THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 05:25

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Học tập vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi thiết thân

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ khai giản lớp học. Ảnh: TTXVN

 

Cùng dự lễ khai giảng có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; 94 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XII tham gia Trung ương khóa đầu.

Thay mặt Ban Chỉ đạo lớp học, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương phát biểu nêu rõ: Thực hiện Quy định số 164 của Bộ Chính trị, theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và các cơ quan liên quan đã đề xuất xây dựng chương trình học tập, bồi dưỡng lần này theo hướng hệ thống lại các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh và hoạt động đối ngoại; đồng thời cung cấp thêm cho các đồng chí những kiến thức mới, những vấn đề có tính lý luận và thực tiễn, phục vụ thiết thực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Phát biểu chỉ đạo, khai giảng lớp học, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chào mừng các đồng chí học viên về dự lớp học đông đủ; hoan nghênh Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan, ban, ngành có liên quan đã phối hợp chặt chẽ, tích cực chuẩn bị để tổ chức lớp bồi dưỡng quan trọng này theo đúng kế hoạch.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Học tập là một vấn đề rất quan trọng trong đời sống thường ngày và trong công tác, nhất là trong công tác cách mạng. Học tập vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi, rất thiết thân. Cha ông ta đã từng nói: "Ăn vóc, học hay", "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn", "Phải học ăn, học nói, học gói, học mở"...  Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, các bậc vĩ nhân, lãnh tụ thiên tài như Lê nin, Bác Hồ luôn quan tâm tới việc học tập của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là đối với cán bộ và đảng viên. Lênin nói: "Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng, chỉ Đảng nào có lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong", "Không có một nền học vấn hiện đại thì chủ nghĩa cộng sản chỉ là một nguyện vọng mà thôi". Mà muốn có lý luận cách mạng, có một nền học vấn hiện đại thì không có cách nào khác là phải học. Lê nin nhấn mạnh: "Học, học nữa, học mãi". Bác Hồ căn dặn: "Cách mạng tiến lên mãi, Đảng tiến lên mãi. Cho nên người cách mạng cũng phải tiến lên mãi. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học". "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ".

Tổng Bí thư nói: “Có rất nhiều cái phải học và cũng có rất nhiều cách để học: Học ở trường, ở lớp; học trong cuộc sống, học trong công tác; học ở trong nước, ở ngoài nước; học thày, học bạn; học lẫn nhau; tự nghiên cứu, tự học... Nếu không học thì sẽ lạc hậu, mà lạc hậu sẽ dẫn đến thoái bộ. Bởi vì thực tiễn luôn luôn vận động; lý luận không ngừng phát triển; đời người là hữu hạn, sự hiểu biết là không cùng! Tôi biết các đồng chí có mặt ở đây hôm nay đều đã học rất nhiều, từng trải rất nhiều, dạn dày trong cuộc sống; có nhiều đồng chí đã từng lên lớp, từng làm thày, đã tiến bộ, trở thành Ủy viên Trung ương Đảng, trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị của chúng ta”.

 

Ảnh: TTXVN

 

Theo chương trình, từ ngày 14-18/8, các học viên sẽ nghe các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị giới thiệu 9 chuyên đề.

Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu chuyên đề Xây dựng Chính phủ liêm chính, phục vụ và hành động thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giới thiệu chuyên đề Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính giới thiệu chuyên đề Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và xây dựng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trình bày chuyên đề Công tác tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trình bày chuyên đề Phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ xã hội và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch giới thiệu chuyên đề Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược quốc phòng và chiến lược quân sự trong tình hình mới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh giới thiệu chuyên đề Chiến lược đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn mới.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày chuyên đề Chiến lược an ninh quốc gia trong tình hình mới.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình trình bày chuyên đề Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân trong tình hình mới.

Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí học viên nhận rõ trách nhiệm của mình, học tập nghiêm túc, lắng nghe đầy đủ, với tinh thần khiêm tốn, cầu thị, "năng nhặt chặt bị"; biến quá trình học thành quá trình tự học, tự nghiên cứu, chủ động, tự giác, theo sự gợi mở, định hướng của các báo cáo viên, đồng thời tìm đọc thêm tài liệu để mở mang kiến thức, tiếp nhận thêm thông tin, liên hệ, suy ngẫm, tìm cách vận dụng thực hiện cho phù hợp với công việc của mình.

“Trong quá trình học tập cần lưu ý gắn lý luận với thực tiễn, gắn tài liệu, sách vở  với cuộc sống sinh động. Đây cũng là dịp thuận lợi để các đồng chí học viên cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, bổ sung cho nhau và giúp nhau cùng tiến bộ. "Học thày không tày học bạn" là như thế”, Tổng Bí thư nói.

P.V (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh