Tinh gọn, tự chủ, thành lập các trung tâm "2 trong 1", "3 trong 1"
- Tây Y
- 04:07 - 03/06/2017
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cần tập trung đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục nghề nghiệp
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị đánh giá thực trạng tổ chức hoạt động trung tâm dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp (GDNN); Đồng thời, cần tập trung hình thành một số trường đào tạo nghề trọng điểm, chất lượng cao cho các dự án trọng điểm lớn, các thành phần kinh tế; tổ chức quy hoạch mạng lưới đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong toàn ngành LĐ-TB&XH.
Một số trường xin tự chủ, địa phương lại chưa muốn
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp báo cáo, cả nước hiện có 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 1.337 cơ sở công lập, chiếm 67%, gồm 331 trường cao đẳng, 350 trường trung cấp và 656 trung tâm.
Theo cơ quan quản lý (chủ quản), 166 cơ sở thuộc các bộ, ngành; 1.002 cơ sở thuộc địa phương; 160 cơ sở thuộc các tổ chức chính trị xã hội và 9 trường thuộc doanh nghiệp nhà nước.
Theo vùng kinh tế - xã hội, 33% cơ sở ở vùng đồng bằng sông Hồng, 21% ở Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, 17% ở vùng Đông Nam bộ, 16% ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, 4% ở vùng Tây Nguyên và 9% ở vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Số lượng nhà giáo và cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 91.555 người. Trong đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có 71.771 người, chiếm 78%, gồm cơ quan có thẩm quyền giao là 61.005 người (chiếm 85%), lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP là 10.766 người (chiếm 15%).
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Bộ LĐ-TB&XH đang quyết liệt xây dựng, đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN
Vì vậy cần rà soát, kiểm tra, đánh giá các cơ sở GDNN thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương; thực hiện lộ trình chuyển nhiệm vụ cơ quan chủ quản đối với các cơ sở GDNN công lập của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội về UBND các địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính theo lãnh thổ trên địa bàn.
Cùng với đó, tăng và quy định rõ tỷ lệ ngân sách chi cho cơ sở GDNN trong tổng chi ngân sách cho giáo dục đào tạo; hoàn thiện chế độ thu học phí theo cơ chế giá và chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên; tăng cường gắn kết giữa cơ sở GDNN với DN…
Về vấn đề tự chủ, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thừa nhận, việc thực hiện tự chủ với các đơn vị đào tạo nghề rất khó. Hiện có 5 trường đại học có thể tự chủ được ngay, cam kết tự chủ được về kinh phí, bảo đảm sinh viên ra trường có việc làm. Nhưng trường nghề, toàn bộ hệ thống mới đang thí điểm 3 trường tự chủ toàn phần, và khoảng 30 trường nghề đã và đang thực hiện tự chủ một phần.
“Một số trường hiện nay bắt đầu xin tự chủ, nhưng địa phương lại chưa muốn”, Bộ trưởng cho biết.
Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH cam kết tiếp tục khuyến khích và trao cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ quản lý.
Tại buổi làm việc, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng nêu thực tế hiện nay, nhiều trường nghề trang thiết bị và chất lượng giáo viên khá tốt, rất muốn tăng liên kết với DN, nhưng lại vướng 2 việc: cơ chế giao quản lý tài sản, đã có nghị định, thông tư nhưng triển khai rất chậm; cơ chế khuyến khích DN hợp tác với nhà trường thì lại chưa rõ.
Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng phát biểu.
Bày tỏ sự đồng thuận, ông Lê Văn Hiền Chủ tịch hội đồng trường cao đẳng nghề quốc tế Lilama 2 cho rằng, để triển khai thành công hợp tác với khối DN, tính tự chủ của các cơ sở GDNN là rất cần thiết.
Theo đó, ông Hiền nhấn mạnh, phải tự chủ cho các trường thuộc khối kỹ thuật, gắn với DN nhiều hơn, như thế sẽ có đầu ra cho sinh viên và thu hút càng cao đầu vào. Một cơ chế hợp lý để thực hiện tự chủ cần được xây dựng nhằm tránh làm hạn chế tính linh hoạt của các cơ sở GDNN.
Đáng chú ý, trường cao đẳng nghề công nghệ Dung Quất, Quảng Ngãi từ chỗ yếu kém, sau khi lãnh đạo Bộ đi “thị sát”, đã kiên quyết giao tự chủ và vươn lên như một điểm sáng.
Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Tây cho biết, hiện trường có 638 học sinh, sinh viên trên tổng số 1 nghìn cán bộ lọc dầu. “Hiện DN đang song hành với nhà trường, hỗ trợ máy móc vận hành. Rồi thúc đẩy các quan hệ quốc tế, thực hiện hợp tác song phương như với Thái Lan, hỗ trợ đào tạo chất lượng cao… 100% học sinh ra trường cam kết có việc tại DN. Tuy nhiên tuyển sinh khó khăn, phải cạnh tranh các trường học lớn xung quanh tỉnh”, ông Hồng Tây nói.
Vấn đề liên kết với DN làm cho "đậm đà" lên
Đồng tình với những điểm được nêu trong báo cáo cũng như các ý kiến đưa ra tại buổi làm việc, trong định hướng sắp xếp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cần đặt mục tiêu đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống GDNN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN; tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực.
Bên cạnh đó là tinh gọn đầu mối, theo hướng thành lập các trung tâm “2 trong 1”, “3 trong 1” nhằm giảm nhân lực, đồng thời nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội.
Đối với trường hợp thành lập mới, Phó Thủ tướng thẳng thắn, thứ nhất không tránh được chuyện sắp xếp, giải thể, sát nhập lại, nhưng có những trường hợp phải thành lập thêm. Nhưng muốn thành lập thêm mới phải tự chủ được luôn mới cho thành lập. Thứ hai, tăng tự chủ toàn diện, tự chủ tài chính theo nhiều mức độ. Thứ ba là vấn đề giá phí, vì tự chủ tài chính thì một trong những điều kiện quan trọng nhất là phải chuyển phí thành giá và phải có lộ trình tính đúng, tính đủ vào giá. “Tất nhiên thành lập mới hạn chế thôi. Bài toán là phải hiệu quả, tiết kiệm. Đừng để không giảm đi mà lại tăng lên”.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tập trung đẩy mạnh xã hội hóa GDNN. “Một mặt tăng cường tự chủ tài chính, huy động nguồn lực xã hội. Rồi vấn đề liên kết với doanh nghiệp làm cho đậm đà lên. Vai trò thị trường chính là ở đây”.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, sẽ chỉ đạo tất cả các đơn vị của Bộ rà soát lại chính mình, Bộ sẽ dành một thời gian thỏa đáng để xem xét các cơ sở công lập. Bộ trưởng cũng cho biết sẽ hoàn thiện báo cáo, ở 4 lĩnh vực.
Đặc biệt, riêng hệ thống GDNN, Bộ vừa được chuyển giao quản lý nhà nước về GDNN từ đầu năm nay, vì thế với quãng thời gian ngắn, Bộ đã cố gắng hết mức tối đa trong xây dựng các thể chế, như: Ban hành 37 văn bản hướng dẫn thi hành Luật GDNN, trong đó có 4 Nghị định của Chính phủ, 8 Quyết định của Thủ Tướng; Bên cạnh 4 thông tư liên tịch đang tiếp tục phát huy hiệu quả, thì thời gian qua Bộ trưởng ký 21 thông tư của Bộ về thực thi GDNN.
Có những tháng Bộ trưởng ký đến 8 thông tư, vì sức ép buộc phải tiến hành theo quy định. Chưa hết, Bộ còn chính thức cắt bỏ 31 thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực này. “Quyết liệt lắm. Mà “anh nào” cũng muốn giữ lại thủ tục đó”, Bộ trưởng nói.
Toàn cảnh buổi làm việc
Cùng với đó, Bộ trưởng cho biết thêm, đến nay đang quyết liệt xây dựng đề án đổi mới nâng cao chất lượng GDNN và đang phấn đấu tháng 9 trình Chính phủ. Trên cơ sở đó, Bộ đang xây dựng nghị định tự chủ GDNN.
“Xây dựng rồi, lấy ý kiến rồi nhưng còn đang tranh cãi. Ví dụ lĩnh vực nào tự chủ; đơn vị nào, khu vực nào tự chủ, chứ không đánh đồng tất cả. Trước mắt Bộ LĐ-TB&XH cùng với Bộ tài chính đang thống nhất nguyên tắc, từ nay đến 2020 giữ nguyên mức Nhà nước đầu tư. Như vậy bình thường 1 năm, theo cách này đã giảm được 7% . Cũng đến năm 2020, sẽ phân ra, khu vực nào tự chủ 100%, khu vực nào tự chủ 1 phần…”, Theo phân loại như vậy, hiện Bộ đang nghiên cứu thêm, xác định lộ trình, bước đi cụ thể để trình Chính phủ.
Và cuối cùng, Bộ trưởng khẳng định, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc là cơ hội để hoàn thiện. “Đây cũng là cách chúng tôi đổi mới chính mình”!
Về cơ chế quản lý chủ quản, theo Phó Thủ tướng, khi cơ sở giáo dục nghề nghiệp nằm ở địa phương, địa phương là chủ quản và quản lý hành chính. Đơn vị sự nghiệp công chuyển từ bộ, ngành về địa phương đến một lúc nào đó, bộ, ngành không chủ quản nữa, địa phương vừa chủ quản, vừa quản lý hành chính. Chuyển cho địa phương cơ cấu lại chủ quản chứ không phải xóa bỏ chủ quản. Phó Thủ tướng đặt ra yêu cầu một mặt tăng cường tự chủ tài chính đối với các cơ sở GDNN, một mặt tăng cường huy động nguồn lực xã hội, tăng cường liên kết DN, thể chế chính sách phải rành mạch công – tư, từ đó làm rõ cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ. Làm rõ mạng lưới, chủ quản và tự chủ của cơ sở GDNN. Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, đến nay mạng lưới cơ sở GDNN phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động. Hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc TW đã có trường CĐ, TC; đã quy hoạch mạng lưới 45 trường nghề chất lượng cao và 26 nghề cấp độ quốc tế, 34 nghề cấp độ khu vực ASEAN và 100 nghề cấp độ quốc gia; hình thành và phát triển được một số trường nghề đặc thù để đào tạo cho người khuyết tật, người DTTS và trường đào tạo các ngành y tế, ngành năng khiếu văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao... Đã thiết lập các quy định pháp lý để huy động nguồn lực cho GDNN. Nguồn lực giai đoạn vừa qua đã bước đầu phát triển theo hướng xã hội hóa (NSNN chiếm 60%; Học phí chiếm 18%; Thu từ dịch vụ sự nghiệp chiếm 14%; Đầu tư, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chiếm 8%). |