CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:11

Tô thắm vẻ đẹp thành phố mang tên Bác

          Đẹp hơn qua từng trang sách

  Trong niềm cảm mến, tôi yêu TP. Hồ Chí Minh - thành phố mang tên Bác, bởi con người nơi đây thân thiện, thẳng thắn và bộc trực. Đó là những nét đặc trưng nhất của người dân. Trước đây, tôi cứ nghĩ, khi con người bộc trực, thẳng thắn sẽ trở nên khô khan. Nhưng không, cái bộc trực và thẳng thắn ấy dường như được “tráng men” bởi sự nhiệt tình, nên nó lạ lắm. Nó làm tăng sự giản dị và cái thẳng thắn trở nên nhẹ nhàng phần nào. Và như thế, khi đối diện với người xung quanh, họ không văn hoa mĩ miều, chẳng để bụng rồi suy diễn khi có những ý kiến bất đồng.

  Khi hòa trong tính cách Sài Gòn, tôi dễ dàng kết thân với rất nhiều bạn. Có cả những người bạn ở miền Bắc vào quyện trong một bầu khí quyển. Khi suy rộng ra Hà Nội, thành phố ấy đã chẳng ôm chứa biết bao ước mơ, là điểm đến của hàng triệu học sinh, sinh viên đấy thôi. Tụ trong TP. Hồ Chí Minh là dân tứ xứ. Họ đến ban đầu vì cái ăn, cái mặc, vì học hành, vì lập nghiệp… rồi phải lòng Sài Gòn mà ở lại. Ở lại để hòa chung, dự phần vào sự phát triển, nhân thêm vẻ đẹp của thành phố.

Vẻ đẹp đời thường ở TP Hồ Chí Minh, thông qua nét vẽ của một nhóm họa sĩ trẻ

  Đã có rất nhiều nghiên cứu, phân tích về Sài Gòn. Dễ nhận thấy sự mướt mát chân thật và sâu sắc tình cảm là sách viết về thành phố, của cả tác giả sinh ra nơi đây, cả người nhập cư. Trong hai chục năm qua, có đến hàng trăm cuốn sách với những góc nhìn nhiều chiều, đa dạng về văn hóa, tính cách, con người, về những nét đẹp đời sống. Nhiều cây bút lão thành gắn bó với đề tài Sài Gòn như nhà văn Sơn Nam với “Giới thiệu Sài Gòn xưa”, “Ấn tượng Sài Gòn 300 năm”, “Đất Gia Định xưa - Bến Nghé xưa & Người Sài Gòn”; Bình Nguyên Lộc với “Những bước lang thang trên hè phố”; Vương Hồng Sển với “Sài Gòn năm xưa”; Lê Văn Nghĩa với “Sài Gòn - Chuyện xưa mà chưa cũ”, “Sài Gòn - Dòng sông tuổi thơ”... Sau đó, tiếp tục mạch chảy của đời sống, nhiều tác giả khác tiếp tục có những cống hiến. Hàng loạt sách ra đời như: “Vọng Sài Gòn” của Trác Thúy Miêu, “Sài Gòn một thuở - Dân ông Tạ đó” của Cù Mai Công, “Sài Gòn - một sợi tơ lòng” của Lê Hoàng Hựu.

Bạn đọc cũng thích văn phong của nhà báo Phạm Công Luận. Sau khi xuất bản những cuốn sách “hot” như “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”, “Những lối về ấu thơ”, anh như trở thành “nhà Sài Gòn học” với “Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm”, “Những bức tranh phù thế”, “Sài Gòn phong vị báo Xuân xưa”.

Vừa rồi, cuốn sách “Sài Gòn hay ta” của Bình Bồng Bột và họa sĩ Thăng Fly rất ấn tượng. Những trang viết sống động và giàu cảm xúc, khi lãng mạn khi hóm hỉnh của Bình Bồng Bột về Sài Gòn, hòa với sắc màu rực rỡ tươi mới trong những bức tranh của Thăng Fly, đã khắc họa thật trìu mến một thành phố của đại lộ thênh thang và ngõ hẻm lắt léo, của nỗi hoài niệm quá khứ và cuộc chuyển mình hiện đại, của cái bất biến và sự đổi thay, nhưng trên tất cả, là của những con người ấm áp khiến ta tin vào điều tử tế trong cuộc sống. Tôi cũng đã đọc tập tản văn “Sài Gòn những mùa yêu” của họa sĩ Trần Thùy Linh, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, 10 năm qua chị chuyển vào Sài Gòn gây dựng sự nghiệp và trải nghiệm cuộc sống mới nơi đây. Trần Thùy Linh định nghĩa về Sài Gòn rất khác lạ, một đại đô thị xộc xệch, chộn rộn, ấy vậy nhưng trong mỗi ngóc ngách của nó, cứ ẩn hiện những màu sắc tuyệt mỹ mà càng ngắm, càng khám phá lại càng thích thú. Dường như cái duyên với Sài Gòn bắt đầu từ công việc đầu tiên của chị ở thành phố này - hướng dẫn viên du lịch. Môi trường đã tạo cho chị nhiều cơ hội để tìm hiểu nhiều hơn về thành phố, về con người và đặc biệt về những câu chuyện xung quanh việc hình thành và phát triển của thành phố được mệnh danh là hòn ngọc Viễn Đông.

Cuộc sống thường nhật trong các com hẻm tại TP. HCM

Cuộc sống thường nhật trong các com hẻm tại TP. HCM

  Xuất hiện trên văn đàn khá muộn, nhưng khá thành công, đó là nhà văn Tống Phước Bảo. Vừa rồi anh xuất bản tập tản văn “Sài Gòn còn thương thì về” gồm 19 tản văn, 8 truyện ngắn viết về mảnh đất đã “ấp yêu” tác giả hơn 30 năm. Tống Phước Bảo tâm sự: “Khi viết về Sài Gòn, tôi nghĩ đơn giản mình chỉ mới sống có hơn 30 năm với mảnh đất này, nên cần viết một cách nhẩn nha nhất để góp nhặt sao cho Sài Gòn của mình, của lăng kính một người trẻ, phải sinh động, chân thật và thời cuộc nhất. Chẳng thể ôm trọn Sài Gòn vào một cuốn sách, thì mình viết từ từ, cuốn này một khía cạnh, có thể cuốn sau lại một lát cắt khác. Trong mỗi trang viết của các nhà văn hóa, nhà văn, nhà nghiên cứu, thành phố trở nên đẹp và lung linh hơn”.

          Lan tỏa những nghĩa cử đẹp

Ngược dòng lịch sử, phẩm chất nghĩa tình của người Sài Gòn - Gia Định – TP. Hồ Chí Minh được kế thừa từ tinh thần yêu nước, thương người vốn là phẩm chất truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã kết tinh qua nhiều thế hệ. Phẩm chất tốt đẹp ấy lưu chảy trong máu và hơi thở của những lưu dân theo dòng mở cõi, tiếp tục hòa kết, sinh sôi, làm nên phẩm chất của con người nam bộ chân chất, nhân hậu, vị tha, trọng nghĩa khinh tài, nhưng cũng rất mạnh mẽ, phóng khoáng. Rất nhiều người trẻ tiếp nối những phẩm chất ấy, chung tay xây dựng, gìn giữ những nét đẹp của thành phố nghĩa tình. Như anh Nguyễn Văn Luận (quận Bình Thạnh) với dự án “Sài Gòn tử tế”. Anh tuy không sinh ra ở đây nhưng đã nguyện sống và cống hiến cho thành phố. Bởi quá yêu mà suốt mấy năm qua, anh Luận đã dày công đi khắp các hang cùng ngõ hẻm để ghi lại những hình ảnh đời thường đầy tình người để kể cho bạn bè khắp nơi về một thành phố đáng sống. Qua đó, khuyến khích các bạn trẻ quan tâm đến cộng đồng bằng những hành động giản dị có ý nghĩa tốt đẹp, từ đó khơi gợi một thái độ sống văn minh, tích cực.

  Hơn 5 tháng qua, hành trình cải tạo kênh rạch ô nhiễm của nhóm Sài Gòn Xanh đã tạo cơn sốt về ý thức bảo vệ môi trường trên các nền tảng mạng xã hội. Trưởng nhóm Nguyễn Lương Ngọc (biệt danh Shin, 27 tuổi) chia sẻ: “Các thành viên trong nhóm đều con nhà nông nên không sợ khổ, sợ khó. Sở dĩ em lập nhóm này bởi vì mình được truyền cảm hứng rất lớn từ nhóm Padawara ở bên Indonesia cũng làm về chủ đề này. Chúng em đăng tải các video để người xem có cảm giác như đang hòa mình vào những buổi đi dọn rác, từ đó dễ lan tỏa thông điệp đến mọi người hơn”.

Một nhóm thiện nguyện nấu cháo tặng người nghèo

Một nhóm thiện nguyện nấu cháo tặng người nghèo

  Cảm hứng sống, những thông điệp luôn biết nuôi dưỡng cuộc sống, tô đậm sự sáng rõ trong vẻ đẹp con người. Nên tôi biết ơn Kơ Puih Thoan, cô gái 20 tuổi với khuôn mặt đầy vết sẹo bỏng, đã khiến nhiều người xúc động khi xuất hiện trong sự kiện “ôm miễn phí” trên phố đi bộ Nguyễn Huệ hồi cuối năm 2022. Nhiều người cũng biết ơn Tường Vy (38 tuổi, hiện kinh doanh) là gương mặt truyền cảm hứng và năng lượng tích cực cho cộng đồng tham gia Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam. Còn nữa, cô gái khuyết tật Trần Trà My, dù chưa một lần đến trường, nhưng đã tự học, trở thành người viết sách, đi khắp nơi truyền cảm hứng. Mới đây, cô đã xuất bản cuốn sách “Chuyến phiêu lưu của những điều tử tế”, tập hợp gần 40 bài viết, 10 bài thơ viết trên hành trình trải nghiệm và chia sẻ với những cuộc đời khác.

  Đó chỉ là vài trong số hàng trăm minh chứng cụ thể, khi mà ở mỗi con phố, mỗi ngả đường, đều có những bàn tay sẵn sàng chìa ra với người khác, sẵn sàng dấn thân cho mục tiêu tốt đẹp, cuộc sống an bình, trong lành hơn. Rồi ta nhận ra, dù mỗi người một hoàn cảnh, nhưng luôn xuất hiện tấm lòng trượng nghĩa, hào phóng biết cho đi. Nên có người cảm nhận thành phố như một “bà mẹ” nhân hậu, cưu mang tất cả những đứa con dù mình không sinh ra. Giữa cuộc sống xô bồ, bon chen, ta vẫn bắt gặp ngay ở những con người bình dị nhất, những góc tâm hồn, tình người ấm áp, rất Sài thành.

Tùy bút của Nguyễn Văn Học

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh