Tiết lộ gây sốc về đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ
- Tây Y
- 15:49 - 18/07/2016
Ankara và Istanbul đã phải rung chuyển vì đảo chính. Tòa nhà Quốc hội bị tấn công, cầu bắc qua eo biển Bosphorus bị phong tỏa và trực thăng xả đạn vào trụ sở Cơ quan Tình báo.
“Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn toàn tiếp quản chính quyền đất nước để khôi phục trật tự hiến pháp, nhân quyền và mọi quyền tự do dân chủ, luật pháp và an ninh chung bị phá hoại. Mọi thỏa thuận quốc tế vẫn giữ nguyên giá trị. Chúng tôi hy vọng mối quan hệ tốt đẹp giữa chúng tôi với nhiều quốc gia trên toàn thế giới sẽ tiếp tục”, văn bản của những người tổ chức đảo chính cho hay.
Nhưng đã có nhiều nghi vấn nổi lên ngay trong ngày 16/7.
Có 678 binh sĩ và 10 sĩ quan cấp cao được một đại tá dẫn dắt đã bị bắt. Trong khi thẩm vấn, nhiều quân nhân tuyên bố họ không hề biết đang tham gia vào một cuộc đảo chính, chính xác hơn họ đang tham gia tập trận quân sự.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình chống đảo chính
Tuy nhiên, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sẽ sử dụng cuộc đảo chính thất bại như một phương tiện để đạt được quyền lực, thậm chí độc đoán hơn. Đã có những tin đồn nổi lên cho biết ông sẽ làm Tổng thống suốt đời.
Người ta cho rằng ông Erdogan sẽ sử dụng kết quả đảo chính tiến hành một cuộc thanh lọc đối với tất cả những người không có quan hệ đồng minh thân tín.
Gulen-giáo sĩ bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo cố gắng chiếm quyền lực bằng một cuộc đảo chính đã ra đòn phản công, ông cáo buộc Tổng thống Erdogan tiến hành một cuộc đảo chính quân sự giả gây chết người, so sánh lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ với Hitler.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Yildirim.
“Có khả năng đây chỉ là một cuộc chính biến được Đảng Công lý & Phát triển (AKP) của ông Erdogan dàn dựng và có thể sẽ được tận dụng để đưa ra cáo buộc chống lại những người tham gia phong trào Gulen và quân đội”, học giả Hồi giáo Fathullah Gulen hiện đang sống lưu vong ở bang Pennsylvania (Mỹ) cho truyền thông quốc tế biết vào ngày 16/7.
Trước đó vài giờ, Tổng thống Erdogan liên tục tố cáo ông Gulen cùng với phong trào Hizmet (Gulen) cố gắng lật đổ chính quyền, kể từ khi 2 đồng minh cũ đối đầu nhau vào năm 2013, kêu gọi Mỹ dẫn độ học giả Hồi giáo về Thổ Nhĩ Kỳ để xét xử tội phản quốc.
Ông Gulen, người hiện có “Thẻ Xanh” Mỹ (giấy phép thường trú dài hạn) nhưng chưa được nhập tịch cho biết ông không lo sợ sẽ bị trục xuất.
“Tôi không tin thế giới chấp nhận những cáo buộc mà Tổng thống Erdogan đưa ra để chống lại tôi là nghiêm túc”, người đàn ông 75 tuổi nhấn mạnh, trước khi phê bình việc sử dụng bạo lực để lật đổ ông Erdogan.
Có ít nhất 265 người chết vì đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ vào đêm 15-7. Hơn 2.800 sĩ quan quân đội bị bắt giữ và 2.700 người bị cách chức.
Giáo sĩ Gulen cho biết sự trả thù đang chờ đợi những người bị tố có âm mưu đảo chính, so sánh chiến thuật của ông Erdogan với chiến thuật được Adolf Hittler áp dụng để loại bỏ hết đối thủ chính trị ở Đức trong những năm 1930, biến đất nước trở thành một quốc gia cảnh sát trị.
Trong những năm đầu, sau khi Erdogan trúng cử vào năm 2003, ông phải dựa vào sự ủng hộ của Hizmet có thể chiếm đến 10% dân số Thổ Nhĩ Kỳ như đồng minh thân tín. Nhưng cả 2 người đàn ông có quyền lực dần xa nhau, bởi vì những người tham gia phong trào Hizmet nghe lén nhiều quan chức cấp cao, tiết lộ bằng chính chính phủ Erdogan tham nhũng.
Ông Gulen
Về phần mình, ông Erdogan ra lệnh đóng cửa hệ thống trường học được giáo sĩ Gulen lập ra làm xương sống cho phong trào Hizmet.
Kể từ đó, một số tòa soạn báo và kênh truyền hình bị đóng cửa, hàng ngàn quan chức, doanh nhân ủng hộ ông Gulen bị bắt giữ và kết án tù.
Vụ đảo chính có thể dẫn đến căng thẳng đối ngoại giữa Ankara và Washington. Mặc dù, Nhà Trắng đã lên tiếng ủng hộ Erdogan, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tố cáo Mỹ bao che cho Gulen khỏi bị xét xử, thâm chí đó là một “hành động thù địch” đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ rằng những cáo buộc công khai như thế là “hoàn toàn sai lầm và sẽ gây tổn hại cho quan hệ song phương”.