THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:48

Thuốc đông dược: Bát nháo và khó kiểm soát

 

Dược liệu được nhập khẩu phần lớn ở dạng nông sản, kém chất lượng

Hiện nay, phần lớn dược liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc, mỗi tuần khoảng 300-400 tấn dược liệu được thông quan qua cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn). Theo các chuyên gia, dược liệu nhập khẩu này có hai dạng là nông sản và dược liệu trồng, thu hái tự nhiên theo tiêu chuẩn. Những dược liệu ở dạng nông sản không bảo đảm chất lượng để làm thuốc thì có giá rất rẻ so với các loại dược liệu trồng, thu hái tự nhiên theo tiêu chuẩn. Đáng nói, phần lớn các dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam là những dược liệu ở dạng nông sản, dược liệu kém chất lượng hoặc đã bị chiết xuất một phần hoạt chất. Cùng đó, còn có một lượng không nhỏ dược liệu nhập lậu về Việt Nam theo những con đường khác, như vận chuyển trái phép qua các đường biên giới, vận chuyển cùng với các xe hàng nhập hoa quả, nông sản qua các cửa khẩu. 

Trong khi đó, tại các trung tâm kinh doanh dược liệu lớn của cả nước, điển hình là xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), và quận 5 (TP Hồ Chí Minh), phần lớn lượng dược liệu trong các hộ kinh doanh đều không có hóa đơn mua hàng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vậy nhưng một số doanh nghiệp kinh doanh dược liệu và cơ sở sản xuất thuốc lại mua từ các hộ kinh doanh trên và hợp thức hóa bằng các hóa đơn bán hàng. 

Điều nguy hại là từ đây dược liệu này vào các hiệu thuốc Đông y, các bệnh viện. Cụ thể số liệu gần nhất, trong hai năm 2014-2015, kết quả kiểm tra chất lượng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trong các cơ sở khám chữa bệnh và kinh doanh dược liệu của Bộ Y tế, cho thấy: hầu như trong các cơ sở kinh doanh này đều có hai loại: một loại có chất lượng tốt, đúng loài và một loại không đúng loại hoặc có chất lượng không tốt. Các đợt kiểm tra cũng phát hiện một thực trạng đáng báo động là, phần lớn các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là trong các bệnh viện đa khoa có khoa Y học cổ truyền có sử dụng dược liệu chưa được chế biến theo đúng quy định, trong đó có những vị thuốc có độc tính như bán hạ, phụ tử, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả điều trị. 

 

"Đông dược" được bày bán ở vỉa hè

Phó giáo sư Phạm Vũ Khánh – Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền cho biết, từ tháng 3/2016 đến nay, Cục mới cấp 14 giấy phép nhập khẩu dược liệu cho các công ty sản xuất dược tại Việt Nam, với tổng số 1.400 tấn dược liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được nhập khẩu vào trong nước. 

Số lượng dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng này là rất ít so với nhu cầu sử dụng dược liệu hiện nay. Trên thị trường vẫn còn nhiều loại dược liệu không đảm bảo chất lượng, không nguồn gốc xuất xứ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả điều trị, sức khỏe của nhân dân. Theo báo cáo của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, mỗi năm đơn vị này lấy khoảng 7.000 mẫu đông dược để kiểm nghiệm, trong số này tỷ lệ nghi ngờ chất lượng có vấn đề chiếm 9-10%, khoảng 1% mẫu dược liệu không đạt hàm lượng hoạt chất, có thể đã bị chiết xuất, đã qua sử dụng hoặc không đảm bảo quy trình nuôi trồng, thu hái.

Ông Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục Quản lý Dược thẳng thắn thừa nhận, hiện dược liệu dùng cho sản xuất thuốc tại Việt Nam vẫn còn chưa đảm bảo chất lượng. Hơn 80% trong số 60.000 dược liệu sử dụng mỗi năm tại Việt Nam là nhập khẩu, đa số lại nhập theo con đường tiểu ngạch. Khi đó, các dược liệu lại được nhập như nông sản hoặc đăng ký sản xuất mỹ phẩm nên khó đạt tiêu chuẩn để làm thuốc.

Đông, tây y kết hợp loạn xị, sử dụng coi chừng thiệt thân

Vấn đề quản lý dược liệu tại Việt Nam hiện vẫn còn nhiều lỗ hổng, từ khâu nhập khẩu, lưu thông, đến phân phối là nguyên nhân dẫn đến xuất hiện nhiều dược liệu không bảo đảm chất lượng lưu hành trên thị trường, gây ảnh hưởng lớn đến công tác điều trị của các thầy thuốc, và nguy hại cho sức khỏe người bệnh.

Chia sẻ về chất lượng một số loại thuốc đông dược hiện nay, ông Nguyễn Đăng Lâm - Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho biết, trong năm 2015 Viện này đã phối hợp với Cục YDCT kiểm tra, khảo sát các các dược liệu nghi ngờ tại các bệnh viện y học cổ truyền  và các công ty xuất nhập khẩu dược liệu trên toàn quốc. Qua kiểm tra 109 mẫu (trong đó có nhiều mẫu ở ở các khu vực cửa khẩu giáp Trung Quốc), kết quả 56 mẫu không đạt chuẩn, trong đó có 26 mẫu là dược liệu nhầm lẫn, giả mạo. Thậm chí có dược liệu không xác định được định tính.

Đặc biệt, kết quả kiểm tra cũng cho thấy tình trạng trộn lẫn tân dược trong các bài thuốc y học cổ truyền. Trước đây, có loại đông dược trộn 1 loại thuốc tây y, nhưng gần đây qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có thuốc trộn đến 3-4 loại thuốc tây y. Chẳng hạn như, thuốc đông dược có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau thì trộn paracetamol; thuốc chữa khớp, còi xương, suy dinh dưỡng, kém ăn trộn corticoid…, cả thuốc chữa gút, huyết áp cũng trộn tân dược.

Theo ông Lâm, người dân từ trước đến nay đều cho rằng sản phẩm đông dược có nguồn gốc từ thiên nhiên, gần gũi nên không độc hại, hiệu quả điều trị được lịch sử chứng minh, ít tác dụng phụ nên nhu cầu sử dụng rất lớn, giá thành rẻ hơn tân dược. Bên cạnh đó, tâm lý nhiều người muốn khỏi bệnh nhanh trong khi thuốc đông dược để có hiệu quả ít cũng phải uống chục thang, nên một số đối tượng trộn lẫn tân dược vào cho công dụng được đẩy nhanh hơn.

“Điều này cực kỳ nguy hiểm vì khi dùng thuốc tân dược phải theo chỉ định của bác sỹ, sử dụng theo liều lượng nhất định. Nhưng với việc trộn tân dược vào đông dược sẽ gây nên quá liều, nếu dùng thuốc có chứa corticoid có thể gây suy thận. Về nguyên tắc, các thuốc corticoid khi dùng phải giảm dần liều, việc dừng đột ngột cũng nguy hiểm không kém”, ông Lâm nhấn mạnh. 

 

Cơ quan chức năng bắt giữ một vụ buôn bán dược liệu "rởm"

Giải pháp nào có nguồn dược liệu “sạch”?

Theo ông Lê Văn Sản, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Dược, nguồn dược liệu kém chất lượng, giả mạo trên thị trường lưu thông với rất nhiều mức giá khác nhau, do đó dược liệu trong nước khó cạnh tranh sòng phẳng. Bởi vậy để củng cố hệ thống cung ứng dược liệu, cần xây dựng cơ chế chính sách kinh tế hỗ trợ cho dược liệu sản xuất trong nước.  Bên cạnh đó, việc kiểm soát nghiêm ngặt hàng tiểu ngạch, nhập lậu, hàng giả, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng dược liệu để bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa dược liệu trong nước và dược liệu nước ngoài là điều hết sức quan trọng. Cần phải có hàng rào kỹ thuật trong nhập khẩu dược liệu với các tiêu chuẩn cụ thể hơn để loại những dược liệu kém chất lượng, dược liệu “rác” khi được nhập về.

 

Phát triển vùng dược liệu được coi là giải pháp để đảm bảo nguồn được liệu sạch

Cùng đó, việc phát triển mạnh vùng trồng dược liệu trong nước là một trong những giải pháp bảo đảm nguồn gốc xuất xứ dược liệu. Hiện nay chúng ta mới chủ động được 20% nhu cầu, cả nước mới có khoảng 14 cây dược liệu của tám doanh nghiệp được nuôi trồng và thu hái theo tiêu chuẩn GACP -WHO. “Chính phủ cần tập trung chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Xây dựng các trung tâm mạnh, đủ năng lực trong nghiên cứu chọn tạo ra các giống dược liệu tiên tiến có năng suất và chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thực tiễn, triển khai xây dựng những vùng trồng dược liệu tập trung có lợi thế cho từng loài dược liệu cụ thể, chú trọng đầu tư, bố trí nguồn kinh phí để phát triển những vùng trồng này cũng như bảo đảm đầu ra cho sản phẩm”, ông Nguyễn Minh Khởi, Viện trưởng Viện Dược liệu đề xuất.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, trong quy hoạch của phát triển dược liệu hiện nay đang gặp khó do nhiều bộ ngành cùng quản lý. Bộ Y tế đang nghiên cứu để sắp tới đây, dự định xây dựng Luật Y học cổ truyền để phát triển dược liệu. Cũng sắp tới bốn Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công thương, cùng các nhà doanh nghiệp, nhà khoa họ, nhà nông và nhà sử dụng thuốc, dược liệu sẽ cùng ngồi lại để đưa ra những giải pháp hiệu quả cho vấn đề quy hoạch, quản lý, phát triển dược liệu…trong tình hình mới.

DUY ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh