CHỦ NHẬT, NGÀY 22 THÁNG 12 NĂM 2024 06:03

Tính ưu việt của nền giáo dục Pháp

 

Trường học miễn phí

Trẻ em đi học miễn phí và bắt buộc. Nhà đông con, thu nhập thấp, trẻ em đến trường cũng được ăn gần như miễn phí (vì đóng tiền ăn theo thu nhập gia đình): 4-5 euros/bữa.

 

Trường Trung học Marie Curie ở Sceaux.

Để tránh tình trạng cha mẹ lạm dụng tiền trợ cấp vào việc cá nhân, trẻ phải ăn cơm ở trường. Tránh phân biệt giàu nghèo, và đối xử bất bình đẳng, cô giáo và nhà trường không hề biết thu nhập của gia đình từng học sinh. Từ mẫu giáo đến hết cấp một, tất cả ra tòa thị chính nộp. Sự đóng góp cho trường là tự nguyện không bắt buộc, chỉ nhằm mục đích mua thêm sách, đưa các cháu đi dã ngoại và do ban phụ huynh quản lý trực tiếp. Nhiều tòa thị chính do đảng cộng sản hay đảng xã hội nắm quyền có chính sách ưu đãi hơn cho trẻ em mẫu giáo và cấp một. Một số nơi, tòa thị chính cho mỗi cháu 1 cuốn từ điển, và cung cấp vở viết, bút, bảng đồng bộ - tạo nên sự bình đẳng cho học sinh ngay từ nhỏ, không so bì với bạn, khi thấy bạn có đồ dùng học tập đẹp và sang hơn. Bố mẹ đỡ mất thời gian mua sách giáo khoa, vở, bút đầu năm cho con. Tiền chi phí này lấy từ thuế của dân, sử dụng thuế vào lợi ích cho thế hệ trẻ đều được dân ủng hộ. Có nơi học sinh trung học còn được máy vi tính xách tay. Không có trường điểm. Trường nổi tiếng vẫn phải nhận con em khu vực và một số học sinh giỏi ở vùng lân cận, không nhận học sinh ở xa. Đúng địa chỉ là trường phải nhận, không được từ chối. Xác nhận địa chỉ dựa theo giấy khai thuế, hóa đơn điện, nước. Trường hợp nhận sai tuyến chỉ với điều kiện do bố mẹ đi làm xa nhờ ông bà trông, hoặc trường cạnh công sở cha mẹ làm để tiện đón đưa, phải có giấy cơ quan xác nhận và trường phải còn chỗ. Như vậy, không có tình trạng ùn tắc giao thông vì đưa con đến trường như kiểu Việt Nam. Trẻ học gần nhà, chỉ cần dắt đi, trẻ vừa rèn luyện thói quen đi bộ và tự mang cặp tạo nên một thói quen sống độc lập sớm.

Học sinh từ tiểu học đến hết trung học không phải mua sách giáo khoa, vừa tiếp kiệm cho gia đình, vừa đỡ lãng phí. Mỗi trường tự quyết định sách giáo khoa và đặt mua. Hàng năm, mỗi học sinh mượn và mang về cha mẹ ký để xác nhận tình trạng sách sạch không rách bẩn. Học sinh phải có ý thức giữ đến cuối năm trả lại. Sách nào rách, cũ thì nhà trường thay thế. Học sinh phải bồi thường tiền sách nếu đánh mất, hoặc làm hỏng. Vì thế, học sinh tự có ý thức bọc và giữ sách cẩn thận.

 

Giờ ra chơi ở trường Trung học Lakanal nằm ở Sceaux.


Các trường học thuộc Nhà nước không phải mặc đồng phục. Học sinh ăn mặc bình thường. Cha mẹ không phải mua đồng phục. Học sinh không phải lo đồng phục bẩn ướt chưa có bộ khác thay. Ngoài cổng có bảo vệ đứng gác và kiểm tra thẻ học sinh và cấm học sinh vào trường ăn mặc bẩn thỉu, gây phản cảm và sexy. Hầu như nếu học sinh nghèo, đều có nơi cho quần áo để học sinh không mặc cảm với bạn.

Trẻ em còn nhỏ được khuyên không đeo trang sức đến trường để tránh mất và giật gây thương tích nguy hiểm cho trẻ, nhà trường sẽ không chịu trách nhiệm nếu tai nạn do đeo trang sức. Trẻ mẫu giáo và cấp 1 rất ít đeo vòng và khuyên tai - tránh sự khoe giàu, kệnh cỡm của trẻ.

Trường học giữa Paris hoa lệ nổi tiếng, thầy cô giáo vẫn dạy học sinh tiếp kiệm. Giáo viên đề nghị phụ huynh nào làm công sở có giấy trắng còn 1 mặt do in hỏng, thay bằng bỏ đi, thì mang đến trường cho các cháu lấy mặt kia để tập vẽ, làm thủ công. Đồ chơi còn tốt, sạch sẽ, giặt, rửa sạch bảo đảm vệ sinh mang đến trường để thay đồ chơi cũ, hoặc chia sẻ cho trẻ em châu Phi. Giờ thủ công, thầy cô dạy học sinh sử dụng các nguyên vật liệu bỏ đi làm đồ chơi: vỏ chai nước khoáng, nước ngọt, hộp, giấy bọc quà, quần áo cũ… Trẻ bên Paris vẫn chơi lò cò, nhảy dây. Nhà trường dạy trẻ ý thức nhân đạo. Nắp lọ, chai thì cất giữ sạch sẽ, mang đến trường để cho các tổ chức nhân đạo thu gom lấy tiền giúp trẻ em tàn tật. Họ dạy trẻ từ ba tuổi có ý thức tự lập, tự mặc quần áo, rửa tay chân, xếp giày dép, quần áo.

 Cấm đánh trẻ con

Giáo dục trẻ không được dùng vũ lực và lời nói thô bỉ. Giáo viên buộc phải gương mẫu kể cả khi ra ngoài đường. Chọn nghề thì phải có trách nhiệm, hy sinh vì nghề. Học sinh nhất là còn nhỏ, không thể nhìn thầy cô lôi thôi lếch thếch và sống vô đạo đức giữa xã hội. Thày cô giáo không thể khoe ngực, cởi quần áo, chửi bậy bạ trên mạng, dù là ngoài giờ dạy.

Nhà trường cung cấp số điện thoại nóng để học sinh gọi nếu bị bạo hành. Cha mẹ đối xử thô bạo với con bị phạt, nặng hơn là mất quyền nuôi con. Trẻ bị cha mẹ hành hung sẽ được gửi đi nơi khác để trẻ lớn lên không thành người thô bạo trong xã hội.

 Giáo dục thể thaovăn hóa

Thể thao và văn hóa được đưa vào chương trình dạy học bắt buộc của các năm học. Hầu hết trẻ em Pháp biết bơi, được học nhạc, học hội họa trong trường. Sức khỏe là quan trọng được giáo dục song song với văn hóa. Văn hóa giúp sự hình thành phát triển tính cách con người trong xã hội. Thư viện sách, nhạc có sẵn và rất phong phú dành cho từ trẻ sơ sinh. Sách và đồ dùng thiếu nhi đắt hơn sách và đồ dùng người lớn. Vì trẻ em luôn thích màu sắc và rực rỡ.

Pháp nổi tiếng thế giới về sự galant (hào hiệp, lịch thiệp), lịch sự. Trung bình mỗi người Pháp nói 60 lần cảm ơn, xin lỗi/ngày. Trẻ con được giáo dục phép lịch sự và tôn trọng riêng tư của người khác như một biểu hiện của văn hoá. Từ nhỏ, chúng được dạy: khi va chạm tình cờ, hoặc mình đi qua ai đang đứng vướng đường thì cả đôi bên cùng xin lỗi. Vì không ai cố tình, xin lỗi vui lòng cả đôi bên. Đi mua hàng, người ta bán cho mình, cả hai cùng cảm ơn nhau. Người bán cũng bán được hàng, người mua cũng mua được hàng. Cảm ơn, chào hỏi là thể hiện sự trân trọng lịch sự của xã hội văn minh. Họ dạy trẻ bình đẳng nhưng phải biết tôn trọng người lớn. Người lớn phải lịch sự cảm ơn trẻ đã giúp mình. Đấy là cách dạy bình đẳng dân chủ. Người lớn nghe trẻ con trình bày, rồi phân tích cùng trẻ, chứ không áp đặt người ít tuổi hơn.

 Ưu tiên giáo dục

Trân trọng trẻ em là trân trọng tương lai. Giáo dục là ngành được ưu tiên số một ở Pháp. Trường nổi tiếng nhất, chọn lọc kỹ nhất là Đại học (ĐH) Sư phạm. Giáo viên giỏi thì trò mới giỏi. Trò giỏi thì tương lai đất nước mới phát triển. Thi vào các trường Sư phạm là rất khó, miễn học phí. Nhiều giảng viên Pháp không tự hào mình có bằng tiến sĩ mà tự hào là cựu sinh viên (SV) ĐH Sư phạm Paris. Ai tốt nghiệp Sư phạm (Ecole Normale Supérieure) đều được kính trọng và có công việc ngay khi ra trường. Du học sinh đến từ các quốc gia đều được hưởng các quyền lợi như SV người Pháp: mua vé métro (tàu điện ngầm), bus giảm giá, làm thẻ thư viện, được ưu đãi mua vé vào các nhà hát, rạp chiếu phim. Nếu học giỏi, có việc làm ổn định (chứng minh bằng tài khoản nhà băng, khả năng mua nhà trả góp) thì người du học có thể được cấp thẻ xanh, tiến tới cơ hội được nhập quốc tịch.

Tôi đã tham gia luyện thi 3 năm liền cho học sinh lớp 12 chọn thi môn ngoại ngữ là Tiếng Việt ở trường Marie Curie. Lakanal và Marie Curie là trường trung học nổi tiếng ở phía Nam ngoại ô Paris. Trường bao gồm cấp 2, cấp 3 và là nơi 3 năm luyện thi (gọi là dự bị ĐH) để vào các ĐH lớn, nổi tiếng (chỉ lấy học sinh khá giỏi tốt nghiệp lớp 12): Bách khoa, Sư phạm, Trường Kỹ sư, Mỏ, Cầu đường, Y khoa....

Khác với VN và nhiều nước, dự bị ĐH bên Pháp tương đương học 2 năm ĐH và thi rất khó. Với ĐH Tổng hợp thì không phải thi, chỉ nộp đơn.

Nếu trượt các trường lớn, thì sau 2, 3 năm dự bị tính điểm, được điểm cao thì SV nghiễm nhiên được coi là học xong Tổng hợp năm thứ 2 vào luôn năm thứ 3.

Trường lớn bên Pháp là trường Chính phủ cho tiền học, gồm SV giỏi. Ra trường là 99% có việc hay nhận học bổng đi đào tạo tiếp ở Pháp hay các nước như Mỹ, Anh, Canada... SV năm thứ 2 là được đi ra nước ngoài học trao đổi luôn từ 6 tháng - 1 năm.

 Giáo dục công dân bằng Lịch sử và tự hào dân tộc

Lịch sử, văn học là môn học bắt buộc từ mọi lớp, nằm trong chương trình thi. Học sinh có nắm lịch sử đất nước và thế giới mới hiểu được giá trị hòa bình và căm ghét chiến tranh. Học sinh được học giờ nghĩa vụ công dân, đạo đức xã hội. Như vụ khủng bố giết các nhà hý họa tuần báo Charlie Hebdo, học sinh được nhà trường dạy và tham gia phản đối khủng bố. Nhiều thiếu niên đã ý thức tham gia cùng cha mẹ xuống tuần hành vì tự do dân chủ. Chính vì thế, mà ở Paris đã có hơn 1 triệu người đi tuần hành ủng hộ Charlie Hebdo. Ý thức công dân hằng được thày cô giáo nhắc trong bài giảng Lịch sử và Văn học. Gần đây, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam vốn có “truyền thống” cải cách, trong khi có rất nhiều vấn đề cần làm thì không giải quyết, lại đưa ra việc bỏ môn Lịch sử dưới hình thức xé lẻ, tích hợp vào môn khác. Không trưng cầu dân ý, bất chấp ý kiến của các nhà khoa học, vị bộ trưởng vẫn diễn thuyết bảo vệ trước Quốc hội. Để có thể in lại sách giáo khoa ? Để học trò vỡ nát kiến thức và không còn biết môn Lịch sử, để trân trọng môn học lẫn lịch sử dân tộc ? Cũng may, trong phiên họp ngày 27/11/2015, Quốc hội đã bác bỏ đề xuất trên. Ý tưởng bỏ môn Lịch sử đó là một sai lầm. Nếu không học Lịch sử làm sao học sinh có ý thức công dân, ý thức bảo vệ Tổ quốc, ý thức yêu hòa bình ? Mùa Thu rồi ở Pháp, 5 học sinh trung học bị buộc phải nghỉ 1 tuần học vì giơ tay chào cờ kiểu Hitler. Hình thức phân biệt chủng tộc, ảnh hưởng đến nhân loại luôn bị lên án và được giáo dục ở trường. Do đó, Văn học và Lịch sử là môn học cần thiết để hình thành tính cách công dân có ích, phục vụ cho nhân loại.

Pháp là nước tư bản, nhưng việc đề cao giáo dục và chăm sóc bà mẹ, trẻ em rất chủ nghĩa xã hội, mang tính nhân bản rất cao. Việt Nam chúng ta cần nỗ lực phải học tập ngay và phấn đấu lâu dài.

Nguyễn Tim - con trai út của tôi sinh năm 2000. Tháng 3/2016, Tim tròn 16 tuổi, chuẩn bị đăng ký nghĩa vụ quân sự. Ở Pháp, học sinh thi hết lớp 12, muốn vào ĐH phải có giấy chứng nhận đã nghe và tập 1-2 ngày quân sự mới được thi. Nguyên tắc là 18 tuổi, nhưng từ 16 tuổi trở lên là đăng ký đi nghe giảng được. Học sinh nữ cũng thế, bình đẳng.

TS. TRẦN THU DUNG (Paris) / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh