Tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh: Bỏ HĐND cấp quận, phường
- Tây Y
- 13:32 - 27/10/2020
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh là cần thiết để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Dự thảo Nghị quyết gồm 12 điều, quy định việc tổ chức chính quyền đô thị; nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND quận; nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND quận…
Nếu được thông qua, Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
Tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết để quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc thông qua Nghị quyết nhằm cụ thể hóa các quy định mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 47/2019/QH14 về chính quyền địa phương ở quận, phường, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của TP.
Về tên gọi, phạm vi và nội dung của dự thảo Nghị quyết, trong quá trình thẩm tra của Ủy ban Pháp luật còn có 2 loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh để thực hiện ngay từ ngày 1/7/2021 mà không qua thí điểm như Chính phủ trình.
Việc ban hành Nghị quyết này là phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh tương tự như đã quyết định đối với TP Hà Nội và Đà Nẵng.
Đa số đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, bởi đây là đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, là đầu tàu kinh tế của cả nước, có sức thu hút, lan tỏa đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước.
Tán thành với loại ý kiến thứ nhất là tổ chức thực hiện Nghị quyết ngay mà không qua thí điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định: chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.
TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường hơn 6 năm, đã có hiệu quả và được nhân dân TP ủng hộ.
“Đây là 2 cơ sở thực tiễn quan trọng để Quốc hội có thể cho phép TP được chính thức thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị mới mà không cần phải tiếp tục thí điểm để bảo đảm tính ổn định, lâu dài, tạo sự yên tâm đối với các cấp chính quyền ở TP cũng như cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và người dân nói chung”, ông Hoà nêu quan điểm.
Cũng ủng hộ với loại ý kiến thứ nhất, song đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) đề nghị, cần thận trọng, có lộ trình và bước đi phù hợp.
Theo đại biểu Nguyễn Hồng Vân, trước mắt chỉ thí điểm việc không tổ chức HĐND cấp quận ở 19 quận vì đây là cấp trung gian, sau đó có đánh giá toàn diện để tiếp tục thực hiện.
"Đối với 259 phường vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành và ưu tiên kiện toàn củng cố nâng cao chất lượng hoạt động vì đây là cấp cơ sở trực tiếp với nhân dân", đại biểu nói.
Còn đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị (đoàn TP. HCM) cho rằng, với mật độ dân số lớn, các vấn đề phát sinh lớn, đòi hỏi phải xử lý nhanh, nếu xử lý chậm vấn đề gây thiệt hại cho người dân và nền kinh tế nên khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị giúp cho quyết định nhanh hơn.
Theo ông Nhân, TP HCM đã hơn 6 năm thí điểm không có HĐND của 24 quận và huyện; 259 phường, xã; nên những vấn đề lo lắng có thể phát sinh thì đã thử nghiệm 6 năm, không phát sinh vấn đề lớn.
Mặt khác, ông Nhân cho rằng, theo kinh nghiệm và hướng dẫn từ trung ương thì TP HCM có đủ năng lực để khắc phục.
Nếu Nghị quyết được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 và tổ chức thực hiện từ ngày 1/7/2021.
Tờ trình nêu rõ, TP. HCM là đô thị loại đặc biệt, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, TP HCM vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị loại đặc biệt.
Vì thế, do yêu cầu quản lý, đòi hỏi cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tại TP HCM tinh gọn, hiện đại, có năng lực lập quy hoạch, kế hoạch, sử dụng hiệu quả các tài nguyên, phát triển các dịch vụ hạ tầng đồng bộ.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM là cần thiết để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM có một số điểm nhấn quan trọng, trong đó bỏ Hội đồng nhân dân (HĐND) ở cấp quận, phường.
Cụ thể, chính quyền địa phương ở TP HCM gồm có HĐND và UBND TP; chính quyền địa phương ở quận, phường là UBND quận, phường; việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của TP HCM (bao gồm huyện, thành phố thuộc TP HCM; xã, thị trấn) được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.