Tổng kết công tác bảo trợ xã hội 2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 00:28 - 29/12/2015
Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, đại diện Lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ cùng toàn thể cán bộ, công chức của Cục.
Năm 2015, Cục Bảo trợ xã hội với vai trò là cơ quan giúp việc đối với lãnh đạo Bộ trong lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội, đã trợ giúp xã hội đã đạt được những kết quả: Cục chủ động nghiên cứu xây dựng trình 2 thông tư liên tịch, 3 thông tư hướng dẫn; tiếp tục nghiên cứu xây dựng 2 Nghị định, 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 1 thông tư liên tịch…
Nhìn chung, công tác xây dựng, ban hành văn bản trong lĩnh vực bảo trợ xã hội đáp ứng yêu cầu chỉ đạo điều hành của Bộ, phù hợp với tình hình mới. Quy trình xây dựng văn bản thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tác động tích cực đến tình hình kinh té, xã hội và công tác quản lý nhà nước của Bộ.
Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện chính sách: Cục Bảo trợ xã hội chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách, đề án liên quan đến trợ giúp xã hội trên các lĩnh vực người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, giảm nghèo, trợ giúp xã hội; Thành lập các đoàn công tác liên ngành kiểm tra thực hiện Luật Người Cao tuổi, Luật người khuyết tật, Đề án 32, Đề án 1215, Đề án 1019, công tác trợ giúp đột xuất và chính sách trợ giúp xã hội khác tại các địa phương….
Trong công tác cứu trợ đột xuất và hỗ trợ sau thiên tai, trong năm 2015, cả nước đã xảy ra 5 cơn bão, 3 đợt mưa lũ lớn và hàng chục đợt lốc xoáy, mưa đá làm 112 người chết, mất tích, 115 người bị thương, 38 nhà dân bị đổ, sập… Cục đã hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch, phương án hỗ trợ người dân khi thiên tai xảy ra; rà soát, tổng hợp tình hình thiếu đói báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ gạo cho các tỉnh; trình Bộ ban hành Công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động chỉ đạo các Sở, Ban, ngành rà soát, nắm bắt tình hình đời sống nhân dân để có phương án hỗ trợ đối với những hộ thiếu lương thực trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi và giáp hạt đầu năm… Trên cơ sở đó, các địa phương đã chủ động tổ chức huy động ngân sách địa phương, cộng đồng và các nhà hảo tâm hỗ trợ hàng ngàn tỷ đồng; xây dựng, triển khai nhân rộng các mô hình phòng tránh và cứu trợ phù hợp để kịp thời ứng phó và hạn chế các tác động xấu của thiên tai, hướng dẫn người dân chủ động phòng chống, cứu giúp lẫn nhau khi gặp thiên tai. Tính đến tháng 12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ cho 21 tỉnh với tổng số hơn 31.606 tấn gạo để cứu đói cho gần 2,1 triệu lượt người.
Về trợ cấp xã hội hàng tháng, thực hiện Nghị định 136/2013/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật, đến nay cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho 2,64 triệu đối tượng, trong đó có 37 nghìn trẻ em mồ côi, 88 nghìn người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo, 1.480 nghìn người cao tuổi trên 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH, 896 nghìn người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, 69 nghìn gia đình, cá nhân nhận chăm sóc tại cộng đồng… Bên cạnh đó, Cục Bảo trợ xã hội đã chỉ đạo hướng dẫn địa phương thực hiện tốt chính sách về trợ giúp, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, phát triển nghể công tác xã hội, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… Đến nay, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành đã triển khai xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho trên 1,3 triệu người khuyết tật, trong đó có 266 nghìn người khuyết tật đặc biệt nặng và 501 nghìn người khuyết tật nặng, 543 nghìn người khuyết tật nhẹ; tổ chức đánh giá tình hình triển khai thực hiện Luật Người khuyết tật và Đề án Trợ giúp Người khuyết tật.
Ông Tô Đức, Phó cục trưởng trình bày kết công tác bảo trợ xã hội năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016
Đối với việc thực hiện Đề án 32, Cục Bảo trợ xã hội đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, trình ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định chức danh, mã số, tiêu chuẩn các chức danh nghề nghiệp viên chức công tác xã hội; tiêu chuẩn chăm sóc trợ giúp đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; triển khai quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội, với 408 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó có 34 Trung tâm công tác xã hội. Hiện cả nước có 21 tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch thành lập mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội với hơn 8.784 cộng tác viên. Bên cạnh đó, Cục Bảo trợ xã hội còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, kịp thời uốn nắn, xử lý những vi phạm trong thực hiện chế độ chính sách; tiếp nhận và xử lý hàng chục đơn thư thuộc lĩnh vực phụ trách.
Bên cạnh đó, Cục Bảo trợ xã hội còn triển khai nhiều công tác bảo trợ xã hội như trợ giúp đột xuất, hỗ trợ sau thiên tai; trợ cấp xã hội hàng tháng; trợ giúp, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi; thực hiện chính sách trợ giúp người khuyết tật; phát triển nghề công tác xã hội; trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí; chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội; trợ giúp và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn v.v...
“Đặc biệt, năm 2015, Cục đã tiến hành khảo sát đánh giá 5 năm thực hiện Luật Người Cao tuổi và Chương trình hành động Quốc gia Người cao tuổi. Đến nay, cả nước đã có 100% tỉnh, thành phố, trên 70% xã phường, thị trấn thành lập Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi và hoạt động rất hiệu quả…”, Ông Tô Đức, Phó cục trưởng cho biết.
Đánh giá chung, năm 2015 các chương trình, chính sách trợ giúp xã hội đã có kết quả khả quan, đảm bảo định mức trợ cấp cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Với việc thực hiện đồng bộ các chính sách đối tượng bảo trợ xã hội đã được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế và các dịch vụ xã hội cơ quan như y tế, giáo dục, nước sạch, trợ giúp pháp lý… Qua đó, số lượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội ngày càng tăng; các cá nhân, gia đình bị thiệt hại bởi thiên tai, lũ lụt được hỗ trợ kịp thời. Đến nay, mức độ bao phủ của chính sách trợ giúp xã hội đã tăng lên 3% dân số.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm biểu dương toàn thể lãnh đạo và cán bộ, công chức Cục Bảo trợ xã hội
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đánh giá: "Nhìn lại năm 2015, và 5 năm qua, lĩnh vực bảo trợ xã hội tuy nhiều khó khăn nhưng toàn thể lãnh đạo và cán bộ, công chức Cục Bảo trợ xã hội đã đạt nhiều kết quả đáng biểu dương... Cục phát huy hơn nữa vai trò tham mưu đề xuất đối với Lãnh đạo Bộ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân về chính sách trợ giúp xã hội; tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành và đơn vị có liên quan trong việc thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội; đảm bảo nguồn lực, ngân sách đối với việc triển khai chính sách trợ giúp xã hội đồng thời phân cấp cho các địa phương và đề cao trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý, sử dụng, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện. Tập trung nghiên cứu, sớm trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ theo đúng kế hoạch Đề án đổi mới chính sách trợ giúp xã hội giai đoạn 2015- 2020; kế hoạch triển khai Công ước của LHQ về quyền của Người khuyết tật; Nghị định quy định chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội công lập…"
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, năm 2016, Cục Bảo trợ xã hội tiếp tục vai trò tham mưu đối với Lãnh đạo Bộ trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện có hiệu quả hơn nữa những chính sách bảo trợ xã hội; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các đơn vị thuộc Bộ và các Sở LĐ-TBXH các tỉnh/thành thực hiện sát sao hơn các chính sách bảo trợ xã hội; nâng cao chất lượng chăm sóc và dịch vụ trợ giúp xã hội cho người dân theo hướng hội nhập quốc tế; Đào tạo, nâng cao năng lực cho các cán bộ của Cục cũng như các cơ sở bảo trợ xã hội v.v...