CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:15

Tình trạng tự tử ở độ tuổi học sinh gia tăng: Chuyên gia tâm lý nói gì?

Trong một hội thảo gần đây, phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Đặng Hoàng Minh, Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), thông tin, khoảng 50% trẻ ở độ tuổi từ 14-15 có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đặc biệt, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang tăng cao nhưng nhiều người chưa biết cách hỗ trợ và can thiệp.

Hay mới đây, hai chị em sinh đôi người Malaysia học tại một trường quốc tế ở TP.HCM tự tử đã làm dấy lên lo ngại về sức khỏe tâm thần của học sinh.

Vậy đây có phải thực sự là điều đáng báo động không?

PGS- TS tâm lý Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) để hiểu thêm về vấn đề này.

Tình trạng tự tử ở độ tuổi học sinh gia tăng: Chuyên gia tâm lý nói gì? - Ảnh 1.

PGS- TS tâm lý Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội)

  50% học sinh bỏ học có vấn đề về sức khỏe tâm thần

PV: Theo nghiên cứu có khoảng 50% trẻ ở độ tuổi từ 14-15 có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đặc biệt, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang tăng cao nhưng nhiều người chưa biết cách hỗ trợ và can thiệp. Ông nghĩ sao về con số này?

PGS- TS Trần Thành Nam: Số liệu nghiên cứu của các đồng nghiệp chúng tôi tại trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã chia sẻ trong Hội Quốc tế lần thứ 5 về Sức khỏe Tâm thần trẻ em Việt Nam, là 50% các vấn đề về sức khỏe tinh thần bắt đầu từ lứa tuổi vị thành niên. Có khoảng 50% học sinh bỏ học có nguyên nhân do các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Khoảng 70% thanh niên ở các trường giáo dưỡng hoặc nhà tù có vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Nghiên cứu cũng cho thấy có khoảng 90% những người tự tử đều có các dấu hiệu tổn thương sức khỏe tâm thần trong khi đó việc tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần thường diễn ra quá muộn. Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra việc tìm kiếm can thiệp trị liệu các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể muộn tới 10 năm.

PV:  Nguyên nhân của thực trạng trên là gì, thưa ông?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ tổn thương sức khỏe tinh thần của học sinh. Một trong số đó là các sang chấn tâm lý trong môi trường sống và học tập. Những yếu tố gây áp lực lớn cho học sinh bao gồm mâu thuẫn trong các mối quan hệ. Đầu tiên là mâu thuẫn giữa kỳ vọng của cha mẹ về học tập, định hướng nghề nghiệp và mong muốn bản thân, mâu thuẫn với bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác thể hiện trong việc bị cô lập, bị bắt nạt, bạo lực trực tiếp hoặc trực tuyến; mâu thuẫn với giáo viên liên quan đến phương pháp học tập và kỳ vong kết quả. Ngoài ra, các vấn đề khác cũng có thể gây ra những áp lực lớn như vấn đề sức khỏe thể chất của cá nhân, vướng mắc với pháp luật hoặc nguy cơ tài chính của gia đình...

Ngoài ra, các bạn trẻ ngày càng dành nhiều thời gian cho điện thoại thông minh, mạng xã hội và game online nên ít có thời gian dành cho bạn bè, người thân và các mối quan hệ có ý nghĩa. Thanh thiếu niên ít thời gian ngủ hơn, ít có điều kiện để thực hành các kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề, kiểm soát cảm xúc trong đời sống thực. Do đó, các em không thể huy động các nguồn trợ giúp khi bế tắc. Bên cạnh đó, nhiều em chịu bạo lực, quấy rối, bắt nạt trên mạng xã hội khiến cá nhân cảm thấy cuộc sống không có lối thoát.

Lý do của việc chậm tìm kiếm sự giúp đỡ đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần chính là không có nhận thức đầy đủ về sức khỏe tâm thần trong cộng đồng cũng như trong các chính sách. Người dân còn nhiều thành kiến về tổn thương sức khỏe tâm thần, gắn nhãn những người bị tổn thương là kém cỏi, yếu đuối, thiếu động cơ, không có ý chí, miệt thị bằng cách so sánh với người “điên”, “tâm thần”. Nhiều người vẫn tin rằng người tổn thương sức khỏe tâm thần nguy hiểm, không làm chủ được ý thức hành vi của mình, không đồng ý để con mình giao tiếp hay kết bạn với những người tổn thương sức khỏe tâm thần.

Chính vì vậy, chính bản thân những người bị tổn thương sức khỏe tâm thần cũng không chấp nhận họ bị trầm cảm hay lo âu. Họ thường triệu chứng hóa tổn thương của mình bằng cách phàn nàn đau đầu, đau bụng, mất ngủ, mệt mỏi… và đi khám các vấn đề thực thể thay vì đến với các nhà tâm lý hay bác sỹ tâm thần.

Nội dung giáo dục về sức khỏe tinh thần chưa có?

PV: Theo công bố, ở Việt Nam, tỷ lệ thanh thiếu niên và trẻ em có các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng khoảng 12%, tương đương 3 triệu thanh thiếu niên có nhu cầu hỗ trợ và trị liệu? Thực sự, con số này có lớn không, thưa ông?

Đúng vậy, đó là những con số do tổ chức Y tế thế giới công bố. Mặc dầu so với các quốc gia khác con số này cũng không cao hơn nhưng nó là dấu hiệu cảnh báo chúng ta cần phải quan tâm một cách nghiêm túc đến vấn đề sức khỏe tâm thần ở độ tuổi học đường. Cá nhân tôi cũng cho rằng chúng ta đang xây dựng trường học hạnh phúc thì cũng không thể tách rời được việc giáo dục và nâng cao sức khỏe tinh thần cho các đối tượng trong các Nhà trường.

Tình trạng tự tử ở độ tuổi học sinh gia tăng: Chuyên gia tâm lý nói gì? - Ảnh 2.

Trẻ khó bảo

PV: Có ý kiến cho rằng, từ trước đến nay chúng ta thường quan tâm đến sức khỏe thể chất nhưng lại ít quan tâm đến sức khỏe tâm thần? Ông có nghĩ như vậy không?

Phải thừa nhận rằng chúng ta chưa quan tâm nhiều đến việc giáo dục sức khỏe cho học sinh kể nói chung cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần. Mặc dầu trong tương quan giữa sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần thì ít nhất trong trường học còn có môn giáo dục thể chất hay các giờ thể dục còn các nội dung giáo dục về sức khỏe tâm thần thì hầu như không có.

Ngay cả trong chương trình đào tạo giáo viên cũng không có học phần liên quan đến sức khỏe tâm thần, chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo giáo viên cũng không có nhắc đến kiến thức thái độ về các vấn đề sức khỏe tâm thần hay kỹ năng ứng xử phù hợp với những học sinh tổn thương sức khỏe tâm thần

PV: Thông tư của Bộ GD&ĐT quy định các trường có tham vấn tâm lý học đường nhưng vẫn là giáo viên kiêm nhiệm chứ không có giáo viên tham vấn chuyên nghiệp? Ông có nghĩ như vậy không?

Điều quan trọng là chúng ta cần nhận thức đúng vị trí vai trò của người giáo viên trong việc hỗ trợ học sinh. Trong mô hình hỗ trợ tâm lý 3 tầng, giáo viên kiêm nhiệm được bồi dưỡng đào tạo cũng chỉ có thể thực hiện được các nhiệm vụ ở tầng 1 tức là tầng phòng ngừa.

Bao gồm các hoạt động đánh giá sàng lọc các vấn đề tổn thương tâm lý định kỳ, tổ chức các hoạt động giáo dục tâm lý cho học sinh về các vấn đề của nhóm tuổi, các khóa học về kỹ năng sống, giá trị sống cho toàn trường (Ví dụ như chủ đề phòng chống xâm hại tình dục với khối tiểu học, chủ đề luên quan đến ứng xử trong tình bạn-tình yêu-tình dục, quản lý cảm xúc, bắt nạt và bạo lực học đường cho khối THCS, hay hướng nghiệp cho THPT…); thực hiện sơ cứu tâm lý và phản ứng trước khủng hoảng.

Còn với những hoạt động can thiệp chuyên sâu, giáo viên cần giới thiệu chuyển tuyến đến các chuyên gia như nhà tâm lý học đường, bác sĩ tâm thần .

Theo ĐỖ HỢP/Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh