THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:54

Tiếp viên bay trong mùa dịch Covid-19: Mỗi lần đi bay là một lần cô lo lắng

Hôm qua, Hà Nội chính thức công bố trường hợp nữ tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines - N.T.D (30 tuổi) đi trên chuyến bay London về Việt Nam, hạ cánh ngày 9/3, dương tính với SARS-CoV-2.

Đây là trường hợp đầu tiên ghi nhận tiếp viên hàng không Việt Nam nhiễm bệnh. Tại Hà Nội, nữ tiếp viên đã di chuyển qua một số nơi (chủ yếu là đi ăn và đi khám bệnh). 

Trước đó, chuyến bay VN0054 hạ cánh hôm 2/3 của hãng này đã có 16 trường hợp dương tính với Covid-19, trở thành một trong những nguồn lây nhiễm chính của Việt Nam khi lan từ bệnh nhân số 17 đến ca thứ 38.

Những thông tin này đã khiến nhiều người e ngại các tiếp viên hàng không, vì cho rằng họ có thể trở thành nguồn siêu lây nhiễm cho cộng đồng khi bay đến các nước châu Âu - ổ dịch mới của Covid-19.

"Tôi vẫn thắc mắc, trở về từ Anh cô ấy lại không ý thức được việc mình cần tránh ra ngoài ăn uống tiếp xúc với mọi người và sử dụng phương tiện công cộng. Tôi thấy khó chiụ khi đọc thấy cô ấy toàn dùng taxi và grab đi khám bệnh", nickname T.H viết.

Trao đổi với phóng viên, nhiều tiếp viên Vietnam Airlines cho biết, những ngày qua họ phải đối mặt với sự kỳ thị và cũng phải chịu áp lực lớn khi đi bay trong mùa dịch Covid-19.

Luôn luôn ý thức phòng dịch

Tiếp viên Trần Phương Ly chia sẻ, trong đợt dịch Covid-19 này, mỗi lần đi bay là một lần cô lo lắng. "Sợ nhất không phải mình bị bệnh mà sợ khi bị lây nhiễm nhưng mình không biết, lại âm thầm gây ảnh hưởng tới các hành khách khác trên chuyến bay. Trong đầu mình luôn có nhiều suy nghĩ và từ đó tạo ra áp lực lớn khi đi làm trong mùa dịch".

Để đảm bảo an toàn, các tiếp viên luôn phải đeo găng tay, khẩu trang trên suốt chuyến bay. Khi phục vụ suất ăn, họ phải đeo găng tay mới, bọc thêm găng tay nilon bên ngoài găng tay cao su và đổi găng tay khác khi thu dọn suất ăn. 

Khi ngủ lại ở nước ngoài, hãng quy định tiếp viên không được phép tự ý rời khỏi khách sạn, di chuyển trong nhà ga phải đi đúng đội hình đội ngũ và đi thẳng ra tàu bay, không được phép di chuyển ngoài hàng ngũ.

Nhiều quy định mới cũng được hãng ban hành như: ngừng cấp phát chăn trên các đường bay dưới 4 tiếng, phát chai nước suối cho các chặng bay quốc nội thay vì mời nước bằng ly giấy như trước đây, ngừng phục vụ suất ăn trên một số trục đường bay, hạn chế sự tối đa sự tiếp xúc giữa tiếp viên và phi công.

Mỗi tiếp viên đi bay được công ty trang bị rất đầy đủ từ khẩu trang y tế (trước đây), hiện tại là khẩu trang vải nano, găng tay cao su, găng tay nilong, bình xịt kháng khuẩn, khăn ướt tẩm cồn...

"Lần nào lên máy bay mình cũng dùng giấy cồn lau hết mọi thứ xung quanh khu vực làm việc rồi rửa tay sạch sẽ mới yên tâm làm việc khác. Bản thân mình rửa tay nhiều quá, tay khô ráp luôn vì dùng quá nhiều xà phòng".

Ngọc Trâm (Selena Trần) chia sẻ, mỗi chuyến bay nước ngoài thường khá dài. Thông thường, tiếp viên sẽ phải đeo khẩu trang liên tục trong suốt 16-18 tiếng. "Chúng mình đeo khẩu trang từ khi chưa lên máy bay đến lúc về tới phòng riêng ở khách sạn mới dám tháo ra".

Một tiếp viên nam của Vietnam Airlines cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều nước, hãng đã cắt giảm nhiều chuyến bay vì lý do an toàn.

"Chẳng hạn, Vietnam Airlines đã không bay tới Nhật Bản và Hàn Quốc nữa. Rất nhiều chuyến bay khác cũng được cắt giảm. Thu nhập của tiếp viên bị giảm do lương phụ thuộc vào số giờ bay".

Nói về việc cách ly 14 ngày, các tiếp viên cho biết họ luôn sẵn sàng làm theo quy định. Nhiều tiếp viên của hãng khi vừa đáp xong chuyến thì bị đưa thẳng đến khu kiểm dịch và đưa đi cách ly khi còn chưa kịp gọi điện về nhà cho người thân.

"Chúng mình luôn coi khoảng thời gian kia như một cơ hội được sinh hoạt và ăn uống lành mạnh theo lịch của một người bình thường thay vì giờ giấc đảo lộn, thức đêm nhiều như tiếp viên", Phương Ly tâm sự.

Sự kỳ thị

Theo chia sẻ của Phương Ly, ở châu Âu, có lần, bạn cô bị người khác giật khẩu trang khi đang đi ngoài đường, có bạn thì bị gia đình người Thổ đòi gọi cảnh sát lúc bạn ấy đi siêu thị bên Đức vì mang khẩu trang.

"Mỗi lần qua châu Âu là một lần lo sợ khi mình là người châu Á, khi đeo khẩu trang ra đường đều nhận được những ánh mắt không thiện cảm của người bản xứ. Mình cũng nghe được câu chuyện có bạn bị cấm không được vào siêu thị chỉ vì bạn ấy đeo khẩu trang", Phương Ly chia sẻ.

Khi về Việt Nam, không ít tiếp viên cũng nghe được nhiều lời bàn tán: "Chị giúp việc nhà mình một tuần nay không tới làm việc vì sợ tiếp xúc với mình sẽ lây bệnh. Ba mẹ mình bị hàng xóm hỏi han nhiều nên mấy ngày nay chẳng dám ra đường".

Phương Ly tâm sự: "Buồn hơn là khi thấy thông tin cá nhân và hình ảnh của đồng nghiệp bị nhiễm bệnh được công khai hoàn toàn trên mạng xã hội, gây nên rất nhiều sự bàn tán và gièm pha. 

Mình cũng buồn khi đọc được thông tin chuyến bay có người nghi nhiễm hay phải cách ly, hoặc là những bình luận tấn công trực tiếp đến cá nhân cũng như nghề nghiệp của chúng mình".

Ngọc Trâm tâm sự, rất ít người thực sự hiểu sự vất vả, khó khăn mà các tiếp viên đang trải qua. "Chúng mình chỉ đang nỗ lực làm tốt công việc và luôn cố gắng để tất cả mọi người được an toàn".

Tiếp viên hàng không đi bay mùa dịch Covid-19: bị xa lánh dù Đeo khẩu trang 18h liên tục - Ảnh 3.

Trương Thu Hường

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh