THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:45

Tiểu thương chợ Tân Bình không đồng tình chủ trương xây chợ mới

Cũng như những lần trước, lần này lý do được các tiểu thương đưa ra là thiết kế mới không hợp lý và lo ngại bị ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của họ - vốn đã ổn định từ suốt nhiều năm qua, dù rằng có đề xuất sẽ ưu tiến bố trí họ được kinh doanh tại tầng trệt.

Chợ Tân Bình là chợ sỉ lớn nhất nhì TP.HCM, với hàng trăm tiểu thương buôn bán mặt hàng chính là vải và quần áo

Các tiểu thương ở đây cho hay lâu nay họ đang mua bán ổn định và tái khẳng định không ủng hộ dự án xây mới chợ dù được ưu tiên bố trí tại tầng trệt như đề xuất mới.

“Đã kinh doanh buôn bán ở đây ngót 20 năm, nhiều khách hàng quan thuộc, quá ổn định rồi. Bây giờ xây mới, dịch chuyển chỗ sạp thì khó mà buôn bán được. Khách hàng đến đây hỏi tôi không thấy thì họ sẽ mua hàng khác”, một chủ sạp bán quần áo ở đây cho biết.

Ngay cả với ý định “ưu tiên” bố trí những tiểu thương đã làm ăn ở đây nhiều năm được sở hữu những sạp hàng ở tầng trệt, thì hầu hết các ý kiến cũng không đồng tình. Bởi, “mình đang là chủ sạp, giờ lại phải bỏ thêm khoản tiền lớn ra thuê, mua lại trong mấy chục năm nữa, khả năng tài chính chịu không nổi. Đó là chưa nói tới chuyện mọi thứ sẽ xáo trộn lên hết, làm ăn buôn bán sẽ khó khăn hơn” – như lời chị Vân, chủ một sạp quần áo đã nhiều năm kinh doanh tại chợ.

Cũng theo một số tiểu thương, mặc dù biết là chợ hiện đã cũ, xuống cấp, cần sửa chữa lại, nhưng “chỉ nên dừng ở việc sửa chữa, bảo trì, nâng cấp, chứ xây mới hoàn toàn thì chúng tôi không đồng tình”, bà Thanh Ngân, chủ sạp quần áo bày tỏ.

Năm 2014, nhiều tiểu thương đã bày tỏ thái độ không đồng tình với chủ trương xây chợ mới và trung tâm thương mại ở đây

Trước đó, vào năm 2014, quận có chủ trương kêu gọi đầu tư để xây mới chợ Tân Bình dưới hình thức một chợ truyền thống 6 tầng và 3 tầng hầm cùng trung tâm thương mại 17 tầng. Toàn bộ vốn cho 2 công trình này lên đến hơn 4.800 tỉ đồng. Trong đó, vốn xây dựng chợ mới là 2.879 tỉ đồng, số còn lại là dành cho trung tâm thương mại. Hai nguồn vốn này đều được huy động từ chủ đầu tư và đóng góp của tiểu thương, không dùng vốn ngân sách. Khi chợ mới hoàn thành, các tiểu thương sẽ được bố trí thuê lại mặt bằng với giá từ 360.000 đến 400.000 đồng/m2, thời hạn thuê là 30 năm.

Nắm đượic thông tin này, các tiểu thương và nhà cung cấp, phân phối hàng hóa cho chợ đã bày tỏ thái độ phản đối. Thậm chí, để đảm bảo tình hình an ninh trật tự, công an, CSGT và các lực lượng chức năng khác được điều đến để bảo đảm an toàn cho người dân. Sau đó, quận buộc phải dừng chủ trương nói trên.

Mọi chuyện tưởng đã trở nên “yên ắng” thì vào ngày 6/8 vừa qua, UBND TP.HCM và UBND quận Tân Bình có cuộc họp bàn tìm “lối ra” cho dự án xây mới chợ Tân Bình. Nghe được thông tin này, các tiểu thương lại một lần nữa bày tỏ ý kiến không đồng tình.

Cảnh mua bán tấp nập bên trong chợ Tân Bình

Hiện thời, không khí mua bán ở chợ Tân Bình – chợ sỉ lớn nhất nhì TP.HCM vẫn diễn ra bình thường. Trao đổi với báo chí, lãnh đạo quận cho hay tại cuộc họp vừa qua, UBND TP có đề nghị quận nghiên cứu phương án và tổ chức kêu gọi đầu tư dự án sao cho đảm bảo hài hòa lợi ích nhà đầu tư và nguyện vọng các tiểu thương. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa có chủ trương gì mới, từ lúc dự án xây mới chợ Tân Bình bị ngừng từ năm 2014 đến nay vẫn chưa có điều chỉnh hay kế hoạch nào liên quan đến dự án này.

Được biết, vào năm 2014, chánh Văn phòng UBND TP lúc bấy giờ là ông Võ Văn Luận, với tư cách cá nhân, đã góp ý rằng thiết kế có vẻ chưa hợp lý. “Đã là chợ truyền thống thì không nên có đến 6-7 tầng vì tiểu thương sẽ khó buôn bán. Theo ông, chợ truyền thống không nên xây cao mà chỉ tối đa hai tầng. Ông cho biết TP đồng ý chủ trương tạm ngưng triển khai dự án, còn ngưng đến khi nào thì do quận quyết định”.

Khi ấy, phía UBND quận Tân Bình cũng hứa sau khi nghiên cứu phương án đầu tư xong theo ý kiến đóng góp của bà con tiểu thương, UBND quận sẽ tổ chức công khai để bà con xem xét, góp ý và hoàn chỉnh dự án để báo cáo UBND thành phố xem xét và có chỉ đạo thực hiện.

VIỆT HÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh