THỨ NĂM, NGÀY 14 THÁNG 11 NĂM 2024 10:49

Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã hơn 391 triệu ca

Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 5/2 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 391.079.283 ca, trong đó có 5.741.513 người tử vong.

Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch leo thang nghiêm trọng với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron và các biến thể phụ của Omicron.

Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều, số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại ở nhiều nơi trên thế giới. Dù vậy, sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động và thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục gây lo ngại về số lượng, những vùng bệnh “nóng nhất” nằm ở châu Âu-châu Mỹ khi dịch tái bùng phát, số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục này.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Ấn Độ, Nga và Brazil và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Pháp là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 240.000 ca), trong khi Mỹ cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 1.900 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 301.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 74 triệu ca và trên 95.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 4/2, thế giới có 95 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 74 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Một địa điểm xét nghiệm COVID-19 tại Kwai Chung, Hong Kong, Trung Quốc, ngày 23/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Một địa điểm xét nghiệm COVID-19 tại Kwai Chung, Hong Kong, Trung Quốc, ngày 23/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

VTV cũng đưa tin, theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau hai năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, châu Âu có thể sẽ sớm bước vào một "giai đoạn yên ổn kéo dài" nhờ tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh cao, biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn và mùa đông lạnh giá sắp kết thúc. Theo giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge, diễn biến dịch COVID-19 hiện nay ở châu Âu đang mở ra hy vọng về một giai đoạn lắng dịu trong một thời gian dài. Ông Kluge cũng cho rằng, châu Âu sẽ ứng phó tốt hơn với nguy cơ bùng phát các làn sóng lây nhiễm mới, kể cả với những biến thể có khả năng lây truyền nhanh hơn biến thể Omicron, mà không cần tái áp đặt các biện pháp phong tỏa.

Tuy nhiên, quan chức WHO cảnh báo, viễn cảnh tươi sáng nêu trên chỉ có thể trở thành hiện thực nếu các quốc gia tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng và tăng cường theo dõi, phát hiện các biến thể mới.

Châu Âu có thể sẽ sớm bước vào một giai đoạn yên ổn kéo dài. (Ảnh: AP)

Châu Âu có thể sẽ sớm bước vào một "giai đoạn yên ổn kéo dài". (Ảnh: AP)

 

Anh đã phê duyệt vaccine dựa trên protein của Novavax cho người trên 18 tuổi, đây là loại vaccine COVID-19 mới đầu tiên được cơ quan quản lý y tế Anh cho phép sử dụng ở nước này. Vaccine COVID-19 do công ty Novavax của Mỹ sản xuất dựa trên protein, không phải vật chất di truyền từ virus.

Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy, vaccine cung cấp khả năng bảo vệ chống lại các ca nhiễm COVID-19 có triệu chứng do chủng virus gốc được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán và biến thể Alpha gây ra lên tới 89%. Hiện Novavax đang nghiên cứu phiên bản hiệu chỉnh của vaccine chống lại biến thể Omicron.

Tây Ban Nha thông báo sẽ hủy bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở ngoài trời từ ngày 8/2, chính thức chấm dứt biện pháp được tái áp đặt từ cuối tháng 12/2021 khi xuất hiện biến thể Omicron khiến số ca nhiễm tăng cao. Phát biểu trên đài phát thanh Cadena Ser, Bộ trưởng Y tế Carolina Darias cho biết, quyết định trên sẽ được nội các phê chuẩn trong cuộc họp ngày 8/2 tới. Bà giải thích quyết định trên được đưa ra trên cơ sở thời gian gần đây tình hình dịch bệnh đã được cải thiện rõ rệt.

Tây Ban Nha hiện ghi nhận khoảng 10,2 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 94.000 trường hợp tử vong vì COVID-19.

Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan, hơn 35.000 khách du lịch đã đăng ký thẻ "Thailand Pass" trong ngày đầu tiên mở cửa trở lại vào ngày 1/2, trong đó có hơn 31.000 khách cho chương trình "Test & Go". Hiện Chính phủ Thái Lan cũng đang cân nhắc bỏ yêu cầu xét nghiệm RT-PCR với du khách.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 4/2 kêu gọi người dân nên bình tĩnh đối mặt với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và tuân thủ các quy định phòng dịch cũng như đi tiêm chủng.

Theo Tổng thống Jokowi, biến thể Omicron có tốc độ truyền cao, nhưng có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với biến thể Delta. Thực tế là ở nhiều nước, tỷ lệ nhập viện vì Omicron tương đối thấp và ở Indonesia cũng vậy. Tổng thống Jokowi cho rằng những người bị nhiễm biến thể Omicron có thể được chữa khỏi tại nhà mà không cần đến bệnh viện. Theo ông, bệnh nhân chỉ cần tự cách ly tại nhà, uống thuốc và vitamin tổng hợp và xét nghiệm lại sau 5 ngày.

Người dân đeo khẩu trang chờ xe bus trong giờ cao điểm buổi sáng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Người dân đeo khẩu trang chờ xe bus trong giờ cao điểm buổi sáng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AP)

 

Văn phòng Thủ tướng Lào thông báo, nước này đã giảm thời gian cách ly bắt buộc đối với một số đối tượng nhập cảnh nhất định từ 14 ngày xuống còn 7 ngày. Theo thông báo, nhân viên nhà nước ở tất cả các cấp sau khi đi công tác nước ngoài, công dân Lào trở về từ nước ngoài phải làm xét nghiệm RT-PCR và chờ kết quả trong vòng 48 giờ tại địa điểm cách ly đã được phê duyệt. Những người nhận được kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 sau đó có thể tự cách ly 7 ngày tại nơi ở của họ.

Bộ Y tế Lào ngày 4/2 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này tiếp tục ghi nhận số ca dương tính mới ở mức thấp với 359 ca và 4 người tử vong. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 135.660 ca COVID-19, trong đó có 562 người thiệt mạng.

Một nhóm nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ đã phát triển một loại kháng thể mới có thể vô hiệu hóa biến thể Omicron và các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Tin từ báo South China Morning Post.

Giáo sư Huang Jinghe đến từ Đại học Phúc Đán ở thành phố Thượng Hải cho biết đã tìm ra kháng thể này một cách bất ngờ trong quá trình điều tra một căn bệnh khác. Kháng thể mới được tổng hợp từ các thành phần của 2 loại kháng thể khác nhau do các tế bào miễn dịch của con người tạo ra. Phiên bản biến thể nhân tạo này có thể phá vỡ tuyến phòng thủ của biến thể Omicron. Nó cũng có tác dụng với các biến thể đã biết trước đó của virus SARS-CoV-2 như Delta.

Quan chức đứng đầu chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga ngày 4/2 cho biết sẽ sớm tiến hành xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho toàn bộ 7,5 triệu cư dân của đặc khu, trong nỗ lực tăng cường nhằm kiểm soát đợt bùng phát mới.

Ngày 4/2, Hong Kong đã ghi nhận 131 ca nhiễm, giảm so với con số 142 ca của ngày trước đó. Mức cao kỷ lục trước đó là 164 ca được ghi nhận vào cuối tháng 1. Đến nay, Hong Kong có tổng cộng 213 người tử vong vì COVID-19 và hơn 14.500 ca nhiễm.

Số ca mắc mới hàng ngày ở Hàn Quốc đã tăng gấp 3 lần trong hai tuần qua. Tuy nhiên, số ca tử vong và nhiễm bệnh nghiêm trọng vẫn tương đối thấp ở quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao này.

Nhật Bản ngày 4/2 thông báo, số ca mắc COVID-19 nặng tại nước này lần đầu tiên vượt mốc 1.000 ca trong vòng 4 tháng qua trong bối cảnh sự lây lan của biến thể Omicron đang khiến số trường hợp nhiễm mới ở nước này liên tục lập kỷ lục, gây gánh nặng đối với hệ thống y tế.

Theo Bộ Y tế Nhật Bản, trong 24 giờ qua, số ca bệnh nặng tại nước này đã tăng thêm 131 ca, đưa tổng số ca mắc COVID-19 nặng lên 1.042 ca, mức cao nhất kể từ tháng 9 khi biến thể Delta gây ra làn sóng lây nhiễm thứ 5. Bên cạnh đó, nước này cũng có thêm 103.038 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc lên trên 3 triệu trường hợp.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh