CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 07:05

Tình hình diễn biến dịch ở Hải Dương còn phức tạp khó lường và có thể kéo dài

Tại hội nghị trực tuyến chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương chiều 14/2/2021, ông Lương Văn Cầu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, từ một doanh nghiệp ghi nhận ca bệnh ở Chí Linh tính đến thời điểm 15h00 ngày 14/2, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có 10/12 thành phố, huyện có bệnh nhân COVID-19.

Toàn tỉnh hiện ghi nhận 440 ca bệnh, trong đó Chí Linh mắc nhiều nhất với 234 trường hợp, tiếp đến là Kinh Môn với 58 trường hợp, Cẩm Giàng 49 trường hợp, Nam Sách 26 trường hợp...

Tình hình diễn biến dịch ở Hải Dương còn phức tạp khó lường và có thể kéo - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định tình hình dịch bệnh tại Hải Dương vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường và có thể kéo dài hơn

Toàn tỉnh đã cách ly 1.630 trường hợp F1, hiện đã hoàn thành cách ly 2.004 trường hợp; tổng số F2 là 54.789 trường hợp, đã hoàn thành cách ly tại nhà 18.957 trường hợp.

Để triển khai các biện pháp chống dịch, Hải Dương đã phong toả 66 khu dân cư, 9 thôn, 2 xã và 2 huyện, thành phố. Toàn tỉnh có 103 khu cách ly tập trung, trong đó nhiều nhất là Chí Linh với 29 khu cách ly, tiếp đến là Kinh Môn với 27 khu cách ly.

Nhận định về tình hình của các ổ dịch trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Lương Văn Cầu cho hay: ổ dịch Chí Linh có 234 ca mắc, trong đó có ca xét nghiệm đến lần thứ 3 mới dương tính; 6099 trường hợp F1 đã xét nghiệm ít nhất 2 lần. "Cơ bản ổ dịch này đã được khống chế"- ông Cầu nhấn mạnh.

Về ổ dịch Kinh Môn với 58 ca mắc, trong 7 ngày gần đây chỉ có 9 ca mắc ( tất cả đều đã được cách ly); 3729 F1 đã được xét nghiệm. Ông Cầu cũng khẳng định: "Cơ bản ổ dịch này đã được khống chế".

Đối với ổ dịch Cẩm Giàng ghi nhận 49 ca mắc, tổng số F1 là 1550 đã xét nghiệm hết. Tuy nhiên trên địa bàn đã xuất hiện ổ dịch trong khu công nghiệp, trong đó riêng công ty Kuroda Kagaku có 12 ca mắc. Hiện tất cả công nhân của công ty này (hơn 400 người) đều cách ly tập trung tại các địa phương. Đối với công nhân tại các tỉnh khác, Sở Y tế đã thông báo đến các địa phương tổ chức cách ly tập trung, theo dõi giám sát công nhân và lấy mẫu xét nghiệm. Đến nay chưa phát hiện ca bệnh nào là công nhân của công ty này tại các địa phương khác.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho rằng, ổ dịch trên địa bàn này còn diễn biến phức tạp. Hiện tỉnh đã tiến hành xét nghiệm toàn bộ những người liên quan đến quán karaoke, đang tiếp tục truy vết ổ dịch Nam Sách có 26 ca bệnh, 514 F1 đã xét nghiệm 100%. Hiện ổ dịch này vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên đã bắt đầu xuất hiện ca bệnh trong các khu phong toả...

Theo GS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TW, Trưởng đoàn công tác của Bộ Y tế tại Hải Dương, dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh Hải Dương ở môi trường phức tạp là khu công nghiệp đông công nhân, lại liên quan mật thiết đến cộng đồng dân cư đông đúc và ảnh hưởng liên quan đến các địa phương lân cận.

Dịch xảy ra vào thời điểm khó khăn cho công tác phòng chống dịch là giáp tết. Tuy nhiên Hải Dương cũng đã bám sát các chỉ đạo của trung ương, sáng tạo trong công tác phòng chống dịch. Dịch xảy ra trên nhiều địa bàn, nhưng Hải Dương đã kiểm soát được.

Hiện công suất xét nghiệm của Hải Dương đã tăng 20 lần so với ban đầu, trung bình là khoảng 30.000 mẫu gộp/ngày. Tuy nhiên nhu cầu xét nghiệm thời gian tới rất lớn, do đó vẫn rất cần quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt là khi Hải Dương triển khai xét nghiệm trên diện rộng tại một số địa phương.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, do biến chủng nên vi rút có tốc độ lây lan tăng gấp 4 lần, do vậy cần thiết phải triển khai tăng công suất xét nghiệm, truy vết nhanh chóng. “Chúng tôi đánh giá tình hình dịch bệnh tại Hải Dương vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường và có thể kéo dài hơn, nhưng tổng thể chung vẫn kiểm soát tốt tình hình. Cẩm Giàng là địa bàn “đáng quan ngại”, cần triển khai các biện pháp chống dịch quyết liệt tại huyện này” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, thứ nhất, đề nghị lãnh đạo tỉnh Hải Dương cần áp dụng phong toả trên diện hẹp, giãn cách theo chỉ thị 16 trên diện rộng hơn trên địa bàn Hải Dương để "không phải đuổi theo dịch mà phải chặn dịch, bởi cứ phát hiện ca nào lại đuổi theo ca đó là thất bại".

Thứ hai, ưu tiên tối đa các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn có dịch, xét nghiệm nhanh chóng. Bệnh viện Bạch Mai phải hỗ trợ máy móc, nhân sự để tăng cường xét nghiệm tại Hải Dương; Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phải lập Trung tâm xét nghiệm (Labo) ngay tại Cẩm Giàng; cứ 2 ngày sàng lọc/lần; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thiết lập ngay Labo ở Chí Linh; Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương huy động sinh viên quay lại trường sau dịp nghỉ lễ tết sớm để tăng cường nhân lực lấy mẫu.

Thứ ba, cần giải toả cách ly ở khu vực Trường nghề Canada; Trường Chu Văn An. Đề nghị giao quân đội những khu vực, địa điểm khu cách ly trên 50 người trở lên.

Thứ tư, đối với nhà máy Poyun, nhà máy Kagaku đưa ra người cách ly khỏi Hải Dương về các tỉnh/thành phố lân cận do quân khu 3 quản lý và thực hiện tăng cường xét nghiệm trong khu cách ly.

Thứ năm, tán đồng chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Hải Dương liên quan đến khu công nghiệp vẫn giãn cách xã hội và thực hiện sản xuất, nhưng phải thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng, chống dịch của Bộ Y tế.

Thứ sáu, đề nghị Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục hỗ trợ tập huấn, chuẩn bị bộ máy nhân sự của Bệnh viện Dã chiến số 3. Đồng thời, tăng cường giám sát việc thực hiện cách ly tại khu dân cư. Phương châm 4 tại chỗ vẫn cần triển khai quyết liệt hơn.

THÀNH NAM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh