THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:05

Tổng lực chống hạn cho Tây Nguyên

 

Người dân ở huyện Chư Sê (Gia Lai) phải đi xa gùi nước về sinh hoạt.

Dân khát, cây trồng khô héo do hạn

Tại huyện Chư Prông (Gia Lai), mực nước ở các hồ đều xuống thấp hơn so với mọi năm. Nơi đây có 2 dòng suối chính là suối Ia Lốp và suối Đục thì đều không còn dòng chảy. Hiện cả huyện có khoảng 200 ha diện tích trồng lúa đều bị ảnh hưởng nặng của hạn hán. Trong có có 80 ha lúa bị mất trắng.

Theo ông Nguyễn Văn Gập, Trưởng phòng NN&PTNN huyện Chư Prông, trong 10 năm trở lại đây, chưa năm nào hiện tượng hạn hán lại diễn ra khốc liệt như năm nay.

Cũng tương tự tại xã Ayun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), hạn hán đã làm các công trình nước tự chảy ở các làng H’vắt 1, H’vắt 2, Hu Răng 1, Hu Răng 2, Tung Keng 1, Tung Keng 2 và Gia Lâm ngừng chảy từ lâu, khiến hàng trăm hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt.

 

Cà phê đang bị ảnh hưởng nặng nề do hạn.


Tại suối Pết, con suối chính chảy qua xã, bà H’ra cho biết, nước trong các giếng đã cạn từ lâu, giờ chỉ còn nước suối. Đến giờ, suối cũng đã trơ đáy, nước chỉ còn đọng lại thành vũng. Mặc dù nước đục ngầu, nhưng chúng tôi vẫn phải lấy về nấu cơm.

Tại tỉnh Kon Tum, tình hình cũng không khá hơn. Ở xã Sa Nghĩa (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), muốn có nước, bà con ở đây phải đi thật sớm để đi lấy. Đến nay, hơn 50% giếng nước của dân ở đây đã cạn trơ đáy. Để có nước sinh hoạt, bà con trong thôn phải tìm nước từ các khe suối nhỏ. Nếu tình trạng nắng nóng còn diễn ra, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt của người dân càng thêm trầm trọng.

Không chỉ thiếu nước sinh hoạt, hàng nghìn hộ dân đang phải căng mình cứu sự sống của cây trồng, giảm thấp nhất thiệt hại nhằm duy trì sự ổn định cuộc sống thường ngày.

Gia đình anh Lê Văn Phương, thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh bỏ ra 50 triệu đồng đào giếng sâu đến 35 mét để lấy nước. Ở thôn Thiên An, nhiều hộ dân đào 2-3 giếng, sâu hơn 100 mét để lấy nước. Nhiều hộ dân huyện Đak Đoa bỏ tiền thuê thợ đào giếng rộng ở đáy để chứa nước; rồi khoan ngang dưới đáy giếng để tìm nguồn nước ít ỏi giải cơn khát cho cây trồng dài ngày với hy vọng trời sẽ sớm đổ mưa.

Không để dân thiếu đói do hạn

Tính đến ngày 22/3, tổng diện cây trồng bị của Gia Lai bị hạn trên địa bàn tỉnh là 13.515,6 ha. Trong đó, diện tích lúa là 4.410 ha, mía 2.314 ha, cà phê 4.209,8 ha, hồ tiêu 1.486,7ha, ngô 247 ha, rau màu các loại 80,6 ha; sắn 616,5 ha... Ước thiệt hại do hạn hán gây ra trên địa bàn tỉnh trong vụ Đông Xuân 2015-2016 là khoảng 152 tỷ đồng.

Một số địa phương thiếu nước sinh hoạt (hơn 7.036 hộ) thuộc địa bàn các huyện Chư Pưh, Chư Sê, Krông Pa, Ia Pa, Kbang, Đắk Pơ, Kông Chro, Chư Prông... Tính đến nay, toàn tỉnh có 14.695 hộ với 64.289 khẩu bị thiếu đói do hạn hán gây ra trong vụ Đông Xuân 2015-2016, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 11.894 hộ với 61.186 khẩu.

Còn tại tỉnh Kon Tum hiện có khoảng 4.000 ha cây trồng bị hạn, tập trung chủ yếu ở các loại cây công nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 4.142 giếng nước bị cạn kiệt, ảnh hưởng đến khoảng 5.400 hộ. Tỉnh Đắk Lắk, ngay Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột có những con phố, đến 2 ngày vẫn không có nước để cấp cho người dân sinh hoạt.

Dự báo đến cuối tháng 4 vẫn chưa có mưa, toàn tỉnh sẽ có khoảng 80.000 ha cây trồng bị thiệt hại do hạn (trong đó có khoảng 30.000 ha cà phê). Riêng tỉnh Lâm Đồng thiệt hại do hạn hán tương đối nhẹ hơn so với các tỉnh trong khu vực, nhờ vào công tác dự báo chính xác, tổ chức chủ động đón đầu, huy động tổng lực sức dân trong công tác đón hạn và chống hạn.

 

Diện tích lúa bị mất trắng cũng đang tăng lên hàng ngày.

 

Tuy nhiên, toàn tỉnh đã có 1.000 ha cây trồng bị hạn. Dự báo đến cuối tháng tư sẽ có khoảng trên 4.000 ha cây trồng toàn tỉnh bị thiệt hại do hạn và cần khoảng trên 50 tỷ đồng để chống hạn năm 2016.

Ngày 24/3, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi đi thị sát tại các vùng hạn nặng, Phó Thủ tướng chỉ đạo, không để người dân đói, thiếu nước sinh hoạt và dịch bệnh xảy ra.

Phó Thủ tướng thống nhất phương án ứng 2.000 tấn gạo để kịp thời cứu đói cho nhân dân 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông. Các địa phương, Bộ NN&PTNT nhanh chóng hoàn tất thủ tục để trình Thủ tướng phê duyệt, sớm đưa gạo về cho người dân. Đồng thời, hệ thống Ngân hàng phải sớm vào cuộc để giúp nông dân tháo gỡ những khó khăn trong thời điểm này.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh