THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:44

Tìm giải pháp cho các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công

 

Hội thảo do Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang chủ trì, với sự tham dự của khoảng 70 đại biểu là các học giả, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà quản lý đại diện của các cơ quan bộ, ngành có liên quan, đại diện các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ trong khu vực, của cộng đồng người dân tại Đồng bằng sông Cửu Long, đại diện các Ủy ban sông Mê Công quốc gia Lào và Campuchia và của Ủy hội sông Mê Công quốc tế.

 

Một đoạn của dòng sông Mê Công

 Báo cáo của Bộ TN-MT cho biết, đến nay 11 công trình thủy điện đã được đề xuất trên dòng chính sông Mê Công thuộc hạ lưu sông Mê Công của các quốc gia Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Các công trình này nằm trên lãnh thổ Thái Lan, Lào và Campuchia. Các đề xuất này đã làm dấy lên mối quan ngại trong lưu vực là có khả năng gây ra các tác động bất lợi đáng kể tới môi trường, kinh tế, xã hội tại các quốc gia ven sông, đặc biệt là tác động tới Châu thổ sông Mê Công của Campuchia và Việt Nam. Vì vậy, việc tiến hành các nghiên cứu sử dụng các nguồn thông tin số liệu hiện có và các bộ công cụ khoa học hiện đại để nâng cao hiểu biết về các tác động của các công trình dự kiến xây dựng trên dòng chính Mê Công lên môi trường tự nhiên và con người, kinh tế, xã hội và sinh kế của hàng chục triệu người dân sống trong Châu thổ Mê Công là rất cấp thiết.

 

Các đại biểu nghiêm túc bàn bạc tìm giải pháp 
 

Do vậy, Chính phủ Việt Nam đã đề xuất tiến hành Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công tới các hệ thống môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội trên các vùng thuộc Châu thổ sông Mê Công của Campuchia và Việt Nam, với sự cùng tham gia của Chính phủ các nước Lào và Campuchia. Việc tiến hành nghiên cứu sẽ giúp cho Việt Nam và các quốc gia trong lưu vực đạt được các mục tiêu hợp tác vùng, là phát triển bền vững và hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông.

 Nghiên cứu tiến hành đánh giá tác động của các công trình thủy điện dòng chính gây ra lên chế độ dòng chảy và chế độ lũ, phù sa bùn cát và dinh dưỡng, xâm nhập mặn, từ đó tác động đến 6 lĩnh vực có liên quan, là thủy sản, đa dạng sinh học, giao thông thủy, nông nghiệp, sinh kế và kinh tế. Các tác động cũng được xem xét và dự báo theo cách tiếp cận liên ngành và theo các cấp độ kinh tế vùng và quốc gia. Nghiên cứu cũng xem xét thêm các tác động tăng lên do các công trình thủy điện dòng nhánh và chuyển nước ra ngoài lưu vực.

 Tại Hội thảo, lãnh đạo Bộ TN-MT khẳng định: Phát triển thủy điện dòng chính ở hạ lưu sông Mê Công có thể gây ra các tổn thất lâu dài và không thể phục hồi được đối với vùng đồng bằng ngập lũ và môi trường thủy sinh, gây tác động tiêu cực tới các điều kiện sống của hàng triệu người dân trong vùng, từ đó tạo ra các gánh nặng lên các nền kinh tế địa phương và khu vực. Châu thổ sông Mê Kông là hệ di sản thiên nhiên độc đáo mang tầm quốc gia và quốc tế, bậc thang thủy điện dòng chính sẽ làm thay đổi hoàn toàn và vĩnh viễn hệ di sản này, dẫn tới tình trạng suy thoái tất cả các giá trị hiện có của Châu thổ.

Ngọc Thiện/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh