Tốc độ đi bộ tiết lộ bạn già nhanh thế nào
- Y học 360
- 23:48 - 28/10/2019
Các nghiên cứu trước đây tìm thấy mối liên hệ giữa dáng đi và sức khỏe của người già. Nghiên cứu mới được công bố trong tuần qua trên JAMA Network Open còn cho thấy tốc độ đi bộ thể hiện nhiều vấn đề khác về tình trạng lão hóa.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu được thu thập của hơn 1.000 người New Zealand sinh từ năm 1972 đến năm 1973, trong hơn 40 năm. Bắt đầu từ khi 3 tuổi, mỗi người tham gia nghiên cứu được đánh giá bởi một nhà thần kinh học nhi khoa. Họ sẽ đo lường mọi thứ, từ trí thông minh và kỹ năng ngôn ngữ, vận động đến điều tiết cảm xúc và hành vi. Sau đó, mỗi người được đánh giá sức khỏe thường xuyên và trải qua các cuộc phỏng vấn sau vài năm một lần.
Sau đó, 904 tình nguyện viên đạt 45 tuổi, các nhà nghiên cứu đo tốc độ dáng đi của họ bằng một bài kiểm tra đơn giản. Các nhà nghiên cứu cũng xem xét họ đã già đi nhanh như thế nào, dựa trên 19 chỉ số sức khỏe bao gồm chỉ số khối cơ thể, huyết áp và mức cholesterol. Họ cũng trải qua thử nghiệm Wechsler Adult Intelligence Scale-IV (Bộ trắc nghiệm đo lường trí thông minh), thực hiện MRI não và đánh giá sự lão hóa trên khuôn mặt.
Sau khi phân tích dữ liệu, các nhà nghiên cứu so sánh những tình nguyện viên có dáng đi trung bình chậm nhất khoảng 3,9 feet (1,2 m) mỗi giây với những người cao nhất, trung bình khoảng 5,7 feet (1,7 m) mỗi giây. Kết quả đã dẫn đến 3 kết luận quan trọng.
Đầu tiên, dáng đi chậm chạp có liên quan đến chức năng thể chất kém ở tuổi trung niên.
Thứ hai, các nhà nghiên cứu xác định đi bộ chậm có liên quan đến gia tăng lão hóa. Quá trình này không chỉ thể hiện sự suy giảm nhanh chóng của các hệ cơ quan mà còn biểu hiện của lão hóa khuôn mặt và thay đổi cấu trúc não.
Thứ ba, nhóm nghiên cứu thực hiện kết nối giữa dáng đi chậm với sự suy yếu chức năng nhận thức thần kinh. Kết quả, những người đi bộ nhanh hơn có IQ cao hơn và giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.
"Tốc độ đi bộ ở tuổi trung niên nói lên nhiều điều về cơ thể và bộ não của họ đã già đi theo thời gian như thế nào. Đó không chỉ là chỉ số về sự lão hóa mà còn là chỉ số về sức khỏe não bộ", tiến sĩ Line Jee Hartmann Rasmussen Đại học Duke, tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ.
Đi bộ có vẻ như là một điều đơn giản, nhưng đòi hỏi sự tương tác của nhiều hệ cơ quan khác nhau cùng một lúc, bao gồm xương, tim, phổi, cơ bắp, thị giác, hệ thần kinh... Giảm tốc độ đi bộ có thể là một dấu hiệu của lão hóa và suy giảm chức năng các cơ quan trong cơ thể, nhóm nghiên cứu kết luận.
Nghiên cứu này có ý nghĩa rất lớn trong việc chẩn đoán tình trạng sức khỏe của mỗi người thông qua dáng đi, đồng thời giúp mỗi người nhận thức tốt hơn trong việc rèn luyện sức khỏe thể chất mỗi ngày.