THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:40

Thuốc lá điện tử "tấn công" vào học đường: Dấu hiệu nhận biết học sinh bị nghiện thuốc lá điện tử

Học sinh cấp 1,2 đã hút thuốc lá điện tử

"Lâu nay tôi vẫn nghĩ chỉ thanh niên mới dám hút thuốc lá điện tử còn học sinh tiểu học, trung học thì làm sao dám hút. Tuy nhiên, tôi khá "sốc" khi nghe thông tin học sinh mới lớp 3, 4 mà đã tham gia hút thuốc lá điện tử. Để có tiền mua thuốc lá điện tử, các em học sinh  lén lút bỏ ăn sáng, hoặc lấy tiền ống heo mua  thuốc lá điện tử hút. Một số em mua của các anh chị lớp lớn dùng, sau đó còn lôi kéo các bạn cùng lớp hút theo và bán lại."

Chia sẻ với phóng viên về câu chuyện về một trường tiểu học, cô giáo vô tình phát hiện trong cặp một học sinh lớp 5 có thuốc lá điện tử. Truy ra, thì em học sinh này nhờ anh học sinh cấp 2 mua giúp và rủ bạn bè cùng sử dụng. Khi nhà trường làm việc với nhóm học sinh cấp 2 thì biết được có một học sinh cấp 2 công khai mua bán thuốc lá điện tử trên mạng. Sau đó, các học sinh mua cùng nhau sử dụng.

Thuốc lá điện tử len lỏi vào học đường: Cần theo dõi dấu hiệu lạ ở trẻ.

Thuốc lá điện tử "len lỏi" vào học đường: Cần theo dõi dấu hiệu lạ ở trẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, các học sinh mua bán thuốc lá điện tử qua mạng hoặc gián tiếp thông qua học sinh của trường. Sau khi mua được các em lén lút thường là tại các quán học sinh tụ tập theo nhóm, loại này khi hút không để lại dấu vết, dễ dàng cất dấu nên khó phát hiện, ban đầu học sinh thường bị dụ dỗ dùng miễn phí sau sẽ phụ thuộc vào nó sẽ tự mua.

Thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng thuốc lá điện tử, nhưng chủ yếu là do các bạn trẻ còn thiếu hiểu biết về tác hại của thuốc lá điện tử. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng với các chế tài xử lý cụ thể trong xử lý những cá nhân, tổ chức buôn bán và sử dụng thuốc lá điện tử, vấn đề quan trọng là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử với các hình thức, nội dung phù hợp để giới trẻ nâng cao nhận thức, chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

 

Song song với đó, để ngăn chặn thuốc lá điện tử xâm nhập học đường, cần tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong quản lý, giáo dục, ngăn ngừa việc học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo sử dụng thuốc lá điện tử. Phụ huynh cần thường xuyên theo dõi quan sát con mình có những biểu hiện gì khác thường không? Tạo quan hệ giao tiếp gần gũi với con để bày tỏ, tâm sự; thường xuyên kiểm tra cặp của con.

Về phía nhà trường cần phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm, thường xuyên nhắc trong các buổi họp phụ huynh đặc biệt là phát huy vai trò của Tổ cờ đỏ, liên đội... Để nắm tình hình có liên quan đến học sinh, kịp thời phát hiện và có hướng xử lý phù hợp.

Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ vấn đề sử dụng chất gây nghiện ở học sinh: nguồn cung cấp, đối tượng sử dụng để tránh nguy cơ sử dụng rộng rãi tại trường học.

Bác sĩ Vinh khuyến cáo các bậc cha mẹ cần quan tâm sát sao đến những biểu hiện lạ ở con mình như thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe: các biểu hiện hô hấp như ho, hụt hơi, khó thở vì trong thuốc lá điện tử có một số chất có hại cho phổi; Trẻ hay có biểu hiện lo âu, cáu gắt, thậm chí trẻ có xu hướng tham gia các hành vi mạo hiểm.

Hút thuốc lá điện tử nguy cơ gây đột quỵ

Học sinh tiểu học, Trung học cơ sở hút thuốc lá điện tử thật đáng lo. Mới đây Bộ Y tế đã chỉ ra trong chế phẩm của thuốc lá điện tử có tới 7.000 chất độc và 70 chất hóa học gây ung thư. Đặc biệt chất hắc- ín sinh ra trong quá trình làm nóng, đốt các chế phẩm thuốc lá điện tử rất hại cho sức khỏe. Ngoài tác hại như thuốc lá truyền thống, khi hút thuốc lá điện tử còn phải dùng dụng cụ nung nóng hóa chất rất dễ phát nổ. Các chất tạo mùi trong dung dịch thuốc lá điện tử cũng có thể gây hại cho cơ thể… Gần đây, một số sản phẩm thuốc lá điện tử mới còn chứa chất ADB - Butinaca gây ảo giác tương tự các chất ma túy thuộc nhóm cần sa tổng hợp.

Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới.

Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới.

Với học sinh tiểu học, hút thuốc lá điện tử càng nguy hại khi các em còn nhỏ, đang tuổi lớn rất dễ bị tổn thương, ảnh hưởng tới sức khỏe. Chưa kể khi các em nghiện thuốc lá điện tử sẽ bỏ bê học hành, dễ bị dụ dỗ sử dụng những chất gây nghiện khác.

Không thể làm ngơ trước thực trạng thuốc lá điện tử tấn công học đường. Các nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền để học sinh hiểu được tác hại của thuốc lá điện tử với sức khỏe; tăng cường kiểm soát để các em không bị dụ dỗ mua và sử dụng.

Đặc điểm chung của thuốc lá điện tử là đều sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng dung dịch hoặc nguyên liệu thuốc lá tạo ra làn hơi khói để người dùng hút vào. Một số thuốc lá điện tử có hình dáng giống với thuốc lá truyền thống, xì gà hoặc ống điếu; một số khác trông giống như cây bút, giống USB… Thuốc lá điện tử có loại dùng một lần và loại có thể “sạc” lại. Hầu hết các mẫu thuốc lá điện tử hiện nay sử dụng ống chứa dung dịch - loại dùng một lần hoặc có thể bơm dịch vào để dùng tiếp. Dung dịch này thường chứa nicotin, chất tạo hương, propylene glycol và glycerin thực vật.

Các nghiên cứu khoa học cũng cho thấy, đa phần thuốc lá điện tử có chứa nicotin - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, và ung thư. Sử dụng nicotine quá liều gây ngộ độc. Nghiện nicotine là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, đột quỵ… Các chất độc hại trong thuốc lá điện tử còn gây tổn thương phổi cấp.

Hiện nay đã có ít nhất 32 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử, trong đó 7 quốc gia quy định quản lý chặt chẽ như cấp phép dược phẩm. Đặc biệt tại Australia, nicotine vẫn nằm trong danh mục chất độc dược và chỉ được sử dụng khi có giấy phép. Riêng khu vực ASEAN, 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.

Trước những tác hại và số lượng người sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng tăng ở Việt Nam, nhất là giới trẻ, cuối năm 2022, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh