CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:54

Tối 27/7: Bão số 1 tăng cấp, Bắc bộ mưa to

Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của cơn bão số 1. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, sáng sớm 27/7, bão số 1 đã vượt qua đảo Hải Nam và đi vào vịnh Bắc Bộ.

Hồi 8 giờ ngày 27/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ vĩ Bắc; 108,5 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thái Bình-Ninh Bình 230km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 10-11. 

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km. Đến 19 giờ ngày 27/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Hải Phòng-Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 10-11. 

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 10-11. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 

Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km, như vậy tối và đêm nay, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7 giờ ngày 28/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 105,4 độ Kinh Đông, trên khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/h), giật cấp 7-8. 

Do ảnh hưởng của bão, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 10-11. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to đến rất to. Cảnh báo nguy cơ rất cao lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thuộc các tỉnh Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Việt Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 

* Hải Phòng, Nam Định sẵn sàng phương án phòng chống bão số 1

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 1 - cơn bão được dự báo đi thẳng vào Vịnh Bắc bộ, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã có công văn khẩn chỉ đạo các địa phương, ngành chuẩn bị đầy đủ phương án hiệp đồng để phòng chống bão. 
Công tác kêu gọi tàu thuyền, sắp xếp nơi neo đậu tránh trú bão đang được thành phố khẩn trương thực hiện. Đến 17 giờ ngày 26/7, thành phố tiến hành kiểm đếm, thông báo tới hơn 2.500 phương tiện tàu thuyền với gần 8.000 lao động, trong đó hơn 1.100 phương tiện đang hoạt động trên biển, gần 200 tàu thuyền đang hoạt động ở khơi xa; gần 500 lồng bè với gần 1.300 lao động; 175 chòi với 179 lao động biết bị trí, hướng di chuyển của cơn bão số 1 để chủ động phòng tránh. 
Đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, các địa phương trên địa bàn thành phố cấy được khoảng 95% diện tích. 
Theo yêu cầu của Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành và 12 tỉnh, thành phố phía Bắc bàn biện pháp đối phó với cơn bão số 1 cũng như công văn chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, cần gấp rút thông báo, kêu gọi các tàu thuyền phải vào nơi tránh trú bão an toàn trước 18 giờ ngày 27/7; chủ động thực hiện phương án phòng chống bão, phương án sơ tán nhân dân ở các khu vực ven biển, khu du lịch biển, vùng trũng thấp, các khu nhà ở cũ yếu; tổ chức kiểm tra và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, các công trình đang thi công, khu nuôi trồng thủy sản, trang trại, cầu tàu, bến cảng.
Cũng chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 1, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện cấm biển, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 11 giờ ngày 27/7 cho đến khi bão tan. 
Các địa phương, đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh, không đi vào khu vực nguy hiểm. 
Các xã, thị trấn ven biển theo dõi, kiểm đếm và thông báo cho nhân dân chằng buộc tàu thuyền cẩn thận không để trôi dạt; giữ liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Đặc biệt, yêu cầu tất cả tàu, thuyền, người lao động tại các chòi canh ngao, vùng nuôi trồng thủy hải sản bên ngoài đê biển vào bờ trước 10 giờ ngày 27/7; đồng thời rà soát lại số lượng nhà tạm, nhà yếu để có phương án di dời người dân khi có lệnh. 
Các địa phương tích cực tiêu rút nước đệm chống úng để bảo vệ trên 76.700ha lúa mùa mới cấy; có giải pháp đảm bảo an toàn cho các công trình, nhà cửa, đê điều, bến cảng, kho tàng ở khu vực ven biển; tổ chức trực ban 24/24 và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu. 
Nam Định có 17.000ha diện tích nuôi trồng thủy hải sản, hơn 700 lều, chòi canh ngao, trên 2.000 tàu thuyền hoạt động trên biển với khoảng 4.000 ngư dân làm ăn trên biển hàng ngày. Hiện các lực lượng chức năng tỉnh Nam Định đang khẩn trương kêu gọi tàu thuyền và ngư dân về nơi tránh trú bão an toàn.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh