THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:46

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trao đổi với cử tri Đơn vị bầu cử số 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trao đổi với cử tri Đơn vị bầu cử số 1.

Sáng 14/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng, Hà Nội trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trước các kỳ họp, đại biểu Quốc hội tiến hành tiếp xúc cử tri, báo cáo nội dung chương trình và tiếp thu ý kiến góp ý của cử tri để tổ chức kỳ họp thành công. Nội dung, kết quả kỳ họp phải thể chế hóa chủ trương của Đảng, từ đó thấm vào trong từng người dân, giúp cho “ý Đảng” luôn luôn quyện với “lòng dân”. Do đó, các cuộc tiếp xúc cử tri phải được tổ chức thiết thực, không hình thức.

Trao đổi với đông đảo cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất do nhân dân bầu ra, thực hiện quyền lực của nhân dân. Quốc hội thực hiện các chức năng, xây dựng luật pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tổng Bí thư nhấn mạnh, Đảng ta lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị đề ra đường lối chủ trương, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đó là ba chân kiềng rất chắc chắn, quan hệ biện chứng với nhau. Trong đó, mỗi chủ thể đều phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tuân theo Hiến pháp và pháp luật tránh tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”, “anh nào cũng nghĩ quyền mình to”…

Tổng Bí thư lưu ý rằng, đây là những nội dung rất căn bản, quan trọng, cần thiết, các cấp, các ngành phải nắm rất chắc để thực hiện đúng, nhất là phải gần dân, sát dân, tôn trọng nhân dân, bởi “đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, không được lòng dân là mất chế độ.

Lưu ý trong mối quan hệ công tác, ứng xử với người dân, Tổng Bí thư cho rằng: "Cứ cậy mình là cán bộ cấp trên đi xuống hoạnh họe với dân là không được. Nhưng dân lại bảo dân làm chủ rồi nói tôi chẳng nghe thì cũng không được, nên cần có luật pháp, Nhà nước phải có kỷ cương, dưới sự lãnh đạo của Đảng".

Thông tin với cử tri về một số kết quả quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, nhất là công tác đối ngoại vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quan điểm, đường lối đối ngoại nhất quán và phong cách "ngoại giao cây tre" gốc vững chắc, nhưng thân mềm dẻo, có tình, có lý, có trước, có sau của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Thay mặt các đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận và tiếp thu đầy đủ các ý kiến cử tri nêu để báo cáo với Quốc hội, nêu ý kiến tại nghị trường cũng như đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời để báo cáo lại với cử tri. Đồng thời chúc cử tri và nhân dân Thủ đô tiếp tục đoàn kết, tích cực đóng góp xây dựng Hà Nội xứng đáng là Thủ đô của Việt Nam anh hùng và truyền thống nghìn năm lịch sử.

Toàn cảnh cuộc tiếp xúc cử tri.

Toàn cảnh cuộc tiếp xúc cử tri.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV dự kiến khai mạc vào ngày 23/10/2023 và dự kiến bế mạc vào ngày 29/11/2023. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt.

Kỳ họp thứ 6 là Kỳ họp cuối năm đồng thời cũng là kỳ họp có ý nghĩa sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các Kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công. Quốc hội sẽ xem xét, quyết định khối lượng rất lớn về công tác lập pháp và giám sát.

Dự kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến về 8 dự án luật khác. Quốc hội cũng xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và 2024; Xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ về thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021-2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; xem xét các báo cáo về việc thực hiện một số Nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4; giám sát chuyên đề tối cao và các vấn đề quan trọng khác.

Trong đó, quy hoạch không gian biển quốc gia là nội dung cần được trình Quốc hội xem xét quyết định để đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022... Dự kiến thời gian họp, căn cứ nội dung kỳ họp, dự kiến bố trí 11,25 ngày cho công tác lập pháp; 11 ngày cho các vấn đề quan trọng; 1,5 ngày cho khai mạc, bế mạc, thông qua luật, nghị quyết và dự phòng.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh