong Kong tê liệt
Ngày 9/6, hàng trăm nghìn người Hong Kong đã xuống đường biểu tình phản đối dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc đại lục. Dự luật khiến nhiều người Hong Kong lo ngại họ sẽ phải chịu hệ thống pháp lý hoàn toàn khác và Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng với đặc khu.
Biểu tình ôn hòa dần trở nên bạo lực. Cảnh sát sử dụng hơi cay, đạn cao su thậm chí đạn thật để trấn áp. Sau gần ba tháng Hong Kong tê liệt, Trưởng đặc khu Carrie Lam hồi tháng 9 đã nhượng bộ, rút dự luật. Tuy nhiên, người biểu tình tiếp tục xuống đường đòi đáp ứng bốn yêu cầu còn lại. Trong 6 tháng, Hong Kong chứng kiến 900 cuộc biểu tình, tuần hành và tụ tập công khai. Gần 6.000 người bị bắt, hơn 30% ở độ tuổi 21-25, khiến Hong Kong lần đầu trong 10 năm rơi vào suy thoái kinh tế chưa từng có.
6. Vụ 39 người Việt chết trong xe container khi nhập cư trái phép vào Anh
Ngày 23/10, Cảnh sát Anh hôm đã phát hiện 39 thi thể trong thùng container tại khu công nghiệp Grays, hạt Essex, đông bắc thủ đô London. Các nạn nhân sau đó được xác định đều là công dân Việt Nam nhập cư trái phép vào Anh bằng container trên phà xuất phát từ Bỉ.
Thùng container được đưa từ cảng Zeebrugge, Bỉ đến Purfleet, sau đó được tài xế xe đầu kéo Maurice Robinson tiếp nhận. Robinson bị cáo buộc tham gia mạng lưới toàn cầu chuyên đưa người nhập cư trái phép vào Anh từ tháng 12/2018, nhưng không rõ vụ 39 thi thể có liên quan tới đường dây này hay không. Nghi phạm đối mặt 39 cáo buộc ngộ sát, hai cáo buộc buôn người và một cáo buộc rửa tiền.
Đến cuối tháng 11/2019, Anh và Việt Nam đã phối hợp đưa toàn bộ thi thể, tro cốt của những người này về nước và bàn giao cho các gia đình. Anh đã bắt 4 nghi phạm, một trong số đó bị truy tố tội ngộ sát, tham gia âm mưu buôn người và hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp. Việt Nam cũng bắt 11 nghi phạm liên quan đến đường dây môi giới đưa lao động sang Anh trái phép.
Thảm kịch đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tình trạng nhập cư trái phép, trong đó các nạn nhân chi hàng chục nghìn USD cho những kẻ buôn người để vượt biên qua nhiều quốc gia châu Âu đến Anh, nơi mà họ tin là điểm đến lý tưởng để đổi đời. Tuy nhiên, phần lớn đối mặt với nguy cơ bị bóc lột sức lao động và bạo hành tình dục.
7. Tổng thống Trump bị luận tội
Ngày 18/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức trở thành tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị luận tội sau khi Hạ viện bỏ phiếu thông qua hai điều khoản luận tội với người đứng đầu chính phủ.
Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã bỏ phiếu thông qua việc xem xét bãi nhiệm (impeachment) ông với cáo buộc lạm quyền và cản trở quốc hội. Nỗ lực này bắt đầu khi một người tố giác giấu tên làm việc trong cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc Trump gây sức ép với Tổng thống Ukraine trong cuộc điện đàm hồi tháng 7 để điều tra cha con Joe Biden, đối thủ đáng gờm của ông trong cuộc bầu cử 2020. Trump gọi đây là cuộc "săn phù thủy" và từ chối hợp tác với Hạ viện.
Bước kế tiếp của tiến trình luận tội là hạ viện sẽ chuyển vụ việc lên thượng viện, và dự kiến Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts sẽ chủ tọa phiên xử vào đầu năm sau. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin về thời gian xử vì lưỡng đảng tiếp tục điều đình về các quy trình liên quan.
8. Thảm họa cháy rừng Amazon khiến quốc tế lo ngại
Khu rừng nhiệt đới Amazon, vốn được mệnh danh là 'lá phổi xanh' của Trái đất, đang trải qua một năm khủng khiếp khi hứng chịu số vụ cháy rừng nhiều nhất trong hơn 1 thập kỷ qua. Số vụ cháy rừng kỷ lục ở rừng Amazon trong 8 tháng đầu năm 2019 đã khiến dư luận cả thế giới lo ngại. Tổng thống Brazil đã phải huy động quân đội tham gia hỗ trợ chiến dịch dập lửa.
Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE) cho biết dữ liệu vệ tinh thu được trên khu vực Amazon cho thấy tính đến thời điểm hiện tại, số vụ cháy rừng đã tăng 84% so với cùng kỳ năm 2018, với 75.000 vụ. Con số này cao hơn cả năm 2016 - năm Amazon chịu cháy rừng "kỷ lục" với khoảng 68.000 vụ. Đây cũng là năm có số vụ cháy rừng 8 tháng đầu năm nhiều nhất trong 10 năm qua khi INPE tiến hành các cuộc thống kê diện rộng bằng vệ tinh.
Do đó các nhà khoa học cho rằng việc bảo tồn rừng Amazon là điều kiện sống còn để đối phó với tình trạng quả đất đang nóng lên. Trước sự việc này, các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh G7 đã nhất trí hỗ trợ "càng nhanh càng tốt" các nước bị ảnh hưởng do những trận cháy lan rộng tại rừng Amazon.
Cũng liên quan đến biến đổi khí hậu, ngày 15/12, Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 25 (COP25) đã bế mạc tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã không đạt được kết quả như kỳ vọng. Các mục tiêu đầy tham vọng ban đầu về cắt giảm lượng khí thải CO2 toàn cầu, vốn được cho là nguyên nhân chính gây biến đổi khó hậu và làm Trái Đất nóng lên vẫn chưa được các bên tham gia đàm phán nhất trí.
9. Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông
Ngày 4/7, Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống, trực thăng xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Các tàu khảo sát của Trung Quốc sau đó đã nhiều lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và cản trở các hoạt động dầu khí hợp pháp của một số quốc gia ven Biển Đông khác. Đây là khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế.
Trước sự việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS và luật pháp quốc tế.
Cùng với đó, cộng đồng quốc tế đã phê phán các hành động đơn phương của Trung Quốc. Ngày 28/8, Liên minh châu Âu (EU) ra thông cáo nêu quan điểm chỉ trích những hành động đơn phương thời gian qua tại biển Đông "làm căng thẳng leo thang và làm suy hại tới môi trường an ninh hàng hải, là mối đe dọa nghiêm trọng tới phát triển kinh tế hòa bình tại khu vực". Trong tuyên bố chung của mình, Đức, Pháp và Anh bày tỏ quan ngại về tình hình biển Đông và khả năng diễn biến làm mất an ninh và ổn định trong khu vực.
Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng Mỹ cũng lên án các hành động "cưỡng ép" của Trung Quốc trên biển Đông - bao gồm hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam và cản trở hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp, lâu đời của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế.
10. Trùm khủng bố IS bị tiêu diệt và Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến tại Syria
Ngày 27/10, Thủ lĩnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi đã bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trong một cuộc tập kích ở tây bắc Syria. al-Baghdadi đã tự sát cùng 3 người con bằng cách cho nổ đai bom quấn quanh người y sau khi chạy vào một đường hầm không lối thoát khi bị lực lượng Mỹ truy đuổi.
Việc al-Baghdadi bị tiêu diệt có thể coi là thành công lớn nhất của quân đội Mỹ kể từ chiến dịch tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden hồi năm 2011. Cái chết của al-Baghdadi là đòn mạnh giáng vào lực lượng tàn quân của IS tại Syria và Iraq.
Trùm khủng bố IS bị tiêu diệt giữa lúc tình hình Syria đang thu hút sự chú ý của dư luận thế giới với quyết định rút quân bất ngờ chóng vánh của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và chiến dịch Mùa xuân Hòa bình do Thổ Nhĩ Kỳ phát động từ ngày 9/10 ở phía bắc Syria nhằm đẩy dân quân người Kurd khỏi khu vực và lập ra một vành đai rộng 30km. Chiến dịch quân sự kết thúc sau hai tuần bằng cái bắt tay ký kết giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, dân quân người Kurd được Mỹ hậu thuẫn phải rút khỏi vành đai rộng 30 km dọc biên giới phía bắc Syria. Biên phòng Syria quay lại tiếp quản nhiều khu vực biên giới, trong khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các đợt tuần tra chung ở khu vực.
Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ làm thay đổi cán cân trong bàn cờ chính trị ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ và Syria dường như đều đạt được mục đích chính trị. Mỹ đánh mất vị thế xây dựng suốt nhiều năm qua. Còn Nga thể hiện vai trò trung gian tại Syria cũng như gia tăng đáng kể ảnh hưởng của mình tại quốc gia này. Sau khi Mỹ rút đi, Nga dường như là bên duy nhất có thể đàm phán với tất cả các bên liên quan ở Syria.