Thực phẩm chế biến giá ổn định hoặc tăng nhẹ 5% so với năm trước
- Y học 360
- 20:39 - 04/02/2022
Nguồn cung dồi dào, giá không biến động lớn
Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 chỉ tăng từ 3-5% so với tháng thường và tăng tương đương Tết năm 2021.
Giá cả một số mặt hàng Tết
Lương thực: Theo báo cáo của Sở Công Thương, năm nay, nhu cầu gạo vẫn tập trung chủ yếu đối với các loại gạo tẻ chất lượng cao (như ST 24, ST 25, Séng Cù, Nam Hương, Gò Công...) và nếp.
Nhìn chung, giá các loại gạo chất lượng cao, có thương hiệu tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm trước.Một số địa phương thực hiện Chương trình BOTT đưa mặt hàng gạo vào thực hiện nên giá cả ổn định, hoặc thấp hơn khoảng 5-10% so với giá thị trường tại cùng thời điểm của sản phẩm có cùng quy cách, chất lượng.
Giá các loại gạo trong dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần diễn biến như sau: Giá các loại gạo tẻ thường nhìn chung ổn định, loại gạo phục vụ cho Tết như nếp, tám thơm và gạo đặc sản địa phương như tám Điện Biên, gạo Séng Cù Lào Cai, ST 24, ST 25... tăng nhẹ so với tháng trước và tăng khoảng 1.000 – 2.000 đ/kg so với cùng kỳ năm trước.
Giá các loại gạo tẻ và nếp phổ biến ở mức: Miền Bắc Miền Nam: Gạo tẻ thường 13.500 - 14.00010.000 - 11.000; Gạo tẻ chất lượng cao 20.000 – 42.00018.000 – 40.000; Gạo nếp 25.000 - 35.000 25.000 - 30.000
Các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thu hoạch vụ Đông Xuân khoảng tháng 2 - tháng 3, giá thóc, gạo nguyên liệu có thể tăng nhẹ hoặc ổn định tuỳ thuộc vào tình hình xuất khẩu.
Thực phẩm: Năm nay, trong khi các nguyên liệu sản xuất đầu vào có xu hướng tăng mạnh (giá thức ăn chăn nuôi, chi phí lưu thông, xét nghiệm, lao động...) thì thời tiết thuận lợi, sản xuất nông nghiệp ổn định và tăng trưởng tốt đã tiếp tục hỗ trợ cho thị trường mặt hàng thực phẩm Tết Nhâm Dần 2022 diễn biến thuận lợi, không có biến động bất thường.
Nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên đán được bảo đảm, không có tình trạng khan hàng hoặc tăng giá bất hợp lý.
Đối với mặt hàng thịt lợn, sau khi có xu hướng giảm liên tiếp trong năm 2021 (do nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu dùng giảm) đã tục có xu hướng tăng trở lại trong tháng 01/2022, đặc biệt trong những ngày cận Tết, tuy nhiên mức tăng không cao so với Tết 02 năm trước.
Giá các mặt hàng thịt lợn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 15-25%.
Giá các sản phẩm thịt bò ổn định trong suốt cả năm 2021 và bắt đầu tăng nhẹ vào cuối tháng 1 năm 2022 do ảnh hưởng bởi giá thịt lợn và nhu cầu tăng...
Trong những ngày gần Tết (từ ngày 23 tháng Chạp) do các siêu thị tham gia chương trình bình ổn thị trường vẫn giữ giá ổn định và một số siêu thị có chương trình giảm giá bán thực phẩm tươi sống, thịt lợn đông lạnh vào những ngày gần Tết nên giá thịt gà, thịt bò chỉ tăng vào những ngày sát Tết tại các chợ truyền thống do sức mua tăng.
Các mặt hàng nông sản thực phẩm khô ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ vào khoảng 3 tuần trước Tết sau đó ổn định đến Tết. Giá các loại rau củ quả có xu hướng tương đương so với năm trước, riêng giá các loại rau củ tăng nhẹ so với năm trước do nguồn cung giảm, tuy nhiên vẫn bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Thực phẩm tươi sống: Tết Âm lịch năm nay người dân có nhiều thời gian mua sắm, chuẩn bị Tết do có 2 ngày nghỉ cuối tuần trước tuần nghỉ Tết và có 3 ngày nghỉ sát Tết (ngày 27, ngày 28 và ngày 29), kỳ nghỉ Tết cũng kéo dài hơn năm trước.
Người dân không có tâm lý tích trữ thực phẩm trong dịp Tết nữa, thay vào đó khoảng 1 tuần trước Tết người dân đã tập trung mua sắm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong Tết và tiếp tục kéo dài đến sát Tết.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến thu nhập của phần lớn người dân giảm sút nên thị trường có phần trầm lắng hơn so với mọi năm.
Mặc dù đã thực hiện phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt nhưng các buổi liên hoan tất niên, tổng kết dịp cuối năm đã không còn sôi động, nhất là tại các địa bàn có dịch diễn biến phức tạp; hoạt động của các nhà hàng, quán ăn không còn tấp nập, nhu cầu mua sắm của người dân có phần giảm sút, phương thức mua hàng trực tuyến tiếp tục được ưa chuộng.
Giá hầu hết các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng nhẹ vào những ngày sát Tết. Đến ngày mùng 2 và mùng 3 Tết, đã có một số siêu thị mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân với mức giá ổn định so với trước Tết;
Trong khi đó tại các chợ, nhiều tiểu thương bắt đầu bán các mặt hàng rau xanh, thịt, thủy hải sản với giá bán tương đương so với ngày 28-29 Tết.
Giá thịt lợn: Khác với năm trước, sau khi liên tiếp giảm giá trong năm 2021, có đợt giảm sâu xuống mức giá thành (tháng 10/2021), giá thịt lợn đã tăng nhẹ trở lại từ đầu tháng 1/2022 đến sát Tết, tuy nhiên mức tăng không nhiều và phù hợp với quy luật thị trường.
Nguồn cung mặt hàng thịt lợn dồi dào do dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động vận chuyển, lưu thông được thông suốt nên bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. So với cùng kỳ năm trước, giá thịt lợn hơi thấp hơn từ 15-25% trong khi giá thịt lợn thành phẩm thấp hơn từ 15-20%.
Như thường lệ, đây là các mặt hàng có sức tiêu thụ tăng mạnh trong những ngày cận Tết nên giá đều có xu hướng tăng so với ngày thường, giá ở mức cao nhất là vào những ngày ngay sát Tết (cả trước và sau Tết).
Năm nay, giá thịt bò tăng muộn hơn so với năm trước, tăng từ 26 Tết và ở mức tương đương so với mọi năm do sức mua không cao. Giá các sản phẩm gia cầm chỉ tăng nhẹ và tương đương cùng kỳ năm trước.
Đến ngày mùng 4 Tết, nhu cầu tiêu dùng và buôn bán mặt hàng này chưa cao nhưng do nguồn cung chưa nhiều, nhất là hải sản tươi sống nên giá tăng nhẹ so với sát Tết.
Đối với mặt hàng rau củ, quả, thời tiết thuận lợi, nguồn cung các loại dồi dào nên giá cả nhìn chung ít biến động, giá một số loại rau gia vị, rau trái mùa tăng nhẹ.
Riêng tại một số tỉnh phía Bắc, do mưa rét dịp sát trước và trong Tết, nguồn cung mặc dù dồi dào nhưng hoạt động thu hoạch, vận chuyển gặp khó khăn nên giá tăng so với ngày thường. Một số loại trái cây tiêu dùng nhiều trong dịp Tết hầu hết có giá tương đương so với Tết năm trước, một số loại giá thấp hơn khoảng 5-10% như bưởi da xanh, bưởi diễn...
Một số mặt hàng nông sản tiêu thụ mạnh trong dịp Tết: Năm nay, các mặt hàng nông sản, đồ khô đa dạng, nhiều mẫu mã lạ, đặc sản địa phương vẫn tiếp tục thu hút người tiêu dùng, nhất là người dân tại các thành phố lớn.
Các loại nông sản khô như đỗ xanh, nấm hương, mộc nhĩ, lạc, măng khô,... giá tương đối ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ khoảng 2%-3% so với ngày thường.
Hoa, cây cảnh: Năm nay, nguồn cung các loại hoa, cây cảnh như đào, mai, quất... cho thị trường dịp Tết rất dồi dào, đa dạng do thời tiết thuận lợi cho sự tăng trưởng của cây trồng.
Giá bán hoa cây cảnh thấp hơn so với năm trước do nhu cầu giảm, một phần ảnh hưởng của dịch Covid-19 quay trở lại vào thời điểm sát Tết, một phần do thu nhập của người dân giảm. Giá bán hoa đào, quất tại các tỉnh phía Bắc giảm so với năm ngoái 5% - 10%.
Tại các tỉnh phía Nam, nguồn cung hoa cây cảnh nhìn chung tương đương như năm ngoái, nhưng mức giá giảm nhẹ do nhu cầu giảm và khó khăn do dịch Covid nên nhiều nhà vườn giảm quy mô. Các loại hoa, cây cảnh phổ biến khác như hoa ly, lay ơn, hoa cúc, hồng... giá giảm 5-10% với cùng kỳ năm trước.