Tổng biên tập thành Tổng giám đốc: Làm giảm sức mạnh chính trị của báo chí
- Tây Y
- 13:04 - 29/06/2015
Ghi nhận nhiều quy định trong dự thảo Luật Báo chí mới, trong đó có Điều 27(dự thảo Luật) đã bao hàm các kết cấu tổ chức mới của cơ quan báo chí như hình thức tập đoàn và báo chí đa phương tiện. Việc luật hoá các chức danh cấp dưới người đứng đầu, dưới cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí là các nhân sự chịu trách nhiệm về các ấn phẩm, các kênh, chuyên trang, chương trình trong một cơ quan báo chí là tăng thẩm quyền và trách nhiệm của họ, tạo hành lang pháp lý rộng hơn cho phát triển, cho quản lý... Tuy nhiên, Nhà văn Nguyễn Thành Phong, Tổng biên tập Báo Lao động và Xã hội (thuviensuckhoe.org), thẳng thắn cho rằng: Không nên thay đổi cách gọi người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng biên tập thành Tổng giám đốc như dự thảo Luật
“Tổng Biên tập hiện nay sẽ được gọi là Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng biên tập được gọi là Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc thì không phù hợp. Thứ nhất, nó biến cơ quan báo chí trong nhận thức của người đọc là một tổng công ty hay một công ty, là kinh doanh thuần tuý. Báo chí mất đi cái thiêng liêng, như bị hạ thấp sứ mệnh, và như vậy vô hình chung làm giảm sức mạnh của báo chí.
Thứ hai, theo quy định này thì sẽ xuất hiện thêm có khi đến mấy ngàn tổng biên tập nữa, khéo... loạn tổng biên tập mất...”, ông Nguyễn Thành Phong phân tích.
Nhà văn Nguyễn Thành Phong, TBT Báo Lao động và Xã hội (baodansinh.vn): "Tổng biên tập thành Tổng giám đốc sẽ làm giảm sức mạnh chính trị của báo chí"
Đồng quan điểm, Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, TBT Báo Đời sống & Pháp luật cũng cho rằng không nên thay đổi cách gọi người đứng đầu cơ quan báo chí. “Nói gì thì nói người đứng đầu cơ quan báo chí không thể xa rời nội dung của tờ báo. Bây giờ có ông TBT dưới ông Tổng Giám đốc thì việc phân công trong công việc là rất khó khăn, chưa nói là còn phải làm lại hiệp thương, bổ nhiệm lại, thay đổi con dấu…rất tốn kém. Nếu cần tăng trách nhiệm của một số chức danh dưới TBT thì nên Luật hóa các chức danh Tổng thư ký, Phó tổng thư ký, thư ký tòa soạn…trong Luật”, ông Thanh nói.
Cũng ủng hộ quan điểm là nên giữ nguyên tên gọi của người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng biên tập, Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong nói: “Gọi người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng giám đốc, Giám đốc sẽ có nhiều bất lợi, vì lúc đó báo chí mang nhiều tính chất thương mại. Trong khi báo chí không chỉ là cơ quan tuyên truyền mà còn có tính hướng dẫn, định hướng dư luận xã hội nhằm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Từ phân tích trên, nhiều nhà báo, TBT đề nghị giữ nguyên cách gọi người đứng đầu cơ quan báo chí như Luật hiện hành là “Tổng biên tập”. Chức danh Tổng giám đốc, Giám đốc chỉ dùng cho các cơ quan báo chí đặc thù như Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam…