Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL
- Tây Y
- 00:03 - 27/02/2019
Hội nghị diễn ra giữa bối cảnh giá lúa gạo ở ĐBSCL hạ xuống mức rất thấp, khiến người nông dân trồng lúa đứng trước nguy cơ thua lỗ trầm trọng. Mục đích của hội nghị là nhằm đánh giá tình hình, là nơi để các bộ, ngành liên quan cùn trao đổi, tìm các giải pháp thúc đẩy toàn diện sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu gạo trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài. Đặc biệt, cần có cơ chế phối hợp để giải quyết các vấn đề khó khăn của ngành gạo, từ sản xuất đến cơ chế tín dụng, thương mại, sự hỗ trợ của khoa học công nghệ… với mục tiêu duy trì sự tích cực của xuất khẩu gạo.
Sản xuất lúa gạo hiện vẫn là một ngành sản xuất có vai trò hết sức quan trọng đối với Việt Nam
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, lúa gạo là ngành hàng rất quan trọng, không những phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra thế giới. Hiện nay đất sản xuất lúa cả nước chiếm trên 4 triệu ha, đảm bảo an ninh lương thực cho gần 100 triệu dân trong nước. Song song đó, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo. Để xây dựng ngành hàng lúa gạo bền vững, cần đẩy mạnh áp dụng các khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, năng suất trung bình hiện nay đạt 6 tấn/ha, đảm bảo đạt lợi nhuận trên 30% cho nông dân, và có hàng ngàn doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lúa gạo sang hơn 200 quốc gia trên thế giới.
Xuất khẩu gạo năm 2018 đạt 6,1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị 3,06 tỉ USD, cả số lượng và giá trị đđều cao hơn so với năm 2017. Điểm sáng nổi bật là Việt Nam đã chuyển đổi được cơ cấu giống, tỉ trọng gạo chất lượng cao chiếm gần 80% gạo xuất khẩu, nhờ đó đã nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 452 USD/tấn năm 2017 lên 502 USD/tấn năm 2018 – tức tương đương giá gạo cùng loại của Thái Lan, thậm chí có thời điểm còn cao hơn.
Trong năm 2019 cả nước canh tác lúa trên diện tích 7,53 triệu ha, mục tiêu đạt năng suất trung bình 58,1 tấn/ha, sản lượng gạo dự kiến đạt 43,8 triệu tấn, tương đương năm 2018, đủ cho nhu cầu trong nước và kế hoạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Thương mại gạo toàn cầu vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm, các thị trường khác chưa có nhiều khởi sắc.
Hiện nay giá gạo đang giảm. Xuất khẩu gạo tháng 1/2019 đạt gần 438.000 tấn với giá trị đạt 195,3 triệu USD, giảm 10,9% về khối lượng và 18,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá gạo thương lái thu mua tại các tỉnh khu vực ĐBSCL hiện chỉ ở mức 4.200 – 4.500 đồng/kg tùy loại giống, nhưng chỉ thu mua nhỏ giọt. Với mức giá này, nông dân trồng lúa có nguy cơ thua lỗ khi giá nhân công, giống và vật tư nông nghiệp có chiều hướng tăng, chi phí đầu tư sản xuất đội lên đáng kể.
Hiện nay, thương lái đang thu mua gạo ở ĐBSCL với mức giá khá thấp
Để ổn định giá cả, đầu ra cho người trồng lúa, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc tập trung thu mua tạm trữ, các doanh nghiệp cần dự báo được nhu cầu của thị trường về số lượng, chủng loại để đặt hàng nông dân sản xuất đồng thời, phải sớm có cơ chế chính sách cụ thể hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp. Các địa phương phải thể hiện vai trò trong việc kết nối, giám sát hiệu quả mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Về lâu dài, Bộ NN&PTNT phải tái cấu ngành này theo hướng giảm lượng tăng chất, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nhanh chóng tìm các giải pháp trước mắt và lâu dài để đảm bảo giá lúa gạo không gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người nông dân. Trước mắt giao Bộ Tài chính thu mua đưa vào dự trữ quốc gia năm 2019 số lượng 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã trao đổi, thống nhất với các đối tác của Việt Nam về nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc và sẽ thực hiện ngay trong nửa đầu năm 2019. Nhờ đó, những ngày gần đây giá lúa tươi ở vùng ĐBSCL đã tăng 200 đồng/kg, giá gạo nguyên liệu tăng 165 đồng/kg so với trước và kỳ vọng tình hình sẽ còn tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới.