Tổng rà soát thực hiện chính sách với Người có công: Củng cố niềm tin, xóa bỏ ngờ vực
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 13:38 - 02/01/2016
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thăm hỏi sức khỏe thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam).
* Sau 2 năm triển khai Chỉ thị 23/CT-TTg, đến nay Chương trình đã kết thúc với kết quả đối tượng NCC hưởng đủ chính sách là 95,76%. Điều nàycó ý nghĩa như thế nào trong công tác thực hiện chính sách chăm sóc NCC, thưa bà?
- Ngày 27/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về “Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng trong 2 năm 2014 – 2015”. Đây là lần đầu tiên sau 68 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 20/SL ngày 16/2/1947 về “Hưu bổng thương tật” và “Tiền tuất cho thân nhân tử sĩ”, thì nước ta tổ chức Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng trên phạm vi cả nước. Chính vì vậy, nội dung Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa quan trọng, không chỉ nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NCC với cách mạng, trước hết là trong 7 nhóm đối tượng tổng rà soát, mà còn tiếp tục khẳng định sự quan tâm tri ân đối với những NCC với cách mạng, với dân tộc.
Theo số liệu báo cáo kết quả tổng rà soát và xử lý sau rà soát của các địa phương, tổng số 7 nhóm đối tượng được rà soát đợt này là 2.070.812 người, trong đó số đối tượng được hưởng đúng, hưởng đủ chính sách là 1.983.074 người, chiếm tỷ lệ 95,76%, số người hưởng chưa đầy đủ 86.201 (4,16%), số người hưởng sai 1.567 (0,0075%), trong đó 866 trường hợp đã điều chỉnh chính sách, hoặc có quyết định dừng chính sách, 699 trường hợp đang xác minh.
Chủ tịch Uỷ ban TƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các đơn vị có thành tích trong thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả tổng rà soát khẳng định: Đảng và Nhà nước đã thường xuyên quan tâm đến công tác chăm sóc NCC; lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, các ngành phải có biện pháp tích cực, thể hiện trách nhiệm cao trong công tác chăm sóc NCC; đồng thời phát động phong trào chăm sóc NCC, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC đã được các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương tới cơ sở thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm cao; đảm bảo cho NCC được hưởng đúng, hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi theo qui định hiện hành của Nhà nước. Công tác quản lý, thống kê NCC đã được làm chặt chẽ, đảm bảo, làm cơ sở để thực hiện chính sách ưu đãi NCC trên địa bàn cả nước.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam.
* Thưa bà, qua rà soát cũng phát hiện những tồn tại cần tập trung tháo gỡ trong thực hiện chính sách, pháp luật về chăm sóc, ưu đãi các đối tượng NCC với cách mạng?
- Bên cạnh việc nỗ lực thực hiện chính sách ưu đãi NCC thì vẫn còn những khó khăn, bất cập: Công tác tuyên truyền để người dân biết và hiểu đầy đủ về những chính sách ưu đãi NCC còn hạn chế. Vì thế, khi có đợt tổng rà soát, một bộ phận không nhỏ nhân dân, trong đó có những NCC mới biết đến chính sách.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tặng quà Mẹ VNAH Quách Thị Rì 90 tuổi tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan (Ninh Bình).
Tại một số địa phương, cán bộ làm công tác thương binh xã hội ở các xã thay đổi nhiều. Bên cạnh đó, hầu hết các xã thiếu trang thiết bị đảm bảo cho công tác lưu trữ hồ sơ, dẫn đến tình trạng thất lạc hồ sơ của đối tượng. Đây chính là một trong những nguyên nhân của việc thực hiện chưa đảm bảo chính sách ưu đãi NCC. Đa số những trường hợp chưa được giải quyết chế độ chính sách là do mất hồ sơ gốc (có thể là do thời gian đã quá lâu, do trước đây đối tượng không biết nên không chú ý bảo quản hồ sơ, giấy tờ). Do vậy, không có cơ sở để xác định, thẩm định, để từ đó có chính sách đúng với công trạng mà đối tượng đóng góp cho đất nước.
* Bà đánh giá như thế nào về sự phối hợp giữa các đoàn thể chính trị xã hội và người dân trong quá trình thực hiện Chương trình tổng rà soát?
- Kết quả của chương trình tổng rà soát đã phản ánh rõ hiệu quả của sự phối hợp, tham gia thực hiện của các đoàn thể chính trị xã hội trong quá trình triển khai thực hiện. Chưa có một cuộc tổng rà soát chính sách nào mà lại huy động được lực lượng tham gia nhiều, trách nhiệm cao như tổng rà soát chính sách ưu đãi NCC.
Ông Lê Đình Khoát, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mê Linh tặng quà cho bà Lê Thị Vát (vợ liệt sĩ) ở xóm Đông, thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê, Mê Linh (Hà Nội).
Cả nước đã huy động hơn 200.000 cán bộ, đoàn viên, hội viên các đoàn thể ở cơ sở làm lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong quá trình tổng rà soát; anh em đã trực tiếp đi đến từng gia đình, gặp gỡ trao đổi với từng đối tượng để ghi phiếu khảo sát; tổng hợp phiếu, niêm yết danh sách. Bên cạnh đó, họ còn đóng vai trò là tuyên truyền viên tích cực trong phổ biến, hướng dẫn thực hiện chính sách NCC; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NCC để tập hợp, kiến nghị đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét giải quyết. Kịp thời phát hiện đối với những người hưởng chưa đầy đủ, chưa được hưởng và hưởng sai chính sách ở các địa phương cơ sở.
Kết quả rà soát là cơ sở để các tầng lớp nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách đối với NCC với cách mạng; xóa bỏ mọi định kiến, ngờ vực trong một bộ phận nhỏ nhân dân đối với một số người được hưởng các chính sách ưu đãi ở một số địa phương, góp phần đoàn kết nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội trong mỗi cộng đồng dân cư.
* Xin cảm ơn bà!
Tính đến cuối tháng 11/2015, Ban Thường trực Uỷ ban TƯMTTQ Việt Nam đã nhận được 541 đơn, thư phản ánh có liên quan đến chế độ chính sách đối với NCC với cách mạng tại 57 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước. Qua đó cho thấy, nhân dân đã đồng tình, hưởng ứng tích cực Chương trình tổng rà soát; thể hiện trách nhiệm cao, mạnh dạn nêu lên những thắc mắc, nghi ngờ của bản thân đến các cơ quan chức năng; qua đó đề nghị xem xét, kiểm tra việc thực hiện chính sách, chế độ đối với NCC sao cho công bằng, nghiêm túc. Qua giải quyết đơn thư, phần lớn phản ánh của nhân dân là có cơ sở, góp phần cùng với chính quyền đấu tranh làm rõ những trường hợp hưởng sai chế độ, chính sách của Nhà nước. |