Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở người bệnh ung thư nguy hiểm như thế nào?
- Y học 360
- 14:06 - 28/08/2021
Theo ThS BS. Lê Phi Long – Phó trưởng khoa Lồng ngực mạch máu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM), Việt Nam hiện đang là nước có số người mắc ung thư cao trong khu vực. Với tỉ lệ ung thư cao, nguy cơ xuất hiện nhóm biến chứng thuyên tắc huyết khối cũng rất lớn. Việc phòng ngừa thuyên tắc huyết khối là rất quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả điều trị, giảm bớt chi phí, cải thiện tiên lượng cho người bệnh ung thư.
Theo chia sẻ từ bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, trường hợp ông N.V.S. (65 tuổi, ngụ tại TPHCM) đang điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 2. Thời điểm nhập viện, ông bị chướng bụng, đau bụng dữ dội. Ngay sau khi nhập viện, ông S. được đánh giá nguy cơ thuyên tắc huyết khối theo đúng quy trình tại Bệnh viện. Sau khi đánh giá bằng thang điểm Khorona và được xác định nguy cơ cao, các bác sĩ điều trị dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cho người bệnh bằng cách sử dụng thuốc kháng đông liều thấp. Sau 7 ngày theo dõi và điều trị, bệnh căn chính đã được xử trí, người bệnh dần dần hồi phục và không ghi nhận bất cứ biến cố thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch nào đáng tiếc xảy ra.
ThS BS. Lê Phi Long cho biết, cơ chế tạo lập cục máu đông (huyết khối) do tác động đơn phương hoặc đồng thời của 3 yếu tố: tổn thương thành mạch máu, mất cân bằng quá trình đông máu và xáo trộn về động học của dòng máu chảy. Ở người bệnh ung thư, do ảnh hưởng của bệnh lý ác tính và tác dụng phụ của các phương pháp trị liệu, 3 yếu tố nêu trên có thể hiện diện cùng lúc.
Các nghiên cứu cho thấy, người bệnh ung thư có nguy cơ mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch gấp 5 - 7 lần, nguy cơ tái phát gấp 3 lần so với những người bệnh không ung thư. Bên cạnh đó, tỉ lệ tử vong gấp 4 lần nếu người bệnh ung thư bị mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch.
Chẩn đoán và điều trị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở người bệnh ung thư
Theo ThS BS. Lê Phi Long, việc chẩn đoán thuyên tắc huyết khối cho người bệnh ung thư dựa vào dấu hiệu bệnh lý qua thăm khám và các xét nghiệm cận lâm sàng như thử máu, siêu âm mạch máu, chụp XQ, chụp CT scan… để đánh giá mức độ và lên kế hoạch điều trị thích hợp. Việc đánh giá mức độ nguy cơ này phải được thực hiện định kỳ mỗi 3 - 6 tháng. Người ung thư đang điều trị nội trú, hoặc trong các giai đoạn bệnh lý khởi phát cấp tính, cần điều trị phòng ngừa. Người bệnh ung thư cần trải qua phẫu thuật cũng phải được phòng ngừa trước, trong và sau mổ ít nhất từ 7-10 ngày.
Điều trị chủ yếu cho biến chứng thuyên tắc huyết khối hiện nay vẫn là sử dụng các loại thuốc kháng đông. Hiện nay, các thuốc kháng đông đường uống thế hệ mới cho thấy hiệu quả cao và tiện dụng hơn, nguy cơ biến chứng chảy máu thấp hơn so với các thuốc thế hệ cũ, mở ra hướng mới cho điều trị thuyên tắc huyết khối. Tuy nhiên việc điều trị biến chứng thuyên tắc huyết khối thường phức tạp, tốn kém, đòi hỏi Bác sĩ phải theo dõi sát sao từng cá nhân người bệnh. Vì vậy, xu hướng thế giới hiện nay rất đề cao vai trò của việc phòng ngừa, đặc biệt là trên đối tượng người bệnh ung thư.