Tỉnh đầu tiên công bố hết dịch tả lợn châu Phi
- Y học 360
- 23:09 - 09/04/2019
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nêu rõ, theo quy định sau 30 ngày, kể từ khi tiêu hủy động vật cuối cùng mắc bệnh và không phát hiện thêm dịch bệnh, thì đủ điều kiện để công bố hết dịch.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị.
Tỉnh Hòa Bình đến thời điểm này, qua kiểm tra, theo dõi đã đủ điều kiện hoàn tất để công bố hết dịch tả lợn châu Phi.
Dịch tả lợn châu Phi nhanh chóng được khống chế là sự chỉ đạo kịp thời từ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các bộ, ngành liên quan khác.
"Ngay khi sớm phát hiện dịch bệnh, các cơ quan chức năng đã khẩn trương triển khai xử lý ngay, xử lý triệt để, xử lý đồng bộ theo những hướng dẫn và sự chỉ đạo từ các văn bản, đặc biệt là Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác, tổ chức tốt các chốt phòng dịch. Đây là bài học tiêu biểu điển hình cần được nhân rộng trong ứng phó, dập dịch tả lợn châu Phi, cũng như các dịch bệnh khác," Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Không chủ quan với dịch tả lợn châu Phi có thể tái phát, Trưởng phòng chăn nuôi, Chi cục Thú y tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình vẫn tiếp tục duy trì và chủ động phòng chống dịch bệnh.
Khi chính quyền địa phương phát hiện có hiện tượng lợn ốm, chết đột xuất, khả nghi có dịch bệnh tả lợn châu Phi thì phải báo cáo ngay Chi cục Thú y tỉnh Hòa Bình để lấy mẫu xét nghiệm, sớm xử lý triệt để nếu như có ổ dịch phát sinh.
Trước đó, ngày 6/3/2019, Ủy ban Nhân dân huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đã công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên địa bàn tại xã Hợp Thanh, sau đó là xã Thanh Lương.
Ngay khi phát hiện ổ dịch, các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình đã khẩn trương tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn lợn tại các hộ có lợn ốm, chết ở 2 xã trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng quy định tiêu hủy.
Tỉnh đã tổ chức khoanh vùng dịch, vùng có nguy cơ lây bệnh, đồng thời kiểm tra chặt chẽ, không để người dân vận chuyện lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch; dừng phương tiện giao thông thực hiện việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc các phương tiện đi từ vùng dịch ra ngoài; tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ lợn, tiêu thụ lợn, sản phẩm thịt lợn dưới sự giám sát của chính quyền địa phương...
Dự kiến, ngày 10/4, tỉnh Bắc Kạn sẽ là tỉnh thứ hai công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.