Tiền Giang: Ấm lòng với những dịch vụ, quầy hàng 0 đồng
- Y học 360
- 13:36 - 20/07/2020
Cắt tóc miễn phí cho người nghèo
Những ngày gần đây khoảng từ 14h - 16h tại góc đường Hùng Vương, Ngô Quyền (đối diện với Trường THCS Lê Ngọc Hân), quầy cắt tóc miễn phí của nhóm bạn trẻ đã thu hút không ít người dân đến cắt tóc. Chỉ đơn giản là những chiếc ghế nhựa, tấm khăn choàng và những túi đồ nghề cùng tấm băng rôn "Hớt tóc miễn phí" được căng ra. Quầy cắt tóc nghĩa tình này nép vào mái hiên di động trước đây của cửa hàng Photocopy, bên hông Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Tiền Giang.
Nhóm các bạn trẻ chỉ khoảng ngoài 20 tuổi, trong trang phục áo và quần đen có in logo của cửa hiệu. Họ là những người thợ, học viên của Cửa hiệu cắt tóc nam QC Barber shop ở địa chỉ 90 Đinh Bộ Lĩnh, Phường 9, TP Mỹ Tho. Đối tượng phục vụ của nhóm là người bán vé số, người vô gia cư, học sinh, sinh viên, người lao động...
Trưởng nhóm là thợ cắt tóc trẻ Nguyễn Văn Hào 23 tuổi, quê gốc ở Châu Đốc (An Giang) cho biết: nhóm gồm 5 bạn trẻ tuổi đời chỉ ngoài đôi mươi. Đó là những thợ cắt tóc, học viên đang làm việc, học nghề tại cửa hiệu. Các bạn cần luyện tập tay nghề cho vững trước khi ra làm riêng. Buổi sáng nhóm làm việc tại cửa hiệu, buổi chiều từ 14 đến 18 giờ nhóm ra vỉa hè để phục vụ bà con lao động nghèo và sẵn luyện tay nghề.
Khi có khách, thành viên của nhóm nhanh nhẹ choàng khăn và bắt đầu làm việc. Chỉ khoảng 20 phút là cắt xong một đầu tóc. Tùy theo yêu cầu mà nhóm cắt nhiều kiểu khác nhau cho người già, trẻ. Các thợ thao tác khá thuần thục, anh Hào trưởng nhóm quan sát và hướng dẫn thêm để thực hiện tốt yêu cầu của khách. Đa số khách hàng đều tỏ ra hài lòng với mái tóc mới của mình. Không ít người cảm kích dúi ít tiền với lý do tặng các anh em để uống nước nhưng nhóm đều không nhận.
Trao đổi với chúng tôi, trưởng nhóm Nguyễn Văn Hào cho biết, cắt tóc miễn phí là một trong những hoạt động thiện nguyện thường xuyên của nhóm bạn trẻ. Đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Nơi làm việc của nhóm chỉ là vỉa hè, hành lang bệnh viện, hay một khoảng đất trống có bóng mát… Những nơi dã chiến này giúp thành viên nhóm tác chiến và hàng ngàn người có được những mái tóc gọn gàng, sạch sẽ.
Hào chia sẻ thêm với chúng tôi: quê anh ở Châu Đốc, An Giang. Quê nghèo và gia đình cũng nghèo, nên Hào phải bươn chải đủ thứ nghề từ phụ hồ, làm công nhân…để mưu sinh. Dành dụm được ít tiền, Hào lên TP.Hồ Chí Minh theo đuổi đam mê với nghề tóc.
"Mình không có của, thì góp công để giúp người nghèo vơi đi gánh nặng. Giá một lần cắt tóc từ 40-50 ngàn đồng. Chi phí này không hề nhỏ với người nghèo. Bớt một phần chi phí người nghèo có thể có thêm bữa ăn khá hơn hay để tiền cho con học hành. Nhiều lần cắt cho mái đầu của những người vô gia cư ở Sài Gòn, anh biết họ chưa gội đầu mấy ngày nên tóc cứng lại. Dù khá vất vả nhưng anh em cũng cố gắng cho họ những mái tóc đẹp nhất. Nhóm mong muốn dịch vụ này được nhiều người biết đến hơn", Hào chia sẻ thêm.
Nhóm Phát Tâm và những ổ bánh mì miễn phí cho bệnh nhân nghèo
Ở TP. Mỹ Tho những năm gần đây, trên một số tuyến đường như: Rạch Gầm (phía sau bệnh viện Đa khoa), Học Lạc (cà phê Hải Đăng), đường Yersin…nhiều tủ bánh mì thiện nguyện với câu "mỗi người một ổ trở nên quen thuộc". Tuy nhiên ít ai biết quầy bánh mì từ thiện nằm đối diện với khu khám bệnh Chất lượng cao của Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang đã tồn tại hơn 3 năm nay.
Hàng tuần vào sáng thứ tư và thứ sáu nhóm Phát Tâm do chị Nguyễn Thị Bông làm trưởng nhóm tổ chức phát hơn 300 ổ bánh mì cho bệnh nhân nghèo.
Có mặt tại địa điểm trên (số 31 Thủ Khoa Huân) từ 4h30'sáng. Mấy cái bàn nhựa và ghế con con được dọn ra cùng với những túi thức ăn, dưa leo, rau răm để dồn vào bánh mì…
Những ổ bánh mì nóng hổi được lò giao tới và mỗi người một công đoạn, bắt tay vào việc làm bánh mì kẹp thịt để tặng người nghèo. Lúc đó chỉ hơn 5h sáng nhưng số người xếp hàng tập trung khá dài, các chị phải nhanh tay để những ổ bánh mì tới tay người nghèo đang sắp hàng và chờ đến lượt. Trong hàng chúng tôi nhận thấy có đủ mọi ngành nghề, từ anh bảo vệ, chú chạy xe ôm đến những người mẹ, người bà tay xách nách mang những phích nước, cà mèn đi mua đồ ăn hay đổi nước cho người thân đang nằm viện.
Cầm trên tay ổ bánh mì còn nóng hổi, chị Nguyễn Thị Trúc Phương (47 tuổi) cho biết chị thường xuyên ăn bánh mì ở đây trong hơn nửa tháng đi chăm sóc mẹ nằm bệnh viện Đa khoa ở khoa ngoại. Những ổ bánh mì rất ngon phần nào giúp người nuôi bệnh có được bữa sáng lót dạ. Hôm nay mẹ xuất viện chị đến nhận bánh mì và đồng thời gởi tặng cho nhóm 500.000 đồng với mong muốn hoạt động này được duy trì lâu hơn.
Cùng chăm sóc mẹ ở bệnh viện, chị Nguyễn Thị Dự ở ấp Long Hòa A xã Đạo Thạnh cho biết, mẹ chị thích bánh mì chay nhưng gần đây không thấy bán. Nay tình cờ biết nhóm phát bánh mì chay, chị nhận ổ bánh này đem về cho mẹ, chắc bà vui và mau hết bệnh.
Chỉ khoảng hơn 6h sáng là hơn 300 ổ bánh mì được phát hết. Nhiều người đến sau được nhóm hẹn ngày giờ để lần sau đến.
Ở cái tuổi ngoài 60, trông chị Nguyễn Thị Bông, nhóm trưởng của nhóm Phát Tâm còn khá trẻ. Chị cho biết thành viên nhóm dao động từ 5-10 người. Mỗi người có hoàn cảnh sống khác nhau nhưng đều có chung một cái tâm thiện nguyện phục vụ người nghèo.
Chị Nguyễn Thị Thủy, thành viên nhóm cho biết: "Trước đây cuộc sống gia đình chị cũng vất vả, rồi thời gian làm lụng, con cái có cuộc sống ổn định…, các chị tích lũy được chút ít cho mình và muốn đóng góp cho xã hội. Thế là chị tham gia các nhóm thiện nguyện rồi lập ra nhóm của mình. Mới đó mà đã hơn 10 năm", chị Thủy bồi hồi nhớ lại.
Không chỉ phát bánh mì ở khu vực này mà nhóm còn đi trao bánh mì ở các trại xã hội, các bệnh viện Tâm thần, các tình nguyện viên tham gia hiến máu nhân đạo…tại Tiền Giang và các tỉnh lân cận. Mỗi tháng nhóm đi trao khoáng 1-2 lần tùy số tiền mà nhóm vận động được. Còn thiếu thì các thành viên cùng chung sức đóng góp.
Để có được ổ bánh mì thịt dù chay hay mặn được ngon, chúng tôi mua thực phẩm tươi tại các các chủ hàng có uy tín rồi về nhóm tập trung tại nhà các thành viên để chế biến.
Không chỉ hoạt động độc lập, nhóm Phát Tâm còn kết hợp với các Hội, đoàn như Hội Chữ Thập đỏ tỉnh, chương trình Địa chỉ nhân đạo Đài Truyền hình Tiền Giang trao những phần quà ý nghĩa cho người nghèo.
Những việc làm của các nhóm tuy không lớn nhưng đã góp phần vơi đi những khó khăn cho người nghèo, làm cho họ ấm lòng hơn. Mong rằng những việc làm hay này tiếp tục lan tỏa khắp nơi.