THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:35

Chim bồ câu cũng bị tống giam

 

                  Đồn cảnh sát thành phố Pathankot đang chịu trách nhiệm quản lý "nghi phạm" bồ câu. Ảnh: PTITheo Lexpress

Mới đây, lính Biên phòng ở tỉnh Punjab của Ấn Độ đã tống giam một con bồ câu vì tội "nối giáo cho giặc" giúp Pakistan gửi thông điệp đe dọa Thủ tướng Narendra Modi. Dẫn nguồn từ tờ The Hindustan Times, Lực lượng An ninh biên giới (BSF) Ấn Độ đã tìm thấy con bồ câu trên tại thành phố Pathankot thuộc bang miền Bắc Punjab, vào ngày 2-10 vừa qua. Nội dung trên bức thư viết: "Này Modi, đừng nghĩ chúng ta giống như thời chiến tranh biên giới 1971. Giờ đây, mỗi đứa trẻ đều sẵn sàng vùng lên chống Ấn Độ". Lực lượng An ninh biên giới Ấn Độ còn cho hay, tờ giấy được ký tên bởi nhóm vũ trang Lashkar-e-Taiba ở Pakistan, "do vậy, Ấn Độ đang tiến hành điều tra vụ việc", ông Rakesh Kumar, Thanh tra cảnh sát thành phố Pathankot, cho biết.

Đây không phải là lần đầu tiên sinh vật tượng trưng cho hòa bình đột nhiên bị vướng vào vòng xung đột giữa hai quốc gia hạt nhân. Năm ngoái, Cảnh sát Ấn Độ nhốt một con bồ câu bị nghi ngờ là "mật thám" của Pakistan. Nghi can bị mang ra chụp X-quang để kiểm tra có mang theo camera do thám hay bất cứ thiết bị, cảm biến nào khác hay không. Vào năm 2013, lực lượng An ninh biên giới Ấn Độ phát hiện một con chim ưng đã chết mang theo camera dạng nhỏ. Không chỉ ở Ấn Độ và Pakistan mới xảy ra căng thẳng về quân sự, chính trị, ngoại giao khiến văn hóa phải "hứng đòn". Mới đây, sau khi Chính phủ Hàn Quốc đưa ra thông báo về việc triển khai hệ thống tên lửa tầm cao dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2017 thì Trung Quốc ngay lập tức phản đối kịch liệt. Sau đó, Bắc Kinh ban hành một lệnh kiểm soát và hạn chế tối đa các nghệ sĩ Hàn Quốc hoạt động nghệ thuật tại Trung Quốc và lệnh này có giá trị thực hiện kể từ ngày 1-9-2016.

Không chỉ những chú chim trở thành mục tiêu theo dõi của lực lượng an ninh, các hoạt động trao đổi văn hóa giữa Ấn Độ và Pakistan cũng bị ngưng trệ sau khi xảy ra vụ tấn công đẫm máu ở khu vực Uri, bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ, làm 18 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Kết quả điều tra ban đầu do Ấn Độ tiến hành đã xác định được một trong những kẻ tấn công ở Uri là Hafiz Ahmed, người đến từ khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát. Tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn sau vụ việc Ấn Độ tuyên bố quân đội nước này đã tiến hành các cuộc đột kích tấn công vào cơ sở của các nhóm khủng bố bên kia đường LoC trong rạng sáng 29-9, gây thương vong nặng nề.

Để thể hiện "tình đoàn kết với các lực lượng vũ trang của đất nước", ở Pakistan đã cấm chiếu phim Ấn Độ trong các rạp chiếu phim lớn. Việc tẩy chay phim Ấn Độ đã được công bố ở Lahore, Karachi và Islamabad, các thành phố lớn của Pakistan. Các chuỗi rạp chiếu phim lớn của Pakistan cho hay, họ đã thực hiện quyết định tự phát không chiếu phim Ấn Độ ít nhất một vài tuần, hoặc cho đến khi những gì mà họ gọi là bình thường trở lại trong quan hệ giữa hai nước. Các rạp chiếu phim Pakistan thừa nhận rằng có thể chịu thiệt về tài chính do tính phổ biến của phim Bollywood (ngành sản xuất phim của Ấn Độ) tại Pakistan.

Trước đó một tuần, Hiệp hội Các nhà sản xuất truyền hình Ấn Độ cũng đã ra lệnh cấm các diễn viên người Pakistan làm việc ở Bollywood.
Đây không phải là lần đầu tiên tình trạng căng thẳng trong quan hệ Ấn Độ-Pakistan lan sang lĩnh vực văn hóa. Không hiểu sau quyết định trên, Pakistan sẽ còn "tung" ra "đòn" nào nữa về văn hóa hay không?

Tiến Đạt/Báo Biên Phòng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh