THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:47

Tìm ra kháng thể ngăn chặn nguy cơ nhiễm Covid-19

Các nhà khoa học tại Thụy Sỹ và Mỹ đã tách được kháng thể từ cơ thể của bệnh nhân được điều trị thành công khỏi dịch SARS vào năm 2003.

Sau đó, họ tiến hành thử nghiệm 25 mẫu kháng thể khác nhau để đánh giá khả năng ngăn chặn các tế bào không bị nhiễm Covid-19. Các mẫu kháng thể này nhằm vào các protein gai của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19

Tìm ra kháng thể ngăn chặn được nguy cơ nhiễm COVID-19 - Ảnh 1.

Tìm ra kháng thể ngăn chặn được nguy cơ nhiễm Covid-19.

Sau quá trình thực nghiệm, các nhà nghiên cứu đã xác định được kháng thể S309 có khả năng đặc biệt mạnh chống lại Covid-19. Bằng cách kết hợp S309 với các kháng thể ít "năng lực" hơn, các kháng thể này có thể tấn công vào các vị trí khác nhau của protein gai và làm giảm khả năng biến chủng của loại protein này. 

Theo giải thích của các nhà nghiên cứu, sở dĩ quá trình thực nghiệm có thể đạt được kết quả này là do Covid-19 và SARS đều cùng do virus Corona có cấu trúc tương tự nhau gây ra. Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện này giúp mở ra cách thức sử dụng các hỗn hợp kháng thể chứa S309 để phòng ngừa cho các đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm cao hoặc là một phương pháp điều trị sau khi phơi nhiễm.

Trong một diễn biến liên quan, công ty phát triển vaccine Moderna của Mỹ cho biết, những người tình nguyện đầu tiên được tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 đã xuất hiện kháng thể giúp vô hiệu hóa SARS-CoV-2 ở mức độ tương đương hoặc hơn những người bình phục tự nhiên sau khi nhiễm virus.

Công ty Moderna có trụ sở tại bang Massachusetts, Mỹ, là 1 trong 8 đơn vị phát triển vaccine trên thế giới đang tiến hành thử nghiệm vaccine phòng SARS-CoV-2 trên người. 2 đơn vị khác cũng ở Mỹ, trong khi 1 ở Anh và 4 ở Trung Quốc.

Theo CNN, Moderma đã tiêm vaccine thử nghiệm cho hàng chục tình nguyện viên và đo lường kháng thể ở 8 người. Kết quả cho thấy, cả 8 tình nguyện viên này đều có kháng thể giúp vô hiệu hóa virus ở mức độ tương đương hoặc hơn những người đã hồi phục tự nhiên sau khi mắc Covid-19.

TS Paul Offit, thành viên của Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ cho biết, kháng thể không chỉ liên kết với virus mà còn ngăn chặn virus xâm nhập vào các tế bào.

Còn Giám đốc Y tế của Moderna Tal Zaks khẳng định: "Chúng tôi đã chứng minh được các kháng thể này có thể ngăn chặn virus. Đây là bước đầu tiên quan trọng trong hướng tới việc sản xuất vaccine".

Tuy nhiên, đây mới là kết quả thu được từ phòng thí nghiệm và mới ở ở giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng vaccine trên người.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã cho phép công ty Moderna bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 2 với số tình nguyện viên khoảng vài trăm người. Ngoài ra, Moderna đã lên kế hoạch thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở quy mô lớn, dự kiến diễn ra vào tháng 7. Số người tham gia tiêm thử nghiệm có thể lên tới hàng chục nghìn người.

Theo CNN, nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, vaccine này có thể được đưa vào sử dụng sớm nhất là vào tháng 1/2021.

Bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng vẫn có khả năng phát tán virus

Trong một nghiên cứu mới công bố ngày 18/5, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết, bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng vẫn có thể phát tán virus rộng rãi ra môi trường chỉ trong khoảng thời gian tương đối ngắn.

Tìm ra kháng thể ngăn chặn được nguy cơ nhiễm COVID-19 - Ảnh 2.

Bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng vẫn có khả năng phát tán virus.

Nghiên cứu này được các nhà khoa học Trung Quốc tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh thuộc thành phố Thanh Đảo và tỉnh Sơn Đông, Trung tâm Nghiên cứu y tế toàn cầu thuộc Đại học Duke Côn Sơn và Viện Vi trùng và dịch tễ Bắc Kinh thực hiện.

Cụ thể, các nhà khoa học đã kiểm tra 2 căn phòng khách sạn nơi 2 du học sinh nước này lưu trú sau khi về nước vào ngày 19 và 20/3.

Vào thời điểm đó, cả 2 đều không có dấu hiệu mắc bệnh và được đưa đến khách sạn để cách ly 14 ngày.

Đến buổi sáng ngày thứ 2, cả 2 vẫn không xuất hiện triệu chứng, song lại có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và được nhập viện sau đó.

3 tiếng sau khi xét nghiệm, các nhà nghiên cứu bắt đầu lấy mẫu nhiều bề mặt khác nhau trong 2 căn phòng, gồm: Tay nắm cửa, công tắc điện, tay cầm vòi sen, nhiệt kế, điều khiển TV, vỏ gối, vỏ chăn, khăn tắm, ga trải giường, bệ và nút xả toilet.

Trong số 22 mẫu thử có 8 mẫu dương tính, trong đó 6 mẫu được lấy từ căn phòng của bệnh nhân thứ nhất khi virus hiện diện trên công tắc điện, tay nắm cửa phòng tắm, ga trải giường, vỏ chăn, vỏ gối và khăn tắm.

Trong khi đó, trong căn phòng của bệnh nhân thứ 2, các mẫu xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 được phát hiện trên vòi hoa sen và vỏ gối.

Các nhà nghiên cứu cho biết, kết quả này cho thấy người bệnh Covid-19 không triệu chứng vẫn có thể phát tán virus rộng rãi ra môi trường chỉ trong khoảng thời gian tương đối ngắn.

Đáng chú ý, thời gian tiếp xúc càng lâu thì lượng virus lưu lại càng lớn, chẳng hạn trường hợp vỏ gối và ga trải giường. Do đó, các nhà khoa học khuyến cáo phải có một quy trình xử lý thích hợp khi thay giặt chăn gối của bệnh nhân mắc Covid-19.

Trong rất nhiều bí ẩn chưa được khám phá xoay quanh chủng virus corona mới này, các nhà khoa học trên toàn thế giới vẫn đang tìm hiểu xem virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại bao lâu trên các bề mặt khác nhau.

Một số nghiên cứu cho thấy virus có thể tồn tại trong khoảng 3 giờ đồng hồ đến 7 ngày, tùy vào từng vật liệu.

HÒA THANH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh