CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:04

Tích hợp môn Lịch sử, có ý kiến chuyên gia ủng hộ

 

Xung quanh việc Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ tích hợp môn Lịch sử với 2 môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng, bên cạnh nhiều ý kiến phản đối, vẫn có những luồng dư luận cho rằng, tích hợp là tốt nhưng phải làm một cách cẩn thận, khoa học thì mới đạt kết quả khả quan.

 

Học sinh trong giờ học môn Lịch sử (ảnh: Lao động).


Ủng hộ việc tích hợp môn Lịch sử với 2 môn còn lại, theo Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, tích hợp là một cải tiến về phương pháp được áp dụng hiệu quả trong nền giáo dục của nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới. Nếu thực hiện thành công, tích hợp sẽ làm cho môn học sinh động hơn và giúp học sinh nhớ bài lâu hơn.

Riêng đối với môn Lịch sử ở nước ta, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh cho rằng, lý do khiến nhiều người phản đối việc tích hợp là vì chưa hiểu cặn kẽ tính chất của khái niệm này và chưa tin vào quy trình thực hiện của Bộ GD&ĐT. Vì thế, để thuyết phục dư luận, bên cạnh việc chuẩn bị mọi thứ thật cẩn thận và thực hiện đúng lộ trình, Bộ Giáo dục – Đào tạo cần có thông tin đầy đủ hơn. Thậm chí phải triển khai một vài bài học tích hợp ở một vài nơi thí điểm để mọi người cảm nhận rõ những tác động của quá trình tích hợp.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh cũng cho rằng, vấn đề cần quan tâm không phải là tích hợp hay không tích hợp mà dạy môn Lịch sử như thế nào cho hiệu quả: “Riêng môn Lịch sử dù có tích hợp hay không vẫn là một môn hiện nay dạy không hiệu quả. Môn Sử không thể là những sự kiện khô khan mà nó phải bao gồm những yếu tố khác. Đôi khi cũng cần nói thêm về văn hóa hay địa lý... 

Tất cả những kiến thức phải được tổng hợp để người học nhớ và hiểu. Khi đó sẽ dạy môn Sử thành công. Như vậy tóm lại, môn Sử có thể đứng độc lập hay gộp chung nhưng khi lên lớp thì kiến thức lịch sử không thể đứng một mình khô khan. Thường thì người dạy phải liên hệ với một vấn đề gì đó và bổ sung thêm những kiến thức xung quanh nó thì người học mới hiểu và thích học”.

Đồng tình với suy nghĩ trên, ông Lê Hồng Trung, Phó Hiệu trưởng trường THPT Thiếu sinh quân, huyện Củ Chi, TP HCM cho rằng, chủ trương tích hợp môn Lịch sử của Bộ GD&ĐT là hoàn toàn khoa học. Thế nhưng, trước khi triển khai, Bộ cần lắng nghe ý kiến của các nhà nghiên cứu, các tổ chức, hội đoàn và tiếp thu thông tin để xây dựng một chương trình phù hợp nhất với nền giáo dục Việt Nam. Làm được điều này, việc tích hợp sẽ giúp học sinh phổ thông tiếp thu kiến thức môn Lịch sử hiệu quả hơn.

Ông Trung bày tỏ: “Điều tôi mong muốn đối với môn Lịch sử khi tích hợp trong bộ môn mới Công dân với Tổ quốc là Bộ GD&ĐT làm như thế nào mà vẫn giữ được những kiến thức cơ bản của môn học, không trình bày manh mún, đảm bảo tính khoa học của bộ môn. Làm sao để người học là các học sinh phổ thông nắm chắc được kiến thức cơ bản và môn mới dễ học, dễ nghe, dễ nhớ và có thể vận dụng hiệu quả nhất trong các vấn đề của cuộc sống hiện nay”.

Những người ủng hộ việc tích hợp môn Lịch sử cho rằng, nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học, đây là sẽ quá trình “mềm hóa” kiến thức một môn học đang được cho là quá khô khan. Tuy nhiên, tích hợp những môn nào, tích hợp ra sao, mọi thứ cần được nghiên cứu kỹ càng trước khi triển khai.

Theo MỸ DUNG / vov.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh