Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới gần 425 triệu ca
- Tây Y
- 10:46 - 21/02/2022
Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 21/2 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 424.751.223 ca, trong đó có 5.905.278 người tử vong.
Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều. Dù vậy, sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh bắt đầu giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh “nóng nhất” nằm ở châu Âu-châu Mỹ khi dịch tái bùng phát, số ca mắc mới vẫn cao ở nhiều nước thuộc châu lục này. Song ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Trong 1 ngày qua, Nga là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 80.000 ca), trong khi Brazil là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 800 ca.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 348 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 69 triệu ca và trên 82.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 21/2, thế giới có 93 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 70 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Tại Đông Nam Á, theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 20/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 121.204 ca mắc mới COVID-19 và 356 ca tử vong.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.
VTV cũng đưa tin, trung bình trong tuần này, mỗi ngày Đức ghi nhận hơn 170.000 ca mắc mới COVID-19. Tuy nhiên, số ca trở nặng, nhập viện và tử vong ở mức thấp, khiến giới chức nước này thúc đẩy nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Thủ tướng Đức cho biết sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 theo lộ trình 3 giai đoạn từ nay đến giữa tháng 3 tới.
Lộ trình 3 giai đoạn được Chính phủ Đức đưa ra trong bối cảnh hầu hết các địa phương ở nước này đã đi qua đỉnh của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron.
Australia mở cửa trở lại với du khách quốc tế từ ngày 21/2, gần 2 năm sau khi đóng cửa biên giới do bùng phát dịch COVID-19. Quyết định mới được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ tiêm phòng cao và số ca nhiễm mới đang giảm tại Australia. Từ ngày 21/2, khách du lịch và doanh nhân sẽ được phép nhập cảnh. Khách nhập cảnh đã tiêm các mũi vaccine cơ bản sẽ không phải cách ly, nhưng những người chưa tiêm sẽ vẫn phải cách ly.
Việc Australia mở cửa cho du khách là ví dụ rõ nhất cho thấy sự chuyển hướng của Chính phủ nước này từ cách tiếp cận quét sạch COVID-19 trong cộng đồng (Zero COVID) sang sống chung an toàn với virus. Và tiêm phòng đã giúp giảm thiểu số ca tử vong và mắc bệnh nặng. Australia đã từng bước mở cửa từ tháng 11/2021, đầu tiên là cho phép người Australia xuất nhập cảnh, sau đó cho phép sinh viên quốc tế và một số người lao động nước ngoài.
Ngày 20/2, Bộ Y tế Campuchia thông báo những ca tử vong đầu tiên do biến thể Omicron vào đúng thời điểm đánh dấu tròn một năm ngày xảy ra "Sự cố lây nhiễm cộng đồng 20/2" hồi năm 2021 tại nước này, gây làn sóng lây nhiễm cao đỉnh điểm. Phát biểu với báo giới, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia, Tiến sĩ Or Vadine cảnh báo rằng, số ca lây nhiễm mới hàng ngày đang có chiều hướng tiến đến mức 4 con số nếu như người dân còn tỏ ra chủ quan với các biện pháp đề phòng y tế. Bà Or Vadine cho biết, số ca lây nhiễm mới tại Campuchia tiếp tục tăng và phần lớn đều là biến thể Omicron.
Ngày 20/2, Bộ Y tế Campuchia đã thông báo về 2 ca tử vong do COVID-19, trong đó có một trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Cả hai ca này đều đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ. Cùng ngày, Campuchia ghi nhận số ca lây nhiễm Omicron cao chưa từng thấy ở mức 736 ca, trong số này có 730 người do lây nhiễm cộng đồng và 6 trường hợp nhập cảnh. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia cho đến nay được ghi nhận là 126.489 ca, trong đó tổng số ca nhiễm biến thể Omicron là 6.036 người.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cho biết, số ca COVID-19 mới phát hiện trong 24 giờ qua ở nước này đã vượt 100.000 ca trong ngày thứ 3 liên tiếp do sự lây lan của biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao. Hàn Quốc ghi nhận thêm 104.828 ca COVID-19 mới, trong đó hầu hết là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca mắc mới này tăng 26% so với một ngày trước và vẫn hơn mức 100.000 trường hợp cho dù có ít xét nghiệm hơn vào cuối tuần.
Tổng số ca tử vong bởi đại dịch này ở Hàn Quốc vào ngày 20/2 là 7.405 người, tăng thêm 51 người so với một ngày trước đó. Chính phủ Hàn Quốc dự báo, đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm này sẽ rơi vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3, với số ca mới có thể lên tới 180.000 ca vào ngày 2/3.
Thái Lan ghi nhận 18.953 ca mắc mới, là ngày thứ 5 liên tiếp số người mắc mới tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 22/8/2021. Tổng số ca mắc COVID-19 hiện là hơn 2,71 triệu trường hợp, trong đó có 22.624 người tử vong. Thủ đô Bangkok vẫn là nơi ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất với 2.690 ca trong 24 giờ qua. Tính đến ngày 19/2, nước này tiêm được hơn 121,58 triệu liều vaccine, với khoảng 71,1% của tổng dân số gần 70 triệu người đã được tiêm phòng đầy đủ trong khi 27,4% đã được tiêm mũi tăng cường.
Trước tình hình trên, Bộ Nội vụ Thái Lan đã yêu cầu tất cả các tỉnh tăng cường những biện pháp ngăn chặn dịch lây lan. Theo đó, tất cả các tỉnh trưởng nâng cao cảnh giác trước dịch bệnh, các quan chức các cấp - từ làng, xã đến tỉnh - phải hợp lực theo dõi chặt chẽ tình hình trong tỉnh, đặc biệt là những vùng biên giới với các nước láng giềng. Các quan chức cần có những phương án dự phòng trong trường hợp dịch bùng phát trong tỉnh. Người đứng đầu Trung tâm Virus học Lâm sàng thuộc Đại học Chulalongkorn, tiến sĩ Yong Poovorawan, dự đoán các ca mắc mới ở Thái Lan có thể đạt đỉnh từ 30.000 đến 50.000 ca mỗi ngày.
Hong Kong (Trung Quốc) đang phải trải qua đợt dịch tồi tệ nhất khi số ca nhiễm mới COVID-19 tăng chóng mặt trong tuần qua. Với tỷ lệ tiêm vaccine ở vẫn ở mức thấp, đặc biệt ở người cao tuổi và trẻ em, nhiều bậc phụ huynh đã vội vã đưa con đi tiêm phòng trước nguy cơ dịch bệnh diễn biến nguy hiểm.
Biến thể Omicon khiến các bệnh viện ở Hong Kong (Trung Quốc) bị quá tải. Hong Kong đang trải qua đợt dịch bệnh tồi tệ nhất với số ca nhiễm hàng ngày tăng 60% trong tuần qua.
Hong Kong đã chấp thuận cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc từ ngày 15/2, trong khi trẻ từ 5 tuổi trở lên có thể tiêm vaccine của BioNTech. Toàn bộ người dân Hong Kong sẽ phải xét nghiệm vào đầu tuần tháng 3 theo chiến lược "Zero COVID".