Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được khuyên hãy ‘dày mặt’ lên
- Tây Y
- 23:24 - 25/04/2016
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan được Chủ tịch EC Donald Tusk khuyên nên "dày mặt" với những chỉ tríchReuters
Ông Donald Tusk phát biểu như trên sau vụ nhà báo người Hà Lan Ebru Umar cho biết mình bị bắt giam và sau đó cấm không được rời Thổ Nhĩ Kỳ vì một dòng trạng thái của bà trên Twitter ngày 24.4: “Vâng! Cảnh sát ngay trước cửa. Không đùa đâu”.
Trong nhiều ngày gần đây, các vụ lùm xùm xung quanh tự do ngôn luận ở Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục là đề tài cho báo chí phương Tây khai thác, trong đó có vụ danh hài người Đức Jan Boehmermann bị yêu cầu truy tố vì xúc phạm ông Erdogan.
Việc chỉ trích hoặc lăng mạ tổng thống được xem hành vi phạm tội ở Thổ Nhĩ Kỳ, với mức phạt lên tới 4 năm tù giam. Từ lúc ông Erdogan lên làm tổng thống năm 2014, các công tố viên đã đưa ra toà 1.800 vụ án về việc lăng mạ ông, The Guardian dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ nói hồi tháng 3.
Mặc dù vậy ông Donald Tusk cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã quá nhạy cảm với lời chỉ trích nhằm vào mình, trong khi đó là điều thường ngày đối với một lãnh đạo. Thêm vào đó, bản thân ông Tusk lẫn ông Erdogan cũng từng là nạn nhân phải bị giam cầm vì chỉ trích chính quyền, thì không nên lặp lại điều ấy. Chính ông Erdogan vào năm 1999 cũng bị cầm tù vì chỉ trích nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà báo Ebru Umar là một trong số nhiều trường hợp gặp rắc rối vì chỉ trích Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ AFP
“30 năm trước, tôi bị ngồi tù vì chỉ trích chính quyền. Người bạn tốt của tôi - Tổng thống Erdogan 15 năm sau đó cũng rơi vào trường hợp tương tự vì nói ra quan điểm của mình”, Reuters ngày 25/4 dẫn lời ông Donald Tusk.
Ông Tusk vừa có chuyến thăm trại tị nạn ở Gaziantep, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel. Hiện tại Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ đang thương lượng về việc Thổ Nhĩ Kỳ đón nhận toàn bộ người tị nạn từng vào các đảo Hy Lạp, đổi lại là sự nhượng bộ của EU dành cho Ankara trong các vấn đề khác.
“Là một chính trị gia, tôi hiểu và chấp nhận rằng phải "mặt dày" hơn và không kỳ vọng việc báo chí sẽ đối xử đặc biệt với mình, thậm chí còn ngược lại. Và ranh giới giữa chỉ trích, xúc phạm và phỉ báng rất mỏng manh và gắn chặt nhau...”, ông Tusk nói thêm.