Tin vui: 3 bệnh viện lớn phía Bắc sẽ xây dựng môi trường bệnh viện an toàn, thân thiện với cộng đồng LGBT
- Bác sĩ
- 21:57 - 08/07/2020
"Với đặc thù chuyên môn là chăm sóc và điều trị các bệnh về da, thẩm mỹ da và điều trị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, Bệnh viện Da Liễu TP HCM gặp rất nhiều bệnh nhân là người chuyển giới và đồng tính. Ban giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP HCM luôn luôn chủ trương thân thiện và chăm sóc bình đẳng với các bạn trong cộng đồng LGBT, chủ trương này được dặn dò từ các cuộc họp giao ban của bệnh viện, đặc biệt đến các khoa có nhiều bệnh nhân là người LGBT.
Bệnh viện cũng liên tục đào tạo chuyên sâu, tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học về chăm sóc y tế cho cộng đồng LGBT, ngoài tự tìm hiểu tài liệu từ nước ngoài thì tự tổ chức các khóa học để chia sẻ lẫn nhau" - TS. BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP HCM mở đầu trong cuộc gặp gỡ chia sẻ thứ hai giữa nhân viên y tế bệnh viện và cộng đồng LGBT vào chiều 3/7/2020 tại bệnh viện.
Đây là buổi chia sẻ thứ hai trong chương trình đồng hành xây dựng Bệnh viện thân thiện của Afamily.vn với Bệnh viện Da Liễu TP HCM.
Nhân viên y tế chưa được đào tạo cả về chuyên môn lẫn giao tiếp với cộng đồng LGBT
Khó khăn của các nhân viên y tế là pháp luật chưa cho phép các dịch vụ y tế chuyên khoa dành cho người chuyển giới vốn cần được chăm sóc sức khỏe chuyên biệt. Cả kỹ năng giao tiếp với người LGBT cũng chưa được đào tạo nên có thể có thái độ lạ lẫm dò xét cũng gây sự khó chịu và tổn thương cho các bạn.
Tất cả các nhân viên y tế đều chưa được đào tạo bài bản, vì vậy chưa có ứng xử phù hợp. Cần phải cải thiện tình trạng này để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và chăm sóc chuyên biệt của cộng đồng LGBT, xây dựng bệnh viện thành môi trường an toàn và thân thiết với cộng đồng cũng như với tất cả các nhóm thiểu số khác - BS Hào nói tiếp.
Không phải chỉ đến từ các bác sĩ hay điều dưỡng mà thái độ thiếu tôn trọng, tò mò và thiếu hiểu biết của bất cứ nhân viên nào trong bệnh viện đều có thể gây những tổn thương cho người LGBT khi chọn đến đây để chăm sóc sức khỏe.
Đại diện tổ chức ICS, tổ chức vận động quyền cho LGBT, cũng đồng thời thay mặt những người thuộc nhóm Nữ yêu nữ, Ngô Lê Phương Linh (giám đốc ICS) kể một trải nghiệm của chính cô: Cách đây ít lâu, Linh và bạn gái đi làm răng ở một phòng mạch. Lúc đang làm thủ thuật thì Linh nghe hai nha sĩ nói chuyện với nhau rất vô tư: "Gay (đồng tính nam) còn được chứ les (lesbian-đồng tính nữ) thấy ghê lắm".
"Tôi đang bị tiêm thuốc vào lợi cứng đơ miệng nên không thể nói một câu nào cho các nha sĩ đó biết tôi chính là đối tượng mà các bạn ấy đang nói đến. Việc bàn bạc ý kiến cá nhân ngay trước mặt bệnh nhân đã là không được phép, mà các bạn ấy còn kỳ thị công khai người LGBT như vậy nữa. Tôi quyết định sẽ không bao giờ trở lại phòng khám đó nữa" - Linh kể.
Trương Như Ngọc (cán bộ ICS-TP HCM) kể một chuyện khác khi cô đưa người bạn là đồng tính nữ có ngoại hình giống nam giới đi khám bệnh:
"Tự dưng nghe trong bệnh viện người này người kia nói ê ê coi vậy mà là con gái đó. Thế rồi họ chạy đi coi. Bệnh nhân nằm trong phòng mà hết người này đến người kia tới đứng trước cửa phòng chỉ trỏ.
Mai Như Thiên Ân (TP HCM), người sáng lập và điều hành tổ chức của những người chuyển giới nam FTM (Fermale to Male), đã có 5.000 thành viên, cho biết trải nghiệm của một bạn trong nhóm vừa trải qua ngay tại Bệnh viện Da Liễu hai tháng trước: "Giấy tờ ghi rõ rồi mà bác sĩ cứ hỏi đi hỏi lại là trai hay gái. Rồi còn nói trời cho sao thì để vậy đi, chỗ nào bấm lỗ được thì bấm".
Ở góc độ người chuyển giới nữ, Nguyễn Huỳnh Tố An (thường gọi là Jessica hay Cà) kể, có lần bạn của cô - cũng là người chuyển giới nữ, bị chảy máu rất nhiều sau phẫu thuật nên gia đình đưa đi cấp cứu. Nhưng đưa đến bệnh viện X thì bác sĩ ở đó từ chối, nói ở đây không làm cho người chuyển giới. Có người mách đưa qua bệnh viện Chợ Rẫy nên gia đình lập tức đưa qua đó nhưng vì nhà rất xa và kẹt xe nên cả tiếng đồng hồ sau mới đến được bệnh viện Chợ Rẫy.
"Đưa tới nơi gặp được bác sĩ cấp cứu thì bác sĩ nói chỉ trễ 30 phút nữa là không cứu kịp - Tố An nói.
Việc bị người lạ xầm xì, nhìn ngó, thậm chí hỏi về những chi tiết riêng tư của người đồng tính - hay chuyển giới như quan hệ tình dục thế nào, tại sao không chọn cách dễ dàng hơn, thậm chí nhiếc móc bệnh nhân như tại sao lại chuyển giới hay tại sao quan hệ tình dục theo cách khác biệt với số đông, hoặc trêu chọc, chế giễu về bề ngoài, cố tình gọi danh xưng "anh, chú" với người chuyển giới nữ, hay gọi "cô gái, em gái, chị" với người chuyển giới nam, thậm chí khuyên bảo "nên sống trai ra trai, gái ra gái, đừng đua đòi"… đều là những rào cản khiến người LGBT bị tổn thương, căng thẳng tinh thần, ghét, sợ môi trường y tế công lập.
Kết quả là các anh chị, các bạn bảo nhau không bao giờ đến các cơ sở y tế đó nữa.
Theo nghiên cứu của tổ chức CARMAH năm 2015 tại Việt Nam, 47,5 % người chuyển giới tham gia nghiên cứu cho biết họ nhiều lần bị chọc ghẹo vì bản dạng giới của mình. 40% số này từng bị từ chối nhận vào làm việc.
Quyền lợi nào cho nhóm dân số "tàng hình" lên đến nửa triệu người?
Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ, người gắn bó chặt chẽ với cộng đồng LGBT nhiều năm, được gọi là một trong những người anh cả của cộng đồng LGBT cho biết:
"Cho đến nay, ở Việt Nam các dịch vụ y tế chuyên biệt cho người chuyển giới, cả về phương diện phẫu thuật, liệu pháp hormone lẫn các can thiệp về tâm lý - xã hội vẫn còn rất hạn chế, thậm chí không thể tiếp cận được, trong khi nhóm này lại rất cần những can thiệp ấy.
Các văn bản pháp quy lẫn các hướng dẫn chính thức về phương diện này là hoàn toàn chưa có. Nói nôm na, nhóm dân số này hiện vẫn là "tàng hình" đối với ngành y nước ta".
"Trong vài năm gần đây, có một số bệnh viện đã thí điểm can thiệp hormone cho người chuyển giới, đạt hiệu quả rất cao, đạt được kỳ vọng của cộng đồng. Ý kiến cá nhân tôi và cũng là ý kiến mà nhiều người đồng nghiệp của tôi đồng tình rằng ngành y tế Việt Nam hoàn toàn có thể và đủ sức cung cấp trọn vẹn các can thiệp y tế cho người chuyển giới.
Các can thiệp hormone cho các trường hợp thiểu năng tính dục hay can thiệp phẫu thuật xác định lại giới tính đã được tiến hành bấy lâu nay và cho thấy không hề có hạn chế nào về mặt y khoa. Vậy thì không lý gì can thiệp cho người chuyển giới lại không có".
Bộ Luật Dân sự 2015 đã quy định quyền chuyển đổi giới tính, tuy nhiên 5 năm qua điều luật này vẫn nằm nguyên trên giấy do chưa có luật hướng dẫn.
Bất chấp điều đó, mỗi năm hàng ngàn người trong nửa triệu người Việt Nam tự nhận là bản dạng giới của mình không trùng với giới tính sinh học bẩm sinh (theo số liệu của Viện iSEE) vẫn làm mọi cách để sống đúng với bản dạng giới của mình.
Nhưng do vẫn chưa được luật pháp bảo vệ nên người chuyển giới gặp vô số rủi ro khi dùng hormone trôi nổi, không được tư vấn đúng đắn trước khi dùng hormone hay phẫu thuật, phẫu thuật chui, thậm chí tiêm silicon lỏng vào cơ thể để có hình dạng cơ thể mong muốn…
Bên cạnh đó, do không được thay đổi tên họ và giới tính trong giấy tờ nhân thân phù hợp với bản dạng giới mong muốn nên những người chuyển giới đã can thiệp y tế (dùng hormone hoặc phẫu thuật khiến ngoại hình thay đổi thành nam giới hoặc nữ giới như mong muốn) thường gặp kỳ thị khiến họ khó tìm được việc làm.
Việc cha mẹ không hiểu biết, bắt con đi "chữa đồng tính" hoặc dọa đuổi ra khỏi nhà "nếu không chịu đúng sống đúng giới tính" đã đẩy không ít người chuyển giới vị thành niên ra khỏi trường học và gia đình để tự mưu sinh khi còn quá nhỏ.
Ngay ở trường học, hiện tại vẫn không ít giáo viên kỳ thị người chuyển giới và người LGBT nói chung.
Ví dụ mới nhất là ngay khi tại bệnh viện Da Liễu TP HCM các bác sĩ đang tìm hiểu để thực hiện môi trường bệnh viện thân thiện cho cộng đồng LGBT thì ở một trường cấp 3 TP.HCM, một học sinh đã bị cô giáo bắt đứng cách xa 2m khi nói chuyện với cô và bị răn đe "sống đúng với giới tính của mình đi". Lý do chỉ vì em này (có giới tính sinh học là nam) cài hai bông hoa lên đầu để đùa nghịch trong giờ trống tiết.
Tuy nhiên, với việc Bộ Luật đã có quy định, với sự hiện diện ngày càng nhiều và những đòi hỏi quyền lợi chính đáng của cộng đồng LGBT trên mọi mặt đời sống, và là xu thế của một xã hội nhân văn, chắc chắn Luật chuyển đổi giới tính và những luật liên quan đến nó sẽ được thông qua trong thời gian tới.
Chính vì thế, việc các cơ sở y tế tiên phong thiết lập môi trường bệnh viện an toàn và thân thiện với cộng đồng LGBT đã tạo nên niềm vui và động viên lớn đến cộng đồng LGBT. Một tin vui hơn nữa dành cho cộng đồng LGBTphía Bắc là nối tiếp Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, đã có một số bệnh viện lớn phía Bắc mong muốn thực hiện các cuộc chia sẻ nhằm nâng cao nhận thức và xây dựng môi trường bệnh viện an toàn, thân thiện với cộng đồng LGBT.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với các bệnh viện này và hy vọng được sớm thông báo tin vui đến cộng đồng.