Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới hơn 513 triệu ca
- Tây Y
- 07:51 - 01/05/2022
Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 1/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 513.217.299 ca, trong đó có tổng cộng 6.260.232 người tử vong.
Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và đang đẩy nhanh quá trình trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh lưu hành.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 467 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 39 triệu ca và trên 41.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 30/4, thế giới có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 41 nước có người tử vong vì căn bệnh này, giảm mạnh so với cách đây vài tuần. So với mấy ngày gần đây, số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch đang có xu thế đi ngang.
Số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Trong 24 giờ qua, Đức là nước có số ca mắc mới cao nhất (với trên 57.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với 150 ca.
Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 30/4, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 204 ca tử vong. Trong ngày 30/4, Thái Lan có số ca mắc mới (trên 12.000 ca) cao nhất khu vực, trong khi nước này cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (126 ca).
VTV cũng đưa tin, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất với 190.954.553 ca mắc và 1.817.503 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với 147.907.637 ca mắc và 1.423.849 ca tử vong. Với số ca tử vong tương đương châu Á, khu vực Bắc Mỹ ghi nhận ít ca mắc hơn, hiện là 98.291.016 ca. Con số này ở Nam Mỹ là 56.783.888 ca mắc và 1.294.287 ca tử vong. Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là các quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong nhất thế giới. Số ca mắc ở Mỹ (83.037.059 ca) cao gấp đôi ở Ấn Độ (43.075.864 ca). Số ca tử vong ở Ấn Độ (523.803) bằng một nửa ở Mỹ (1.020.660ca). Brazil nhiều ca tử vong hơn Ấn Độ (663.484 ca) trong khi ít ca mắc hơn (30.433.042 ca).
Ngày 30/4, Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc đại lục ngày 29/4 đã ghi nhận 1.410 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong số này tập trung chủ yếu tại Thượng Hải với 1.249 ca, số còn lại được ghi nhận tại Bắc Kinh, Quảng Đông và Tứ Xuyên. Thành phố Thượng Hải cũng ghi nhận 8.932 ca trong tổng số 9.293 ca mắc không triệu chứng trên cả nước. Thành phố đông dân nhất Trung Quốc này cũng ghi nhận thêm 47 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh không qua khỏi tại nước này lên 5.022 ca.
Tình hình dịch tại Thượng Hải có chiều hướng tích cực khi thành phố này ngày 29/4 không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 nào bên ngoài khu vực cách ly, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến chống COVID-19 vốn làm tê liệt thành phố gồm 25 triệu dân này trong nhiều tuần qua. Trong thông báo đăng tải trên nền tảng Weibo, giới chức Thượng Hải cho biết thành phố đã không ghi nhận ca lây nhiễm nào ở cấp độ cộng đồng, đồng thời nhận định này thành phố này sẽ sớm trở lại nhanh nhất có thể. Trước đó, trong ngày 28/4, Thượng Hải đã ghi nhận 108 ca mắc ở ngoài khu vực cách ly.
Trong khi đó, nhằm tạo sự thống nhất và tham gia của toàn xã hội trong bối cảnh số ca nhiễm mới và số người tử vong do COVID-19 tại Lào liên tục giảm, ngày 29/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia Lào về phòng, chống COVID-19 đã ra thông báo tham khảo ý kiến của người dân về khả năng mở cửa trở lại các cửa khẩu đối với hoạt động xuất nhập cảnh phổ thông trước khi trình chính phủ phê duyệt.
Tại Australia, giới chức y tế bang Victoria đã phát hiện dấu vết của dòng phụ BA.2.12.1 của biến thể Omicron trong nước thải tại Melbourne. Theo đó, Cơ quan y tế Victoria xác nhận dấu vết của biến thể phụ này được phát hiện vào ngày 29/4 và sẽ ưu tiên giải trình tự các mẫu xét nghiệm PCR của các bệnh nhân COVID-19 tại khu vực ghi nhận dấu vết của dòng phụ BA.2.12.1 nhằm đánh giá mức độ lây lan của biến thể này. Theo Cơ quan y tế Victoria, các bằng chứng ban đầu cho thấy biến thể phụ BA.2.12.1 có khả năng lây nhiễm hơn so với dòng phụ BA.2, song không gây triệu chứng nặng.
Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski thông báo, từ giữa tháng 5 tới nước này sẽ hạ mức phân loại dịch bệnh COVID-19, theo đó ghi nhận đây là dịch bệnh nguy hiểm thay vì đại dịch. Theo Bộ trưởng Niedzielski, quyết định trên được đưa ra sau khi thảo luận ở nhiều cấp trong chính phủ và qua "phân tích pháp lý". Ba Lan đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế được áp đặt hồi tháng 3/2020 để phòng, chống dịch COVID-19. Hiện nước này chỉ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế. Ba Lan đã ghi nhận tổng cộng hơn 6 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 116.042 ca tử vong. Gần 22,5 triệu người trong tổng số 38,5 triệu dân nước này đã được tiêm đủ liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19. Tại Cuba, nước này ngày 29/4 đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 thấp nhất kể từ đầu năm 2022. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới tại quốc đảo Caribe này ở mức thấp nhất kể từ đầu năm nay. Cụ thể, theo Bộ Y tế công cộng Cuba, nước này ghi nhận thêm 191 ca mắc mới COVID-19, cùng 1 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong lần lượt lên 1.102.750 và 8.526. Tính đến nay, 9,9 triệu người trong tổng số 11,2 triệu người dân Cuba đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản ngừa COVID-19, với 3 mũi vaccine do nước này tự sản xuất và hơn 6,5 triệu người đã tiêm mũi tăng cường.