THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:08

Tinh giản biên chế: “Quyền sinh, quyền sát” trong tay người đứng đầu?

 

Ảnh minh họa.

Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Đây là căn cứ thuận lợi, thể hiện sự quyết tâm của Đảng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

Đây cũng không phải là lần đầu tiên vấn đề tinh giản biên chế được đặt ra, nên nhiều người không khỏi lo lắng rằng liệu lần này, quyết tâm của Đảng có được các cấp, các ngành triển khai thực hiện một cách triệt để.

"Quyền sinh, quyền sát" trong tay người đứng đầu?

Cô giáo Ngô Thị Thu, giáo viên một trường PTCS ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa cho rằng, chị cũng như nhiều đồng nghiệp khá quan tâm đến Nghị quyết 39, vì nó liên quan trực tiếp đến công việc của cán bộ, công chức như chị. Việc Nghị quyết xác định 2 khâu quan trọng là tinh giản biên chế và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ là rất đúng đắn, nếu thực hiện tốt sẽ tạo sự đột phá trong công tác cán bộ.

Chị Thu cho rằng, Nghị quyết ban hành cũng là một lời động viên, khuyến khích những cán bộ, viên chức tích cực với công việc, đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh với những ai còn có tư tưởng “đến cơ quan cho đủ 8 tiếng” mà không quan tâm đến chất lượng công việc.

Theo chị Thu, đối với những người làm công tác giáo dục, rất dễ có “thước đo” để đánh giá công việc. Đó là đánh giá qua chất lượng giảng dạy, tư cách đạo đức của giáo viên và có một kênh đánh giá khác nữa là qua chính sự đánh giá của các em. “Nhiều nơi, nhiều thầy cô còn e ngại việc học sinh đánh giá giáo viên, nhưng tôi cho rằng đây cũng là một kênh tốt để nhà trường và các thầy cô tham khảo để từ đó nâng cao công tác giảng dạy của mình. Có nhiều kênh đánh giá, công tác xếp loại cán bộ, viên chức sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”.

Chị Phạm Thanh Hà, cán bộ Ngân hàng tại Hà Nội thì cho rằng, đây là một việc cần làm ngay để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, để làm được việc này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trước hết, là nhận thức của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ. Người đứng đầu các cơ quan phải thực sự công tâm, có trách nhiệm trong việc đánh giá cán bộ. “Việc tinh giản phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Họ là người “cầm cân, nảy mực”, nếu họ làm việc không công tâm, thì rất có thể những người làm được việc lại thuộc diện bị tinh giản biên chế và những người “hợp cánh” thì lại được giữ lại”- chị Hà chia sẻ.

Tiến sĩ Trần Văn Miều, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục, Môi trường và Phát triển cũng cho rằng, trong tinh giản biên chế, cần xác rõ định quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, ai không thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại cán bộ thì cho nghỉ để người khác làm. Chỉ tiêu giảm biên chế cũng cần được đưa vào phương hướng, nhiệm vụ của các cấp ủy đảng trong nhiệm kỳ tới.

Cần có chính sách hỗ trợ người thuộc diện “giảm biên chế”

Nhiều người cũng băn khoăn việc 10% số cán bộ, viên chức bị tinh giản sẽ như thế nào. Chị Thu cho rằng, đây là vấn đề không chỉ liên quan đến đời sống của một con người mà của cả gia đình họ. Ngoài việc cần đánh giá chính xác chất lượng công việc để khỏi tinh giản “nhầm” cần phải tính cả đến việc làm thế nào để những người khi bị tinh giản, họ và gia đình không bị đẩy đến bước đường cùng. “Nhiều người đi làm là để nuôi cả gia đình, nên nếu họ bị mất việc, không những bản thân họ bị ảnh hưởng, mà gia đình, con cái họ sẽ bị ảnh hưởng theo. Vì thế cần có chế độ, chính sách đối với những người thuộc diện tinh giản, để cuộc sống của họ được đảm bảo ở mức có thể”.

Cũng như chị Thu, chị Hà cũng rất băn khoăn về tiêu chí và phương pháp đánh giá cán bộ như thế nào để tinh giản biên chế một cách hiệu quả, tránh được sự không công bằng giữa các cơ quan, các địa phương, đơn vị. Giảm 10% số cán bộ, công chức, viên chức trong cả nước từ nay đến 2021 là giảm như thế nào? Tùy vào từng nơi, từng công việc sẽ phân bổ việc giảm cán bộ ra sao?

“Không thể bình quân nơi nào cũng như nơi nào vì có nơi cán bộ yếu kém nhiều, có nơi ít. Nhưng không có một phương pháp đánh giá chung thì cũng khó để đánh giá cán bộ, viên chức một cách chính xác. Bấy lâu nay chúng ta vẫn đánh giá cán bộ hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ vào dịp cuối năm, nhưng thực tế nhiều nơi làm rất hình thức, làm cho có nên nếu dựa vào đó để tinh giản thì rất nguy hiểm”- chị Hà trăn trở.

Để hạn chế việc có thể có “vùng cấm”, tiêu cực kể cả tham nhũng hoặc có việc đánh giá cán bộ thiếu khách quan, có thể có chuyện ép con số để hoàn thành chỉ tiêu, Tiến sĩ Trần Văn Miều, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục, Môi trường và Phát triển đề xuất, trong tinh giản biên chế, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận.

Cùng với đó, cần nghiên cứu ban hành bộ tiêu chí tuyển chọn, đánh giá từng chức danh của cán bộ, công chức, viên chức. Bộ tiêu chí này phải được cụ thể, tránh chung chung, hình thức như: Trung thành với lợi ích chung, hoàn thành công tác chuyên môn, có đạo đức và lối sống trong sáng…. Nếu không có bộ tiêu chí gồm các tiêu chuẩn cụ thể sẽ không thể đánh giá được cán bộ. Và như thế sẽ không xác định được người cần giảm.

“Nhà nước, các đoàn thể nhân dân cấp Trung ương cần thể chế hóa và cụ thể hóa thành bộ tiêu chí để đánh giá cán bộ và đi đến giảm biên chế. Có được bộ tiêu chí thì từng cán bộ soi vào đó để thấy năng lực và phẩm chất của mình, đồng thời các cơ quan, đơn vị có căn cứ xác định cán bộ cần giảm. Bộ tiêu chí sẽ là công cụ khách quan chống lại “vùng cấm” và những tiêu cực xảy ra trong quá trình thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị”- TS Miều nói.

theo vov.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh