Tiêu thụ vải thiều: Cần hỗ trợ, xin đừng "giải cứu"
- Y học 360
- 16:18 - 05/06/2021
Những này qua trên một số diễn đàn, trang mạng xuất hiện một số hình ảnh xe ô tô và điểm bán nông sản ghi dòng chữ "giải cứu" vải thiều Lục Ngạn với giá rất thấp. Thế nhưng theo như người dân trên đất vải Lục Ngạn, vải thiều còn gần nửa tháng nữa mới bắt đầu chín rộ, hiện lượng tiêu thụ phần lớn là vải sớm, trong đó nhiều lô hàng xuất khẩu và tiêu thụ mạnh ở thị trường khó tính như Nhật Bản. Anh Vi Văn Toản ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn) cho biết, giá vải thiều Lục Ngạn tại vườn đang dao động từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg (tùy loại) và với giá trên thì người dân sở tại còn khó có thể mua, ăn thoải mái, lấy đâu ra vải mà "giải cứu". Anh Toản cho rằng có thể vải được "giải cứu" được trồng ở những vùng khác, chất lượng kém, điều này ảnh hưởng rất lớn tới thương hiệu vải Lục Ngạn. Thậm chí một số người dân trồng vải bức xúc cho rằng "đã ai kêu đâu mà giải cứu".
Bắc Giang có hơn 28.000 ha vải thiều, sản lượng vụ này ước đạt 180.000 tấn. Trong đó, theo kế hoạch sẽ xuất khẩu hơn 200ha sang Nhật với 30 mã vùng; 218ha sang Mỹ và EU với 18 mã vùng, 15.867ha xuất sang Trung Quốc gồm 149 mã vùng. Tất cả diện tích này đều được hướng dẫn, kiểm soát trong quá trình chăm sóc và làm truy xuất nguồn gốc, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 15,5 nghìn ha, theo tiêu chuẩn GlobalGAP gần 340ha.
Năm nay, theo đánh giá cửa cơ quan chuyên môn và người dân, vải thiều được mùa hơn so với năm trước, với sản lượng lớn trong khi dịch Covid-19 trên địa bàn Bắc Giang diễn biến phức tạp chắc chắn sẽ gây ra những khó khăn lớn cho tiêu thụ sản phẩm. Tính đến ngày 2/6, địa phương tiêu thụ được hơn 20.000 tấn.
Bắc Giang đã chủ động nhiều phương án, kịch bản tiêu thụ cho nông sản chủ lực này, cụ thể: Xây dựng vùng vải thiều an toàn không Covid-19 (trong đó, những đối tượng F1 đều được cách ly tập trung, tại vùng vải không có khu cách ly; lập các chốt kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào địa bàn để sớm khoanh vùng, ngăn chặn dịch bệnh; xét nghiệm Covid-19 nhanh các đối tượng như: Lái xe, lao động, thương nhân đến thu mua vải thiều)... Cùng đó, tỉnh đã thành lập 2 tổ công tác tại cửa khẩu của 2 tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai để hỗ trợ thông quan xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc; kết nối với các tập đoàn phân phối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại như: Aoen, Central Retail, MM Mega MarKet, Lotte, Big C, Saigon.coop, Vinmart và Vinmart+, Fivimart và Citimart, Vincom…
Vải thiều sắp vào vụ thu hoạch rộ, thời gian thu hoạch ngắn (chỉ trong vòng hơn 1 tháng). Đây là nông sản khó bảo quản, do vậy áp lực thu hoạch rất lớn, trong khi nguồn nhân lực phục vụ cho công tác thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ hiện rất khó khăn do dịch bệnh. Khó khăn của tỉnh là khâu vận chuyển và lưu thông nên Bắc Giang đang rất cần các ngành, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi bằng những "luồng xanh", cho phép các xe vận chuyển vải thiều được lưu thông, tiêu thụ; cấp giấy thông hành cho những chuyến xe an toàn chở vải thiều qua các chốt kiểm dịch, giảm thời gian kiểm tra Covid-19; giúp đỡ các thủ tục liên quan đến việc thông thương qua các cửa khẩu được nhanh chóng. Tuy nhiên không phải vì khó khăn ấy mà phải "giải cứu" bởi thực tế Bắc Giang đã tính tới trường hợp xấu nhất là sấy vải. Huyện Lục Ngạn hiện có khoảng 2.000 lò sấy, đây được xem là phương án cuối cùng.
Vì vậy xin đừng dùng từ "giải cứu" đối với nông sản, đặc biệt là với quả vải thiều của Bắc Giang trong thời điểm này. Bắc Giang đang rất cần sự chung tay, hỗ trợ trong tiêu thụ vải thiều song chưa đến mức phải "giải cứu". Bộ trưởng Bộ NNN&PTNT Lê Minh Hoan đã nói: "Ngành nông nghiệp của chúng ta hiện nay có lẽ cần phải bỏ từ "giải cứu", nghe rất thương cảm, thay vào đó chúng ta cần có những hành động cụ thể hơn".
Tại văn bản số 2550 gửi Cục Báo chí (Bộ TT-TT) do ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ký cho biết, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bắc Giang đang triển khai mục tiêu vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, thu hoạch nông sản. Vải thiều Bắc Giang đang được xuất khẩu đến các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao. Vì thực tế, sau khi các tin, bài, phóng sự… sử dụng từ "giải cứu", giá các mặt hàng nông sản của tỉnh đều giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người nông dân.