THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:42

TBT Nguyễn Phú Trọng nói về xử lý ông Đinh La Thăng: "Lịch sử đã bao giờ có chưa?"

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 

Trung ương "lò cháy đùng đùng" nhưng địa phương vẫn "im ắng"

Sáng 13/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc cử tri tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Mở đầu, cử tri Trần Viết Hoàn (phường Vĩnh Phúc) bày tỏ, nhân dân và cử tri rất mừng khi thấy nhiều "ông quan to, quan nhỏ, lợi ích nhóm, vơ vét đục khoét ngân sách, làm giàu bất chính".., trong đó có cả "quan cỡ bự" đã bị xử lý, phải ra vành móng ngựa.

"Nhân dân nức lòng khi được nghe lời Tổng Bí thư nhấn mạnh "ai nhụt chí thì đứng sang một bên để cho người khác làm" và đi liền với lời nói là việc làm, quyết tâm của Tổng Bí thư.

Từ đó mới đưa ra xử lý được hàng loạt các vụ án lớn", cử tri Hoàn nói và nhấn mạnh, điều này đã lấy lại niềm tin của nhân dân.

 

Cử tri Trần Viết Hoàn.

 

Nhưng qua những vụ án lớn, xử lý kỷ luật cán bộ thời gian qua, theo ông Hoàn người dân vẫn suy tư, thấy những điều rất khó hiểu.

"Những người vi phạm từ năm 2009, 2010, có vụ từ 2003 như của bà Phan Thị Mỹ Thanh nhưng đến nay mới bị xử lý. Tội phạm vi phạm rất nghiêm trọng, nhưng người vi phạm vẫn thăng tiến, thậm chí leo cao về quyền lực điển hình như ông Đinh La Thăng và một vài vị tướng công an", ông Hoàn băn khoăn.

Ông Trần Viết Hoàn cho rằng, tham nhũng là giặc nội xâm, sự tàn phá ghê sợ của nó làm dân mất lòng tin vào Đảng, vào chế độ, dẫn đến nhiều nguy cơ. 

"Dân mong Đảng, Nhà nước quyết tâm quét sạch nó đi như đã quét sạch giặc ngoại xâm", ông nói.

Ông nêu, hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế của dân và nhiều tài sản khác đã bị giặc tham nhũng vơ vét, mong Đảng, Nhà nước lấy lại để chăm lo đời sống cho dân, nâng lương cho cán bộ, công chức Nhà nước và giải quyết việc làm cho người lao động...

Cử tri Nguyễn Đức Mạnh (phường Cửa Đông, Hoàn Kiếm) bày tỏ, nhân dân mong đợi Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ giải quyết được tài sản bất minh, thu hồi được tài sản tham nhũng. 

Sửa đổi luật này để cán bộ không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng.

Còn cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ) cho hay, chúng ta tổ chức kê khai tài sản cán bộ, Đảng viên đã nhiều năm, nhưng hiệu quả rất thấp và khi báo chí phát hiện hoặc pháp luật đụng đến mới thấy tài sản "khủng".

"Tôi nghĩ, Đảng có thể làm được, người dân có quyền đòi hỏi những cán bộ lãnh đạo phải trong sạch, gương mẫu.

Vì vậy khi Đảng yêu cầu, anh phải có trách nhiệm giải trình nguồn gốc tiền của anh ở đâu ra và giải trình nghiêm túc chứ không thể theo kiểu "buôn chổi đót xây biệt phủ".

Thực tế sẽ có chuyện lâu đài trắng đẹp như mơ là của bà mẹ già nông dân 80 tuổi, chị cử nhân mới ra trường đã có tài sản hàng trăm tỷ..., nhưng chúng ta cần làm rõ xem tài sản này thực chất ở đâu mà có", ông Thịnh nhìn nhận.

Ông Thịnh chia sẻ, việc chống tham nhũng ở Trung ương làm rất mạnh, "lò cháy đùng đùng", nhưng ở địa phương vẫn "im ắng". Một số vụ báo chí phát hiện lại làm không đến nơi đến chốn, khi người dân phản ứng mạnh, Trung ương phải vào cuộc như ở Quảng Nam, Thanh Hóa...

"Để chống tham nhũng, thoái hóa, biến chất, chỉ riêng Trung ương làm chưa đủ mà rất cần có sự chung tay của các địa phương, chúng ta đã đặt rất nhiều câu hỏi để giải quyết như ai chạy, chạy ai.

Tôi đề nghị thêm một câu hỏi vì sao có hiện lượng trên nóng, dưới lạnh và cần làm thế nào để chuyển lửa về địa phương", ông Thịnh mong muốn.

Xử lý cương quyết nhưng phải nhân văn

Phát biểu tiếp thu các ý kiến của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, qua lắng nghe các ý kiến cho thấy cử tri đã nghiên cứu sâu sắc nội dung chương trình kỳ họp Quốc hội sắp tới và dù nói ngắn nhưng cụ thể, sâu sắc.

Về đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, theo Tổng Bí thư đây là vấn đề tiếp xúc lần nào cử tri cũng quan tâm, chứng tỏ hết sức khó khăn, phức tạp và vô cùng quan trọng.

Tổng Bí thư cho hay, trong công tác phòng chống tham nhũng vừa qua đạt được một số kết quả, bước đầu cảm thấy hài lòng, đặc biệt trong năm 2017 và làm được như vậy có sự đồng thuận rất lớn của xã hội, nhân dân.

Nhưng chúng ta không chỉ chống mà lâu dài phải xây. Chống rất quan trọng, làm quyết liệt nhưng không phải nhăm nhăm chống. Xảy ra thì chúng ta chống nhưng chúng ta phải xây để ngăn ngừa, răn đe, đừng xảy ra là tốt nhất. Nếu như ai đã trót ít nhiều nhúng chàm thì tự gột rửa đi là tốt nhất.

"Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng không phải xử chung thân hay phạt thật nặng mới là kết quả tốt, mà cái chính người bị xử phải nhận ra sai lầm khuyết điểm của mình, đặc biệt phải thu hồi được nhiều tài sản, không để thất thoát của Nhà nước.

Bần cùng bất đắc dĩ lắm mới sử dụng đến biện pháp không ai mong muốn như tử hình. Vừa cương quyết, quyết liệt nhưng phải nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, mở đường cho người ta tiến, chứ không phải vùi dập người ta", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Theo Tổng Bí thư, hiện nay công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đang phát triển thành xu thế "lò nóng rực rồi" nhưng "còn nhiều việc phải làm và làm đến cùng, không bỏ giữa chừng".

Trước ý kiến của các cử tri đề nghị, làm sao phải thu hồi tài sản trong các vụ án liên quan đến tham nhũng, lãng phí nhiều hơn nữa, Tổng Bí thư cho biết hiện nay đã khuyến khích theo hướng này và các vụ án gần đây đưa ra xét xử, nhiều bị cáo xin nộp tiền để giảm nhẹ hình phạt.

Tổng Bí thư thông tin, vụ Mobifone mua AVG gây thiệt hại cho Nhà nước 8.800 tỷ và đơn vị mua đang hứa trả lại toàn bộ tiền cộng với lãi, thực tế đã thu hồi được 8.500 tỷ.

Người đứng đầu của Đảng cũng nhấn mạnh, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng tất cả xã hội từ trên xuống dưới đồng lòng vào cuộc và phải xác định lâu dài, không sốt ruột.

"Tại lần tiếp xúc trước, các bác cho rằng hình thức xử lý đối với ông Đinh La Thăng quá nhẹ khi cho thôi Ủy viên Bộ Chính trị, cảnh cáo. Tôi nói các cơ quan đang làm. 

Bây giờ xử hai vụ án, đang nhận án 30 năm tù, khai trừ ra khỏi Đảng rồi. Đây là nguyên một Ủy viên Bộ Chính trị, lịch sử đã bao giờ có chưa? Cho nên phải làm theo các bước chậm nhưng chắc chắn", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Còn những vấn đề mà hàng ngày cử tri thấy như việc cô giáo phạt quỳ, phạt đứng, dâm ô trẻ em… gây bức xúc trong xã hội, theo Tổng Bí thư chỉ là cá biệt, không phổ biến.

"Chúng ta chưa bao giờ có được cơ đồ như hiện nay với vị thế quốc tế, trong khu vực, kinh tế phát triển, chủ quyền giữ vững, xã hội ổn định. Lãnh đạo các nền kinh tế sang dự APEC, Thủ tướng Canada uống cà phê ngoài đường không việc gì. 

Chúng ta tự hào lắm. Những việc khiến người dân bức xúc sẽ được xử lý, nhưng không nên vì vậy mà quá nặng nề, mất niềm tin vào chế độ", Tổng Bí thư nói.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh