THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:38

Tìm hướng lưu thông cho thực phẩm sạch

Thực phẩm hữu cơ quay về thị trường nội

Trước thực trạng sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng và hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tìm mua và ưu tiên sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo và có thương hiệu uy tín trên thị trường. Hiện nay, một số nhà đầu tư, các nông trường, HTX nông nghiệp đã tiên phong chuyển dịch dần phương thức canh tác truyền thống sang sản xuất xanh và sạch nhằm cung cấp cho thị trường các sản phẩm thực phẩm an toàn, phù hợp theo tiêu chuẩn quy định như VietGap, Global Gap, hoặc theo định hướng nông nghiệp tự nhiên không dùng thuốc. Trong đó, nông nghiệp hữu cơ được xem là một lĩnh vực mới nổi ở Việt Nam, hứa hẹn hiệu quả kinh doanh lớn hơn và cơ hội phát triển tốt.

Trước đây, các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để phục vụ xuất khẩu. Khi người tiêu dùng trong nước “hoang mang” trước thông tin thực phẩm không an toàn, các doanh nghiệp này bắt đầu quay lại phục vụ thị trường nội địa. Người tiêu dùng tại các thành phố lớn tìm đến những địa chỉ bán thực phẩm an toàn.

Bà Nguyễn Hạnh Uyên, Trưởng phòng quản lý bán hàng và tiếp thị của Cty TNHH Dược phẩm Fito Pharma, một trong những đơn vị tiên phong đi vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cho biết: “Cách đây 10 năm, Fito đã bắt đầu xuất khẩu sản phẩm của mình ra nước ngoài do các nước này rất quan tâm đến sản phẩm sạch. Hiện nay, thị trường Fito đang xuất khẩu là các nước châu Âu như Anh, Pháp, Thụy Điển, Hà Lan, Ba Lan và châu Mỹ như Mỹ, Canada, Nga. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là các lại trà hữu cơ, thực phẩm chức năng loại viên nang hữu cơ, mỹ phẩm (dầu gội, dầu xả, sữa tắm, vệ sinh phụ nữ…)... được chiết xuất từ lá trà xanh, trà đen, gừng, hoa lài, nha đam, atisô, quế, sả. Hai năm trở lại đây, khi nhu cầu người tiêu dùng tìm thực phẩm sạch tăng cao, Fito mới mạnh dạn đưa sản phẩm phục vụ thị trường nội địa một số sản phẩm trà hữu cơ và được người tiêu dùng đón nhận”.

Xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết

Mặc dù, ngày càng có nhiều người tìm đến những thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, so với nhu cầu chung của thị trường thì thực phẩm an toàn của các doanh nghiệp vẫn mới chỉ chiếm ty lệ nhỏ. Ông Đinh Xuân Thủy, chủ trang trại chăn nuôi Xuân Thủy, xã Hồng Quang (huyện Mỹ Hòa, Hà Nội) cho biết, HTX phân cho nuôi tổng cộng 50.000 con lợn theo công nghệ sinh học, nhưng cho tới nay, ông mới chỉ dám nuôi 1.000 con. Lý do vì lượng thu mua lợn sạch tại các lò mổ cũng như đơn vị phân phối còn thấp và chưa đáp ứng được lượng cung theo kế hoạch. Thực tế vẫn chưa dễ tìm đầu ra cho sản phẩm sạch, đặc biệt khi giá thành của sản phẩm loại này luôn cao hơn sản phẩm công nghiệp từ 2.000 - 4.000 đồng/kg. Chăn nuôi theo công nghệ sạch thì đủ điều kiện đáp ứng, nhưng khó là nuôi rồi bán cho ai? Không ít trang trại sản xuất ra an toàn, lợn sạch khi đến kỳ xuất bán đành chấp nhận bán “đổ đống” như các loại rau, lợn thông thường trên thị trường khiến người sản xuất mất lòng tin vào chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến thực phẩm an toàn.

Ông Nguyễn Đại Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty trang trại Bảo Châu cho hay, để tránh tình trạng sản xuất ra không biết bán cho ai, Cty phải chủ động xây dựng hệ thống phân phối của riêng mình để vừa đảm bảo kiểm soát chất lượng và giết mổ, vừa chủ động đầu ra cho sản phẩm. Có như vậy, thịt lợn của Bảo Châu mới giữ vững được thương hiệu và tạo uy tín trên thị trường.

Mặc dù người bán kêu khó, sản xuất thực phẩm sạch ra không biết bán cho ai, nhưng có rất nhiều người tiêu dùng muốn mua thực phẩm an toàn nhưng cũng không biết chỗ mua. Người tiêu dùng thường mua thực phẩm sạch theo hướng “ăn may” hoặc vào cửa hàng, siêu thị lớn sẽ yên tâm hơn hàng bán chợ. Còn rất khó để có thể nhận diện một cách chính xác đâu là thực phẩm an toàn, đâu là thực phẩm bẩn bởi có không ít vụ rau chợ được gắn mác rau an toàn tuồn vào siêu thị gây mất lòng tin người tiêu dùng. Trong khi thực phẩm an toàn lại được bán đắt hơn so với thực phẩm bán tại các chợ dân sinh nên người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua hàng tại các chợ...

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, Nhà nước cần có chính sách cụ thể về xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, những chính sách vay vốn ưu đãi, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển thực phẩm sạch. Để giải quyết vướng mắc cho khâu tiêu thụ thực phẩm theo công nghệ sạch, cần chú trọng tới khâu tuyên truyền và thay đổi nhận thức tiêu dùng sản phẩm của người dân, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết các sản phẩm sạch. Chỉ khi nào cung cầu về thực phẩm an toàn gặp nhau thì thực phẩm sạch mới tìm được đường lưu thông trên thị trường.

KHÁNH VÂN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh