Thực phẩm chức năng: Nhiễu loạn và khó kiểm soát
- Y học 360
- 23:35 - 03/08/2016
“Ma trận” thực phẩm chức năng
Có thể thấy, chưa bao giờ việc mua bán thực phẩm chức năng lại đơn giản và dễ dàng như bây giờ. Người ta có thể tìm mua ở bất cứ đâu: ở các hiệu thuốc, mua ở chợ, mua trên facebook. Đủ các loại “thượng đế” yêu cầu, ai muốn hỗ trợ chức năng gì cũng có: yếu sinh lý, yếu gan, yếu phổi … Loại nào cũng giúp tăng cường sinh lực, nâng cao thể trạng, ăn ngon, ngủ khỏe, lợi ruột, tốt gan, thậm chí hỗ trợ điều trị ung thư, HIV…
Hàng trăm loại thực phẩm chức năng được bày bán trong một nhà thuốc.
Để chứng minh sự bùng nổ các sản phẩm thực phẩm chức năng trong những năm gần đây, TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, dẫn chứng: Năm 2000, Việt Nam chỉ có 13 cơ sở sản xuất với 63 sản phẩm thì đến năm 2010, đã phát triển tới 1.626 cơ sở sản xuất với 3.721 sản phẩm, năm 2013 có 3.512 cơ sở sản xuất với hơn 6.800 sản phẩm thực phẩm chức năng. Đáng chú ý, sản phẩm thực phẩm chức năng sản xuất trong nước chỉ là 1.333, còn lại hơn 5.500 sản phẩm là nhập khẩu, giá thành các loại thực phẩm chức năng kể cả nội và ngoại đều rất đắt. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đáng cho rằng, có 3 yếu tố khiến giá thực phẩm chức năng cao. Thứ nhất, do mức thuế đối với nhập khẩu nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm chức năng (chiếm tới 30%), thứ hai các nhà kinh doanh cũng muốn lấy lợi nhuận cao, thứ ba bản thân thực phẩm chức năng có hiệu quả, được sản xuất theo day chuyền khép kín hiện đại, áp dụng công nghệ nano, làm hóa lỏng nitơ để chiết xuất ra các hợp chất tự nhiên.
TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong khoảng 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng đang lưu thông trên thị trường hiện nay, chỉ khoảng 50% được người tiêu dùng chấp nhận. Nhiều loại sản phẩm được doanh nghiệp quảng cáo không đúng với chức năng và chất lượng. Trong số những vi phạm về thực phẩm chức năng, thì vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất, với hơn 53% số lượng doanh nghiệp vi phạm.
Thực tế, thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã tăng cường siết chặt thực phẩm chức năng. Năm 2015, Cục đã ra quyết định xử phạt 261 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt hơn 4,7 tỷ đồng. Trong đó, 203 công ty vi phạm về quảng cáo, tập trung chủ yếu là quảng cáo thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, việc xử phạt này vẫn chỉ như “muối bỏ bể”, bởi theo TS Nguyễn Thanh Phong, với khoảng 3.000 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh khoảng 20.000 sản phẩm thực phẩm chức năng như hiện nay thì rất khó kiểm soát trong ngày một ngày hai.
Chưa có một tiêu chuẩn nào cho việc sản xuất thực phẩm chức năng
Làm thế nào để quản lý chặt chẽ các quảng cáo “thổi phồng” sự thật về thực phẩm chức năng? Câu hỏi được đặt ra cho các nhà quản lý trong nhiều năm nay, chưa có lời giải thỏa đáng. Ông Nguyễn Thanh Phong thừa nhận, việc quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay đang “thổi phồng”, không đúng với tính năng của sản phẩm. Việc kiểm soát vẫn hết sức khó khăn, do lợi nhuận kinh doanh lĩnh vực này rất cao, trong khi mức xử phạt các vi phạm lại chưa đủ sức răn đe.
Cơ quan quản lý thị trường Hà nội bắt giữ một vụ thực phẩm chức năng nhập lậu
Ngoài chuyện quảng cáo không tương xứng chất lượng, giá cả bị thả nổi, kinh doanh đa cấp, các chuyên gia cho rằng, quy định quản lý việc sản xuất thực phẩm chức năng ở Việt Nam vẫn còn thiếu. Theo Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện hồ sơ công bố sản phẩm thực phẩm chức năng còn chung chung, không có một tiêu chí, tiêu chuẩn nào và cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Yêu cầu điều kiện vệ sinh với các cơ sở sản xuất cũng rất đơn giản, từ nhà xưởng, trang thiết bị dụng cụ đến con người, không cần có trình độ kỹ thuật cao, cũng vẫn có thể sản xuất, chế biến.
Còn theo chuyên gia dược học Trần Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện chưa có một quy trình, tiêu chuẩn nào nên cây gì, con gì cũng thành thực phẩm chức năng. Sản phẩm lưu hành trên thị trường chỉ dựa vào công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; việc đánh giá tính hiệu quả chủ yếu dựa vào bằng chứng kinh nghiệm thông qua tiếp xúc, từng trải trong áp dụng, mà thiếu những đánh giá về hàm lượng hoạt chất, độ tinh khiết, các mối nguy hại, độc tính gây ra.
Để quản lý chất lượng thực phẩm chức năng, theo ông Trần Đáng, cần áp dụng thực hành sản xuất tốt thực phẩm chức năng (GMP). Hiện các nước EU, Canada, Nhật Bản, Australia, Thái Lan... đều quy định áp dụng bắt buộc áp dụng GMP cho sản xuất thực phẩm chức năng và thực phẩm chức năng muốn nhập khẩu phải có chứng nhận GMP.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, áp dụng GMP không chỉ đảm bảo cho sản phẩm thực phẩm chức năng được sản xuất an toàn, hiệu quả mà còn là công cụ để sàng lọc, loại bỏ các cơ sở sản xuất không đủ điều kiện, giảm thiểu hàng giả, hàng lậu. Sắp tới Bộ Y tế ban hành quy chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) đối với thực phẩm chức năng. Tài liệu hướng dẫn GMP cho thực phẩm chức năng gồm 10 chương quy định về hệ thống quản lý chất lượng, nhân sự và đào tạo, nhà xưởng và thiết bị, hồ sơ tài liệu, sản xuất và kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng, khiếu nại thu hồi… Và lộ trình cho phép chuyển đổi muộn nhất đến cuối năm 2018.