CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:01

Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới gần 508 triệu ca

Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 22/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 507.577.649 ca, trong đó có tổng cộng 6.235.065 người tử vong.

Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và đang đẩy nhanh quá trình trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh đặc hữu.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 459 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 41 triệu ca và trên 42.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 21/4, thế giới có 86 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 54 nước có người tử vong vì căn bệnh này. Trong 24h qua, so với mấy ngày gần đây, số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch đang tăng trở lại.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 6/4/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 6/4/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN

VTV cũng đưa tin, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 82,52 triệu ca mắc và hơn 1,017 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 24.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Số liệu của CDC Mỹ cho thấy, số người nhập viện do COVID-19 tại nước này gần đây giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, nhưng số người vừa nhập viện vì bệnh này trong tuần qua vẫn cao hơn gấp 3 lần số người nhập viện vì bệnh cúm trong tuần gần đây.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 21/4, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,04 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 522.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Mặc dù số ca nhiễm mới tăng cao nhưng số ca nhập viện vẫn thấp và các bệnh viện vẫn đủ năng lực điều trị. Số ca nhiễm mới ở thủ đô New Delhi chiếm hơn 42% trong tổng số 2.380 ca trên toàn quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng không cần phải hoảng loạn. Số lượng các ca nhiễm mới hàng ngày ở Ấn Độ dao động quanh mức hơn 2.000 ca trong một tháng gần đây, sau khi hầu hết các biện pháp phòng ngừa, bao gồm cả các hình phạt đối với việc không đeo khẩu trang, đã được dỡ bỏ vài tuần trước.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 662.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,31 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Omicron hiện vẫn là biến thể lây nhiễm chủ đạo tại phần lớn các khu vực trên thế giới. (Ảnh: AP)

Omicron hiện vẫn là biến thể lây nhiễm chủ đạo tại phần lớn các khu vực trên thế giới. (Ảnh: AP)

 

Một nữ nhân viên y tế ở Tây Ban Nha đã mắc COVID-19 hai lần trong vòng 20 ngày. Đây được cho là khoảng thời gian ngắn nhất giữa hai lần mắc được ghi nhận kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Nghiên cứu cho thấy, nữ nhân viên y tế 31 tuổi nhiễm biến thể Delta trước, tiếp đó nhiễm biến thể Omicron.

Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Tây Ban Nha, nguy cơ tái nhiễm với biến thể Omicron cao gấp 10 lần so với biến thể Delta. Omicron hiện vẫn là biến thể lây nhiễm chủ đạo tại phần lớn các khu vực trên thế giới.

Chính phủ Israel đã bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang phòng COVID-19 trong không gian kín. Đây là lần thứ hai Chính phủ Israel đưa ra quyết định này. Hồi tháng 6/2021, Israel từng tạm bỏ quy định đeo khẩu trang trong 2 tuần, nhưng sau đó phải áp đặt lại vì số ca COVID-19 tăng lên.

Kể từ tháng 4/2021, Israel đã bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời. Hiện số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày ở Israel được báo cáo là khoảng 4.500 trường hợp.

Số ca mắc mới COVID-19 ở Thái Lan đang gia tăng như dự báo sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền Songkran. Quốc gia Đông Nam Á này vào ngày 21/4 xác nhận thêm 21.931 ca mắc mới COVID-19 cùng 129 trường hợp tử vong, ngang với mức tử vong kỷ lục trong đợt dịch do biến thể Omicron gây ra được ghi nhận hôm 18/4. Nếu tính cả 20.926 trường hợp cho kết quả dương tính bằng xét nghiệm kháng nguyên, số ca mắc mới trong 24 giờ qua ở Thái Lan sẽ là 42.857. Kể từ khi xác nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên vào đầu năm 2020, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng trên 4,1 triệu ca nhiễm, trong đó có 27.392 người không qua khỏi.

Thành phố Thượng Hải tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế COVID-19. (Ảnh: AP)

Thành phố Thượng Hải tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế COVID-19. (Ảnh: AP)

 

Các hạn chế nghiêm ngặt ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) sẽ vẫn được duy trì cho đến thời điểm hiện tại, ngay cả ở các quận không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Nguyên nhân là do số ca COVID-19 mới ngoài các khu vực cách ly trên toàn thành phố Thượng Hải đã tăng trở lại.

Các quan chức Thượng Hải cho biết hiện 12,3 triệu dân trên tổng số 25 triệu dân của thành phố đang ở trong các khu vực "kiểm soát" hoặc "phòng ngừa", mức hạn chế thấp nhất trong hệ thống ba cấp. ngày 21/4, thành phố Thượng Hải ghi nhận hơn 20.000 người khỏi bệnh.

Ngày 21/4, Hong Kong (Trung Quốc) đã mở cửa trở lại các phòng tập thể dục, thẩm mỹ viện, công viên giải trí và rạp chiếu phim lần đầu tiên sau hơn 4 tháng. Hiện giới chức Hong Kong đã nới lỏng một số hạn chế phòng chống COVID-19 được cho là nghiêm ngặt nhất trên thế giới, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp tại đây.

Bên cạnh việc mở cửa trở lại các cơ sở kinh doanh, giải trí, giờ mở cửa của các nhà hàng phục vụ ăn uống đã được kéo dài từ 18h sang 22h. Những cuộc tụ tập nhóm đã được mở rộng lên bốn người từ hai người trước đây. Nhiều trường cũng đã nối lại những lớp học trực tiếp sau nhiều tháng thực hiện dạy học trực tuyến.

Việc nới lỏng diễn ra khi số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày tại trung tâm tài chính toàn cầu này giảm xuống dưới 1.000 trong 6 ngày qua, từ mức cao nhất hơn 70.000 trường hợp vào ngày 3/3.

BP (tổng hợp)

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh