Thất vọng với ý tưởng bỏ môn lịch sử!
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 14:30 - 08/11/2015
Phóng viên: Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT dự kiến tích hợp môn lịch sử với môn giáo dục công dân và an ninh quốc phòng thành môn mới là công dân với Tổ quốc. Ông nhìn nhận như thế nào về ý tưởng này?
- Ông Dương Trung Quốc: Đề án này nằm trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT với mục tiêu đào tạo lớp học sinh không chỉ được trang bị kiến thức thuần túy mà còn nâng cao năng lực…
Ông Dương Trung Quốc Ảnh: BẢO TRÂN.
Đề án “gạch tên” môn lịch sử này thấy trên mạng internet nhưng giới sử học chúng tôi chỉ mới được tiếp cận chính thức trong một cuộc họp cách đây vài ngày (hội thảo “Tích hợp giáo dục lịch sử, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục công dân hợp thành môn công dân với Tổ quốc trong chương trình giáo dục phổ thông mới” do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 3-11 - PV).
Kết quả là nhiều thất vọng với ý tưởng “khai tử” môn lịch sử. Thất vọng không phải vì mọi người không ủng hộ Bộ GD&ĐT tìm ra phương hướng phát triển trong sự nghiệp trồng người mà thất vọng vì 2 điều. Thứ nhất là những gì mà Bộ GD&ĐT đã làm, tạo nên thực trạng GD&ĐT hiện nay. Thứ hai là cách làm, cách triển khai. Tại hội thảo, tôi đã có góp ý rằng Bộ GD&ĐT cần hết sức thận trọng. Có điều, dường như những người đưa ra ý tưởng và triển khai sự “đổi mới” này đã quá tự tin vào việc vận dụng mô hình tích hợp theo hướng giảm nhẹ áp lực học cho học sinh, đi sâu vào trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản. Bộ GD&ĐT luôn lập luận không bỏ môn lịch sử nhưng theo tôi, đó chỉ là cách nói và chúng tôi rất nghi ngờ.
Bởi lẽ, vấn đề dạy và học lịch sử đã được báo động cách đây 2 thập kỷ, ở thời điểm năm 1996. Báo Tuổi Trẻ đã tiến hành một điều tra độc lập về sự quan tâm đối với môn lịch sử trong giới học sinh. Song, vấn đề thờ ơ, lạnh nhạt với môn lịch sử vẫn ngày càng trầm trọng. Mặc dù có nhiều lý do để dẫn đến tình cảnh này nhưng lẽ ra, thay vì Bộ GD&ĐT tăng cường cải thiện tình hình, khắc phục hạn chế để thúc đẩy môn lịch sử thì nay lại chủ trương thay đổi bằng một phương thức hoàn toàn mới. Dù môn lịch sử vẫn được dạy ở một số môn học tích hợp nhưng đến giai đoạn quan trọng nhất là bậc THPT thì lại tích hợp gộp 3 môn lại.
Vấn đề đặt ra, mục tiêu của tích hợp là gì thì Bộ GD&ĐT chưa lý giải được thấu đáo hay chỉ đơn thuần là con số cộng. Mặt khác, để lịch sử đứng độc lập là môn riêng còn nan giải thì nay đem tích hợp thì sẽ mang lại hiệu quả ra sao? Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT muốn thay đổi bất cứ điều gì cũng cần căn cứ trên cơ sở luật pháp. Cụ thể, môn giáo dục quốc phòng - an ninh có hẳn bộ luật riêng là Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, có thể gọi riêng, được định vị rõ ràng, nay lại xóa cả môn học như không có gì.
Nhiều nước phát triển đặt môn lịch sử ở vị trí rất quan trọng. Thay vì ý tưởng “khai tử” môn lịch sử trong chương trình bằng cách tích hợp với môn khác, theo ông, tại sao Bộ GD&ĐT không đưa ra giải pháp đổi mới phương pháp dạy học môn này để hấp dẫn học sinh?
- Chúng tôi không tán thành cách ứng xử với môn lịch sử của Bộ GD&ĐT. Mặc dù chúng tôi hết sức ủng hộ việc đổi mới để có kết quả tốt hơn nhưng không phải theo cách “cái gì không làm được thì bỏ đi”. Đáng nói là lại thay đổi bằng một thứ mà chưa biết rõ là gì, hiệu quả ra sao, chỉ căn cứ vào tinh thần của Nghị quyết 19 là “tích hợp”.
Trước khi đưa ra dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ GD&ĐT có lấy ý kiến của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam không, thưa ông?
- Chúng tôi mong muốn Bộ GD&ĐT nên tham khảo, tranh thủ ý kiến của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng như nhiều tổ chức liên quan trong quá trình xây dựng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Ngay trong Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có riêng một bộ phận giảng dạy lịch sử. Chúng tôi rất ngạc nhiên với cách làm của Bộ GD&ĐT khi không hề tham khảo ý kiến của hội cho đến cuộc hội thảo hôm 3-11 vừa qua.
Ngay cả tại hội thảo, những người tham dự, trong đó có tôi, rất lấy làm thất vọng khi những ý kiến đóng góp từ giới sử học được đáp lại bằng việc đại diện bên soạn thảo luôn khẳng định cách làm của họ là đúng, không có gì sai.
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và cá nhân ông sẽ có văn bản phản ứng, kiến nghị về ý tưởng “khai tử” môn lịch sử của Bộ GD&ĐT?
- Quan điểm là chúng tôi hết sức lắng nghe, không có phản ứng quá sớm. Nhưng sau cuộc hội thảo gần đây do Bộ GD&ĐT chủ trì thì chúng tôi buộc phải lên tiếng.
Giữa tháng 11-2015 sẽ có cuộc hội thảo riêng về vấn đề này. Tại đây, chúng tôi sẽ tiếp tục trình bày rõ quan điểm của mình.
Không thể lãng quên lịch sử “Chúng tôi chia sẻ với mong muốn của Bộ GD&ĐT là tìm một giải pháp tốt nhưng cung cách làm của bộ gây ra sự không yên tâm. Đặc biệt, tích hợp mới chỉ là ý tưởng mà chưa có một thử nghiệm hay giáo trình, phương hướng cơ bản nào. Đây chỉ là dự án của một nhóm tác giả do Bộ GD&ĐT chỉ đạo, chưa từng được lấy ý kiến rộng rãi mà đã tuyên bố như công cụ để thay thế. Không phải giới lịch sử chúng tôi đề cao môn học này mà bối cảnh tình hình đất nước, láng giềng, khu vực và quốc tế như hiện nay cho thấy vấn đề chủ quyền, hội nhập là rất hệ trọng. Vì thế, hơn bao giờ hết, không thể lãng quên lịch sử, đánh mất mình. Do vậy, nếu muốn thay đổi thì cần làm hết sức cẩn trọng, không thể làm đơn giản” - ông Dương Trung Quốc nhìn nhận. |