CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:43

Tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn” về du lịch

 

Gắn phát triển du lịch với giảm nghèo bền vững...

Thảo luận về dự án Luật du lịch (sửa đổi), các đại biểu cơ bản bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi bổ sung Luật Du lịch. Đồng thời cho rằng, dự án Luật Du lịch (sửa đổi) phải được xây dựng trên tinh thần phù hợp và cụ thể hóa các quy định về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường… quy định tại Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các đạo luật liên quan. Phải thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển du lịch và phải được tiến hành trên cơ sở luận cứ khoa học và tổng kết thực tiễn thi hành, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và trên thế giới, vận dụng phù hợp với những thông lệ và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; kế thừa, nâng tầm và phát triển các quy định còn phù hợp của Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính–Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, dự án Luật cần phải khẳng định được du lịch là ngành kinh tế tổng hợp; phải phát triển có trọng tâm, trọng điểm đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan ở Trung ương và chính quyền các cấp ở địa phương. Hết sức quan tâm đến chiến lược phát triển và sự liên kết trong phát triển hoạt động du lịch; tạo các điều kiện thuận lợi cho du khách tự do đi lại để tham quan, du lịch theo đúng quy định của pháp luật, cũng như phải có thông tin, hướng dẫn cụ thể đối với du khách, nhất là du khách quốc tế, tránh tình trạng thiếu thông tin mà du khách có những hành động hoặc cách ứng xử không phù hợp về các vấn đề liên quan đến tập quán, tập tục, văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo ở các vùng miền.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính–Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên thảo luận

 

Đồng tình với nhận định việc khai thác du lịch hiện nay chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề, biển, rừng của chúng ta chẳng thua kém bất cứ quốc gia nào khu vực, nhưng lượng khách đến ít, đến một lần rồi không trở lại. “Hạ tầng du lịch, dịch vụ phục vụ du lịch Việt Nam còn kém lắm. Đi nơi này nơi khác chính chúng ta thấy chưa hài lòng, nhất là nơi cộng đồng đông khách trong nước và nước ngoài tập trung đến thì chưa đảm bảo yêu cầu phát triển” – Chủ tịch Quốc hội nhận định và nhấn mạnh: Luật  phải góp phần thúc đẩy du lịch phát triển tốt hơn, nâng cao chất lượng, theo hướng hiện đại, thu hút khách đến nhiều và khách quay trở lại .Để làm được điều đó thì phải suy nghĩ và làm rõ những yếu kém là gì để từ đó tạo khuôn khổ pháp lý thúc đẩy phát triển.

Chỉ rõ 3 “điểm nghẽn” là kết cấu hạ tầng du lịch, thể chế và nguồn nhân lực, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị cần tiếp tục quan tâm kiện toàn hệ thống các cơ quan chuyên trách làm du lịch để các cơ quan này thực sự tương xứng với một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Đi liền với đó, phải tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong du lịch.  Đồng thời, dự thảo Luật cũng cần hết sức quan tâm xây dựng những quy định cụ thể liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan công quyền trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch; khuyến khích người dân, cộng đồng thực hiện các hoạt động giới thiệu, quảng bá du lịch; gắn phát triển du lịch với giảm nghèo bền vững...

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị dự án Luật cần có các quy định cụ thể hơn trong việc xử lý các hành vi tiêu cực trong hoạt động du lịch; có liệt kê cụ thể hơn về danh mục các hành vi tiêu cực trong du lịch bởi mới liệt kê một số hành vi như tranh giành khách, chèn ép khách như trong dự thảo Luật là chưa đủ.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị cần làm rõ tính liên ngành, liên vùng của hoạt động du lịch cũng như tính xã hội hóa cao của hoạt động này. Có các giải pháp khuyến khích, thúc đẩy hoạt động của cộng đồng làm du lịch, hướng dẫn người dân làm du lịch, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam tới du khách và bạn bè quốc tế.

Tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo

Tại phiên thảo luận dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề lớn liên quan chủ yếu đến tên gọi và bố cục của luật; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; việc công nhận tổ chức tôn giáo; tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo; hoạt động xã hội của tổ chức tôn giáo; quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; các hành vi bị nghiêm cấm...

Liên quan đến hoạt động quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng việc quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay còn phân tán và đề nghị quy định ngay trong Luật cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương để bảo đảm sự thống nhất và thuận lợi trong quản lý về lĩnh vực này.

Hiện nay, theo phân công của Chính phủ, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tôn giáo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc quản lý lễ hội tín ngưỡng; chưa có cơ quan nào quản lý Nhà nước về tín ngưỡng. Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, việc giao chức năng quản lý Nhà nước về tôn giáo cho Bộ Nội vụ cũng chưa thật sự phù hợp, vì mới chỉ dựa trên sự tiếp cận theo góc độ quản lý tổ chức mà chưa chú trọng việc bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần. Vì vậy, đề nghị cần có một cơ quan Nhà nước phù hợp chịu trách nhiệm trước Chính phủ về vấn đề này.

Về hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo của tổ chức tôn giáo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu cho rằng hoạt động này nên khuyến khích, nhưng phải có quy định chặt chẽ; đối với những hoạt động nhân đạo, từ thiện quy mô lớn của các tổ chức tôn giáo thì nhất thiết phải xin phép, đăng ký với chính quyền và không gắn việc tuyên truyền, phát triển đạo vào các hoạt động giáo dục, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo của các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị cần có các quy định cụ thể hơn về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như các quy định cụ thể về việc các tổ chức, cá nhân tôn giáo được tham gia vào các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo; bổ sung các quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo...

Thái An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh