THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:27

Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới gần 516 triệu ca

Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 6/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 515.742.933 ca, trong đó có tổng cộng 6.271.607 người tử vong.

Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và đang đẩy nhanh quá trình trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh lưu hành.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 470 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 38 triệu ca và trên 40.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 5/5, thế giới có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 48 nước có người tử vong vì căn bệnh này, giảm mạnh so với cách đây vài tuần. So với mấy ngày gần đây, số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch đang có xu thế đi ngang.

Trong 24 giờ qua, Đức là nước có số ca mắc mới cao nhất (với trên 87.000 ca), trong khi Vương quốc Anh là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 430 ca.

Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 5/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 71 ca tử vong. Trong ngày 5/5, Thái Lan có số ca mắc mới (trên 9.000 ca) cao nhất khu vực, trong khi nước này cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (54 ca).

  

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 4/5/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 4/5/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN

VTV cũng đưa tin, một nghiên cứu mô hình được thực hiện ở Israel cho thấy, các dòng phụ của biến thể Omicron có thể tự tiêu diệt trong vài tháng tới, nhưng biến thể Delta hoặc một biến thể khác của virus SARS-CoV-2 có thể làm bùng phát một đợt dịch COVID-19 nữa trong mùa hè này.

COVID-19 có thể bùng phát trở lại do biến thể Delta. (Ảnh: AP)

COVID-19 có thể bùng phát trở lại do biến thể Delta. (Ảnh: AP)

 

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi ngày 5/5 đã kêu gọi tất cả những bên mua vaccine ngừa COVID-19 ở châu lục này đặt hàng với hãng dược phẩm Aspen Pharmacare của Nam Phi, đồng thời cho biết, thị trường này đóng vai trò mấu chốt trong việc phát triển hoạt động bào chế vaccine trên ở "Lục địa Đen".

Theo CDC châu Phi, trung tâm này đang nỗ lực hết sức để tránh tình trạng Aspen phải đóng cửa nhà máy sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của hãng này do thiếu đơn đặt hàng.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã chỉ thị các Bộ Y tế, Giao thông Vận tải, Du lịch và Thể thao phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi COVID-19 từ đại dịch sang bệnh đặc hữu.

Quốc gia Đông Nam Á này vào ngày 5/5 xác nhận thêm 9.790 ca mắc mới (không kể 8.728 ca có kết quả dương tính khi xét nghiệm bằng phương pháp kháng nguyên) cùng 54 người tử vong trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 ở Thái Lan được xác nhận ở dưới ngưỡng 10.000 người, trong khi số trường hợp tử vong ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3. Đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng trên 4,3 triệu ca nhiễm, trong đó có 28.914 bệnh nhân thiệt mạng.

Theo ông Anutin, Bộ Y tế Thái Lan sẽ tiếp tục theo dõi tình hình COVID-19. Nếu tình hình có thể được kiểm soát, sẽ có thêm nhiều hạn chế được nới lỏng để chuẩn bị tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu. Một trong số những đề xuất là chấm dứt việc xin Thẻ thông hành "Thailand Pass" cho người muốn nhập cảnh Thái Lan, ban đầu là đối với người Thái Lan về nước và sau đó là đối với người nước ngoài.

Thủ đô Trung Quốc siết chặt phòng chống dịch sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày. (Ảnh: AP)

Thủ đô Trung Quốc siết chặt phòng chống dịch sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày. (Ảnh: AP)

 

Trước thực trạng số ca nhiễm mới COVID-19 tại Malaysia đang giảm dần xuống dưới 1.000 ca/ngày và Chính phủ nước này đã dỡ bỏ hầu hết những quy định kiểm dịch trước đây, các chuyên gia y tế nước này cảnh báo không nên dỡ bỏ thêm bất kỳ hạn chế nào nữa.

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù dữ liệu cho thấy, tình hình COVID-19 đang ổn định và nằm trong tầm kiểm soát, nhưng các nhà chức trách nên đợi ít nhất 2 tuần sau dịp nghỉ lễ Hari Raya Aidilfitri, lễ tết lớn nhất của người Hồi giáo, bắt đầu từ ngày 1/5 trước khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo.

Cơ quan y tế Bắc Kinh (Trung Quốc) đã bắt đầu tiến hành thêm 3 đợt xét nghiệm axit nucleic trong 3 ngày liên tiếp từ ngày 3 - 5/5. Từ ngày 5/5, những người đến các địa điểm công cộng hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 7 ngày trước đó. Những người trở lại làm việc hoặc đến trường học sẽ phải trình kết quả xét nghiệm âm tính từ trước đó 48 giờ. Ngày 5/5, thành phố Bắc Kinh ghi nhận thêm 50 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng.

Trước đó, một trường hợp dương tính đã lây nhiễm cho gần 40 người khác sau khi sử dụng 3 nhà vệ sinh công cộng khác nhau vào hôm 3/5. Các biện pháp hạn chế này được đưa ra sau khi Bắc Kinh ghi nhận hơn 500 ca mắc COVID-19 từ ngày 22/4 - 4/5.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, ngày 5/5, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này vẫn giảm dưới 50.000 ca trong ngày thứ hai liên tiếp trong bối cảnh Hàn Quốc đã dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài nhằm đưa đất nước trở lại bình thường như trước khi đại dịch bùng phát.

Theo KDCA, Hàn Quốc ghi nhận thêm 42.277 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số người bệnh ở nước này lên hơn 17,43 triệu trường hợp. Số ca mắc mới ngày 5/5 đã giảm nhẹ so với 49.064 ca vào ngày 4/5 và giảm mạnh so với 57.464 bệnh nhân một tuần trước đó.

Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 79 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng vì căn bệnh này đến nay lên 23.158 ca. Tính tới ngày 5/5, đã có 44,55 triệu người (86,8% dân số) ở Hàn Quốc đã được tiêm các mũi vaccine cơ bản, trong đó 33,16 triệu người đã tiêm mũi tăng cường.

BP (tổng hợp)

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh